Temu đã đăng ký thuế tại Việt Nam nhưng chưa được cấp phép
Công tác quản lý thuế đối với sàn thương mại điện tử xuyên biên giới mới xuất hiện trong thời gian vừa qua đang là vấn đề được dư luận quan tâm. Đặc biệt là khi EU lo ngại các sản phẩm bất hợp pháp có thể được bán trên nền tảng như Temu…
Thông tin về vấn đề này, Tổng cục Thuế cho biết, ngày 04/09/2024, sàn thương mại điện tử Temu đã được công ty chủ sở hữu là Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd đăng ký thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài của Tổng cục Thuế. Temu được cấp mã số thuế số 9000001289.
Về thời hạn khai thuế, nộp thuế, Tổng cục Thuế cho biết, theo quy định tại Thông tư số 80/2021/TT-BTC, sàn Temu sẽ bắt đầu nộp tờ khai từ thời điểm quý 3/2024 (thời hạn kê khai thuế của tờ khai quý 3/2024 là 31/10/2024) kê khai cho doanh thu từ thời điểm bắt đầu hoạt động tại Việt Nam.
Như vậy, theo quy định, dự kiến tháng 10/2024 Temu mới phát sinh doanh thu nộp thuế và sẽ kê khai doanh thu vào kỳ khai thuế quý 4/2024 thời hạn nộp là 31/01/2025 nếu được cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Công Thương cấp phép hoạt động.
Tổng cục Thuế khẳng định, theo quy định Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2021/NĐ-CP) thì hoạt động kinh doanh sàn thương mại điện tử là hoạt động phải được cấp phép và chịu quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Còn đối với công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số được cơ quan thuế quản lý theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Thông tư số 80/2021/TT-BTC. Theo đó các nhà quản lý sàn thương mại điện tử có trách nhiệm đăng ký, tự tính, tự khai, tự nộp thuế trực tiếp thông qua Cổng thương mại điện tử của Tổng cục Thuế.
Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử kinh doanh trên nền tảng số có tính chất xuyên biên giới, nhà cung cấp nước ngoài nếu có phát sinh doanh thu tại Việt Nam nhưng chưa thực hiện việc đăng ký thuế, cơ quan thuế sẽ thực hiện rà soát và có các biện pháp xử lý phù hợp để đảm bảo quản lý thuế hiệu quả, minh bạch và công bằng đối với các hoạt động kinh doanh truyền thống.
Trường hợp, nhà cung cấp nước ngoài thông tin chưa đúng về doanh thu, cơ quan thuế sẽ thực hiện đối chiếu dữ liệu để xác định doanh thu đề nghị nhà cung cấp nước ngoài thực hiện nghĩa vụ và thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định nếu có dấu hiệu gian lận, trốn thuế.
Những ngày vừa qua, chiêu thức xâm nhập Việt Nam của Temu tương tự như cách nền tảng này đã làm ở 70 quốc gia Temu đặt chân đến và đã thành công là tạo các "bom tấn" truyền thông. Mở ồ ạt chiến dịch truyền thông, các chương trình tiếp thị liên kết (affiliate) chiết khấu không tưởng cho người tham gia và giảm giá đến 90% giá hàng hoá… đã khiến chiến lược spam tải app, share link của Temu trở thành “cơn bão”. Temu cũng không ngại bỏ tiền quảng người dùng mới tải app của mình ở khắp các mặt trận từ Facebook, Youtube, Tiktok hay Zalo…
Tuy nhiên, việc mua sắm trên các nền tảng chưa đăng ký và chưa được cơ quan Nhà nước quản lý có thể dẫn đến những rủi ro. Theo Bộ Công Thương, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nếu chưa hoàn thiện các nghĩa vụ đăng ký, cấp phép tại Việt Nam theo quy định sẽ không chịu sự giám sát từ các cơ quan chức năng về chất lượng hàng hóa hay cam kết về dịch vụ hậu mãi.
Trong trường hợp giao dịch phát sinh vấn đề không mong muốn, người tiêu dùng có nguy cơ đối mặt với một số khó khăn. Ví dụ, khi phát hiện sản phẩm nhận được không đúng mô tả, phát sinh lỗi, hỏng hóc, hoặc có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe, việc người tiêu dùng, việc yêu cầu hoàn trả hoặc bảo hành sản phẩm sẽ trở nên khó khăn.
Người tiêu dùng cũng đứng trước rủi ro cao khi mua phải hàng giả, hàng nhái hoặc hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ khi đặt hàng trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký. Những mặt hàng này có thể không đạt tiêu chuẩn an toàn, gây hại cho người tiêu dùng hoặc là những hàng hoá bị cấm tại thị trường Việt Nam.
Đối với các sản phẩm liên quan đến sức khỏe và an toàn như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em và thiết bị điện tử, việc sử dụng sản phẩm kém chất lượng có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Trong các trường hợp này, do các cơ quan chức năng không thể thực hiện công tác giám sát các trách nhiệm của doanh nghiệp về đảm bảo chất lượng sản phẩm, trách nhiệm về đảm bảo tính chính xác của việc cung cấp thông tin về sản phẩm nên người tiêu dùng sẽ không nhận được hỗ trợ theo quy định pháp luật từ phía các cơ quan chức năng.
Đặc biệt, bên cạnh những sản phẩm tiêu dùng, dụng cụ nhà bếp hay sản phẩm thời trang, có thể quan sát thấy tại gian hàng đồ chơi, có sự hiện diện của khá nhiều đồ chơi kích động bạo lực như: Súng bắn bóng gel điện, thanh kiếm phát sáng, súng phun nước cơ khí, băng đạn và viên đạn nhựa; bộ xếp hình khẩu súng trường, kiếm samurai rút gọn, gươm dao pu foam… Để tăng đơn hàng, các gian hàng đều treo biển đã bán nhiều sản phẩm, hàng giảm giá và sắp hết hạn giảm giá ưu đãi.
Pháp luật Việt Nam quy định, các mặt hàng kích động bạo lực như trên sẽ bị cấm kinh doanh theo Quyết định 88/2000/QĐ-BTM về danh mục chi tiết hàng hóa cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện, hàng hóa dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, những loại đồ chơi trẻ em có hại tới giáo dục nhân cách, sức khỏe hoặc tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Nếu cố tình kinh doanh, chế tài đối với hành vi buôn bán các sản phẩm đồ chơi nguy hiểm, sản phẩm ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em, buôn bán hàng bị phạt từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tùy thuộc hành vi, mức độ vi phạm và có thể bị áp dụng chế tài bổ sung.