TP.HCM kỳ vọng Luật Đất đai mới giải quyết hiệu quả các tồn đọng về sử dụng đất

Ban Mai
Chia sẻ

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, giải quyết có hiệu quả các tồn đọng, vướng mắc, liên quan đến quản lý, sử dụng đất trên địa bàn…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Luật Đất đai mới có phạm vi tác động rất lớn, góp phần quan trọng lành mạnh hóa các mối quan hệ của thị trường bất động sản, đảm bảo thực thi các nhiệm vụ, mục tiêu xã hội, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM.

Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM, nêu lên tại phiên họp thứ 17 HĐND TP.HCM khóa X vào sáng 15/7/2024. Theo ông Nên, TP.HCM còn nhiều vướng mắc, điểm nghẽn cần tháo gỡ về lĩnh vực đất đai.

“Bây giờ, luật có những cải tiến, quy định mới phù hợp hơn với tình hình nên thành phố phải triển khai nhanh để đưa vào cuộc sống. Thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, giải quyết có hiệu quả các tồn đọng, vướng mắc, liên quan đến quản lý, sử dụng đất trên địa bàn”, ông Nên nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng yêu cầu thành phố tập trung đẩy nhanh các dự án nhà ở xã hội, phải xem đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để thay đổi cuộc sống cho người dân thu nhập thấp, tập trung cải tạo nhà ở ven kênh rạch, với những giải pháp căn cơ.

“Vấn đề nào thuộc thẩm quyền thành phố thì làm nhanh, vượt thẩm quyền thì bàn, xin ý kiến Trung ương, không thụ động ngồi chờ”, ông Nên nói.

Liên quan đến chính sách về đất đai theo Luật Đất đai mới trên địa bàn TP.HCM, tại buổi giám sát của Quốc hội đối với TP.HCM về thực hiện chính sách, pháp luật quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 - 2023 trên địa bàn (chiều 12/7/2024), ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội, cho biết đoàn giám sát cũng thấy rõ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Theo ông Hải, thị trường bất động sản của TP.HCM có quy mô lớn nhất cả nước, nhưng cũng giống như nhiều địa phương trong cả nước khi còn nhiều bất cập.

Trong thời gian 09 năm (2015 - 2023), TP.HCM chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư được 44 dự án mới, không quá 07 dự án/năm. Tỷ trọng hoạt động kinh doanh bất động sản trong GRDP của thành phố ngày càng giảm. Giá bất động sản tăng, chênh lệch đáng kể giữa các khu vực.

Trình tự, thủ tục đầu tư các dự án bất động sản kéo dài, nhiều dự án gặp khó khăn do vướng mắc về pháp lý; thiếu tính đồng bộ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với các quy hoạch khác; nhiều dự án qua nhiều năm không xác định được nghĩa vụ tài chính về đất…

Việc phát triển nhà ở xã hội của TP.HCM cũng gặp khó khăn cả về thể chế, chính sách và quá trình tổ chức thực hiện. Nhiều điểm nghẽn về phát triển nhà ở xã hội. Trình tự, thủ tục đầu tư, bố trí quỹ đất độc lập, bố trí và sử dụng quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại còn bất cập; huy động nguồn lực ngoài Nhà nước khó khăn; việc giải ngân các gói hỗ trợ tín dụng chưa hiệu quả...

Với thực trạng đó, ông Nguyễn Đức Hải đề nghị đoàn giám sát ghi nhận và nghiên cứu kỹ các kiến nghị của TP.HCM liên quan đến quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Cùng với việc có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024 của 03 luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, ông Hải cũng đề nghị TP.HCM khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành được giao trong các luật, báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc này.

Phát biểu tại buổi giám sát, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết thành phố cũng đã chuẩn bị các phần việc liên quan để triển khai ngay khi các luật có hiệu lực. Hiện thành phố đang chuẩn bị làm bảng giá đất để áp dụng từ 01/01/2026, chuẩn bị các văn bản hướng dẫn để quản lý thị trường bất động sản, nhóm nhà ở thương mại.

"Thành phố đang vướng quy hoạch chung và quy hoạch TP. Thủ Đức, nếu được tháo gỡ thì tháo gỡ được quy hoạch sử dụng đất. Thời gian tới, thành phố tập trung ưu tiên tháo gỡ các vướng mắc, liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở trên và ven kênh rạch", ông Cường nêu ý kiến.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con