13:36 29/09/2022

Thái Nguyên: Đề nghị tăng thêm gần 600 tỷ đồng đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Sông Công II

Thanh Xuân

Dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Sông Công II, TP. Sông Công có quy mô 250 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 1.757 tỷ đồng...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Xây dựng vừa nhận được văn bản số 5244/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 29/7/2022  của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về ý kiến thẩm định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Sông Công II, TP.Sông Công, tỉnh Thái Nguyên.

Theo Bộ Xây dựng, tại Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 23/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, thời gian thực hiện dự án được phê duyệt là từ năm 2017 đến năm 2020.

Nhưng đến ngày 23/5/2022, UBND tỉnh Thái Nguyên có Tờ trình số 54/TTr-UBND đề nghị điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư, tăng 589.371.486.026 đồng chi cho bồi thường, giải phóng mặt bằng và điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến năm 2023.

Tuy nhiên, tại hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư, chưa có các nội dung về so sánh đánh giá giữa kế hoạch giải phóng mặt bằng theo chủ trương được duyệt và thực tiễn; nguyên nhân chậm thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của chủ thể liên quan; mốc thời gian hoàn thành cụ thể đối với các gói thầu đang triển khai, thời gian quyết toán dự án. Do vậy, hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án cần bổ sung, làm rõ để đảm bảo tính khả thi của việc điều chỉnh.

Ngoài ra, trong hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư, mặc dù thời gian hoàn thành dự án đề nghị tăng 3 năm, nhưng chưa có đánh giá tác động mức độ ảnh hưởng của việc này, đến các chi phí đầu tư xây dựng khác ngoài chi phí giải phóng mặt bằng. Vì thế, cần thuyết minh làm rõ nhằm đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí đầu tư xây dựng.

Bên cạnh đó, hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư cũng không thể hiện chi tiết xác định chi phí giải phóng mặt bằng, nên chưa đủ cơ sở để đánh giá tính phù hợp của chi phí này, với các quy định của pháp luật có liên quan. Song đây là dự án đã thực hiện nhiều năm, qua báo cáo của Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên tại văn bản số 850/BQL-BDASC2 ngày 19/5/2022, thì công tác giải phóng mặt bằng thực hiện được 94% (235/250 ha), về nguyên tắc, đến thời điểm hiện nay, chi phí bồi thường và giải phóng mặt bằng đã được xác định một cách chính xác.

Thông tin từ địa phương này cho biết, Dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Sông Công II, TP. Sông Công có quy mô 250 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 1.757 tỷ đồng, gồm các hạng mục chính, như: đường giao thông theo tiêu chuẩn đường đô thị; hệ thống cấp nước sạch, thoát nước mặt, thoát nước thải; hệ thống điện, điện chiếu sáng; trạm trung chuyển chất thải rắn thông thường, nhà máy xử lý nước thải; hệ thống cây xanh và quan trắc môi trường tự động… Đây là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2016-2020.

Được biết tính đến năm 2020, Thái Nguyên mới có 6 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.420 ha. Tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp đạt trung bình 61%. Trong đó, Khu công nghiệp Yên Bình, Khu công nghiệp Nam Phổ Yên, Khu công nghiệp Điềm Thụy (khu A) tỷ lệ lấp đầy đạt trên 80%. Hiện nay, nhu cầu đất sản xuất tại các khu công nghiệp trên địa bàn đang tiếp tục tăng cao...