VCCI phản hồi về việc "lập bộ phận chuyên trách để bán bảo hiểm"
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định tổ chức tín dụng làm đại lý bảo hiểm phải thành lập bộ phận chuyên trách để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm. Tuy nhiên, VCCI chưa đồng thuận với quy định này...
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sau đây gọi tắt là dự thảo), trong đó có các quy định mới liên quan tới đại lý bảo hiểm là các tổ chức tín dụng.
Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra một số góp ý trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp và hiệp hội.
Cụ thể, Khoản 1 Điều 75 Dự thảo quy định mới một số điều kiện hoạt động của đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng. Theo VCCI, hiện tại, nhiều tổ chức tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép hoạt động có ngành nghề kinh doanh bảo hiểm, vì vậy Dự thảo cần phải có quy định rõ vấn đề chuyển tiếp của đối với các tổ chức tín dụng đã được cấp phép hoạt động đại lý bảo hiểm, cũng như quy định chuyển tiếp cho chứng chỉ đại lý bảo hiểm, vì khoản 2 Điều 157 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định “Chứng chỉ đại lý bảo hiểm được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2025”.
Điểm a Khoản 1 Điều 75 của Dự thảo quy định tổ chức tín dụng làm đại lý bảo hiểm phải thành lập bộ phận chuyên trách để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm. Tuy nhiên, VCCI không đồng tình và đề nghị ban soạn thảo bỏ quy định này.
VCCI lập luận: “Tổ chức tín dụng có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, hoạt động kinh doanh được thường xuyên giám sát, quản lý rủi ro theo quy định của pháp luật về tổ chức tín dụng. Việc yêu cầu phải thành lập bộ phận chuyên trách để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, theo doanh nghiệp, hiệp hội, là không cần thiết đối với tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng sẽ chủ động lựa chọn cơ cấu, bộ phận phù hợp để thực hiện hoạt động kinh doanh này. Điều kiện áp dụng đối với chi nhánh, văn phòng giao dịch của tổ chức tín dụng”.
Điểm c khoản 1 Điều 75 Dự thảo quy định “đối với tổ chức tín dụng thì mỗi chi nhánh, văn phòng giao dịch thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải có tối thiểu 03 nhân viên được đào tạo và có chứng chỉ đại lý bảo hiểm phù hợp với loại hình bảo hiểm mà tổ chức tín dụng làm đại lý”.
Theo VCCI, việc áp đặt cứng tối thiểu 03 nhân viên đối với mỗi chi nhánh, văn phòng giao dịch là chưa phù hợp với thực tế hoạt động của doanh nghiệp. Tùy thuộc vào quy mô, phạm vi và địa bàn kinh doanh, tổ chức tín dụng sẽ cân nhắc, bố trí số lượng cán bộ nhân viên phù hợp để triển khai các hoạt động hợp tác, liên kết bao gồm hoạt động đại lý bảo hiểm. Mặt khác, VCCI cho biết các doanh nghiệp cho rằng điều kiện này là khá khắt khe và rất ít doanh nghiệp đáp ứng được.
Do đó, VCCI đề nghị ban soạn thảo cân nhắc quy định này theo hướng, chỉ cần đảm bảo nguyên tắc nhân viên trong tổ chức tín dụng làm đại lý trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải được đào tạo và có chứng chỉ đại lý bảo hiểm phù hợp với loại hình bảo hiểm mà tổ chức tín dụng làm đại lý, nhằm đảm bảo sự linh hoạt, chủ động và phù hợp với thực tế hoạt động kinh doanh của từng tổ chức tín dụng.
Điểm e khoản 1 Điều 75 Dự thảo quy định “có chính sách trả thưởng, hỗ trợ cho các nhân viên trong tổ chức đại lý được xây dựng căn cứ trên các Tiêu chí đánh giá chất lượng khai thác do doanh nghiệp bảo hiểm ban hành trong đó bao gồm tỷ lệ duy trì hợp đồng tối thiểu”.
VCCI cho rằng “Tiêu chí đánh giá chất lượng khai thác do doanh nghiệp bảo hiểm ban hành” là khái niệm mới và chưa rõ, từ đó, tổ chức này đề nghị ban soạn thảo hoặc quy định rõ hoặc bỏ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 75 vì đây là vấn đề thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức đại lý bảo hiểm, Nhà nước không cần thiết phải can thiệp vào vấn đề này