Tín dụng khởi sắc, nợ xấu có nguy cơ gia tăng
Hệ thống ngân hàng khá lạc quan khi phục hồi tăng trưởng tín dụng đạt 4,67% trong 5 tháng đầu năm. Tuy nhiên, đi cùng niềm vui đó là sự lo lắng về chất lượng các khoản cho vay...
Với việc dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong khi tín dụng lại có dấu hiệu khởi sắc khiến thị trường một lần nữa dấy lên mối lo ngại về nguy cơ nợ xấu tăng mạnh trong thời gian tới.
NHIỀU NGÂN HÀNG HẾT "ROOM” TÍN DỤNG
Tại báo cáo về ngành ngân hàng mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, nhờ sự phục hồi kinh tế và thị trường bất động sản thuận lợi, một số ngân hàng tư nhân được báo cáo là đã đạt mức trần tăng trưởng tín dụng ngay sau khi kết thúc quý 1/2021.
Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản tăng nhỉnh hơn mức tăng chung. Cho đến giữa tháng 5, các khoản cho vay dài hạn tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng tín dụng (tăng 4,68% so với mức 4,32% cùng kỳ năm ngoái). Điều này cho thấy, tốc độ tăng trưởng dựa phần lớn vào việc cho vay liên quan đến bất động sản.
Mặt khác, bằng sự tăng trưởng mạnh mẽ của các ngân hàng tư nhân trong 5 tháng đầu năm và tốc độ mở rộng tín dụng vừa phải của nền kinh tế, một vài ngân hàng quốc doanh được đã tăng trưởng tín dụng chậm hơn mặt bằng chung của ngành.
Dựa trên thời điểm công bố nâng mức trần tín dụng vào năm ngoái, VDSC kỳ vọng hạn mức tăng trưởng sẽ được cấp mới trong quý sau. Điều này có thể khiến các ngân hàng thương mại tư nhân phải gặp khó khăn trong hoạt động cho vay cho tới thời điểm đó. Tuy nhiên, công ty chứng khoán này nhận định, đã có một vài giải pháp được các ngân hàng sử dụng.
Các ngân hàng có thể hạn chế giải ngân các khoản vay dài hạn và tập trung vào các khoản vay ngắn hạn để đẩy nhanh tốc độ thu hồi nợ. Tình trạng khan hiếm dư địa cho vay cũng có thể dẫn đến sự tăng trưởng tích cực của các sản phẩm bán chéo, đặc biệt là bancassurance, vốn sẽ cải thiện khả năng tiếp cận khoản vay của những người mua bảo hiểm hoặc giúp thúc đẩy thủ tục giải ngân. Nguồn cung cho vay hạn chế cũng có thể khiến lãi suất cho vay cao hơn, điều này đã diễn ra ở một số ngân hàng tư nhân và thậm chí cả ngân hàng quốc doanh, tập trung chủ yếu vào phân khúc khách hàng cá nhân.
Cuối cùng, nhóm nghiên cứu tại VDSC dự báo các ngân hàng tư nhân sẽ duy trì được tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trong quý 2/2021, do đã chạm mức trần tín dụng từ rất lâu trước khi kết thúc quý. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch, dư nợ tín dụng của các ngân hàng này sẽ được duy trì ở mức trần tín dụng được giao.
Thông tin tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021, tăng trưởng tín dụng toàn ngành 5 tháng đạt 4,67%. Trong khi đó, cùng kỳ năm trước, con số này chỉ đạt chưa tới 2%.
CẨN THẬN NỢ XẤU TĂNG VÌ DỊCH BỆNH
Như hai mặt của đồng xu, tín dụng khởi sắc cũng đi kèm với rủi ro nợ xấu, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, Ngân hàng Nhà nước đã có những văn bản về đánh giá nhóm nợ cùng việc gia hạn nợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khiến cho tình trạng nợ xấu của các ngân hàng chưa được đánh giá chính xác trên các báo cáo tài chính gần nhất.
Mới đây Ngân hàng Nhà nước đã phải ra văn bản nhắc nhở các ngân hàng thận trọng cấp tín dụng cho các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán, dự án BOT, BT giao thông...
“Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp sau khi bùng phát lần thứ 4 sẽ khiến số lượng các doanh nghiệp gặp khó khăn tăng lên, qua đó ảnh hưởng đến nhu cầu vay cũng như chất lượng tín dụng”, ông Hiếu chia sẻ quan điểm.
Ông Hiếu cũng cho rằng, để tăng trưởng tín dụng hiệu quả cần đẩy mạnh kích cầu hơn nữa, bởi hiện nay nhu cầu vốn đã tăng, song vẫn còn nhiều doanh nghiệp ở những lĩnh vực du lịch, khách sạn, hàng không... tạm dừng hoạt động. Vì vậy, các ngân hàng khi cho vay phải kiểm soát được nguồn trả nợ của khách hàng để vẫn đạt được chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng mà chất lượng tài sản, chất lượng tín dụng cũng được đảm bảo.
Chung quan điểm, chuyên gia Cấn Văn Lực cho biết, trong tổng số nợ cơ cấu lại 357.000 tỷ đồng hiện nay, khoảng 1/3 là tiềm ẩn nợ xấu, tức hoàn toàn có thể biến thành nợ xấu. Đến cuối năm nay, các ngân hàng bắt buộc phải trích lập dự phòng rủi ro cho phần tín dụng tiềm ẩn nợ xấu theo Thông tư 03 (khoảng 40.000 - 44.000 tỷ đồng). Khoản này sẽ được trừ vào lợi nhuận của các ngân hàng nên các ngân hàng sẽ không còn mức lãi khủng mà tối đa chỉ có thể lãi 15%.
Với những diễn biến hiện tại, vị chuyên gia này nhìn nhận tín dụng ngân hàng cả năm nay tăng khoảng 11-13% là phù hợp. “Dù kinh tế phục hồi nhưng vẫn còn rất nhiều rủi ro đang chờ đợi các ngân hàng trong thời gian tới, đặc biệt là vấn đề nợ xấu”, ông Lực nhấn mạnh.