"Thái tử" Samsung bị đề nghị 9 năm tù với tội danh hối lộ
Phán quyết của vụ án này có thể gây chấn động lớn cho Samsung bởi ông Jay Y. Lee dự kiến sẽ lên nắm quyền tại Samsung Electronics sau khi cha qua đời hồi tháng 10
Theo tin từ Bloomberg, các công tố viên Hàn Quốc đã đề nghị án tù 9 năm dành cho Jay Y. Lee - Phó chủ tịch Samsung Electronics, còn được biết đến là "Thái tử" Samsung - với tội danh hối lộ trong vụ án chấn động thổi bùng làn sóng chỉ trích của công chúng nhằm vào tập đoàn quyền lực nhất nước này.
Đây là đề nghị được các công tố viên đặc biệt đưa ra trong phiên điều trần ngày 30/12 tại Tòa án Cấp cao Seoul. Phán quyết đối với ông Jay Y. Lee sẽ được đưa ra vào ngày 18/1 tới.
"Không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của công ty cho xã hội của chúng ta", biên bản kết luận của các công tố viên có đoạn đề cập đến Samsung. "Tuy nhiên, chính vì những đóng góp kinh tế, không nên do dự trong việc thực thi pháp luật".
Jay Y. Lee, 52 tuổi, đang kiên quyết chống lại các cáo buộc liên quan tới vụ án được khởi tố 4 năm trước, khiến ông phải ngồi tù một năm và Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị phế truất.
Phán quyết của vụ án này có thể gây chấn động lớn cho Samsung bởi ông Lee dự kiến sẽ lên nắm quyền tại Samsung Electronics sau khi cha ông - người sáng lập tập đoàn - qua đời hồi tháng 10.
Các cáo buộc hối lộ nhằm vào ông Lee xuất phát từ một vụ sáp nhập gây tranh cãi vào năm 2015 giữa hai công ty con của Samsung, được cho là "dọn đường" giúp ông giành quyền kiểm soát tập đoàn. Các công tố viên cáo buộc Samsung đã cung cấp ngựa và quyên góp tài chính, thông qua một bên trung gian, cho một người thân tín của Cựu Tổng thống Park Geun-hye nhằm cố gắng giành được sự ủng hộ của chính phủ đối với thương vụ này. Ông Lee từng bị kết án 5 năm tù vào năm 2017, nhưng sau đó được giảm nửa án.
Tỷ phú này ngồi tù khoảng 1 năm rồi được hoãn thi hành án và tại ngoại vào năm 2018. Tuy nhiên, tháng 8/2020, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã bác bỏ quyết định này và buộc lãnh đạo Samsung phải hầu tòa. Lần này, ông Lee có thể đối mặt với một bản án nghiêm khắc hơn vì số tiền hối lộ bị cáo buộc tăng lên.
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng nguy cơ "Thái tử" Samsung phải trở lại trại giam giảm dần khi phiên tòa sắp kết thúc. Các thẩm phán tại tòa án cấp cao đã yêu cầu Samsung và ông Lee thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn hành vi bất hợp pháp và nâng cao uy tín của tập đoàn. Theo đó, hồi tháng 5, ông Lee đã thành lập một hội đồng tuân thủ độc lập và lên tiếng xin lỗi vì những sai trái trong quá khứ liên quan tới quá trình kế vị tại tập đoàn. Ông cũng công khai tuyên bố sẽ không giao quyền lãnh đạo Samsung cho các con mình. Các hoạt động của hội đồng tuân thủ độc lập sẽ được xem xét khi đưa ra phán quyết cuối cùng dành cho Lee.
"Dù khó khăn và gian khổ, tôi cũng sẽ bước đi trên còn đường đúng đắn", tỷ phú Samsung phát biểu trước phiên xét xử ngày 30/12. "Tôi cam kết sẽ tạo ra một công ty với sự minh bạch và đạo đức ở mức cao nhất".
"Một lần nữa, tôi xin đảm bảo rằng các con tôi sẽ không được kế vị tập đoàn. Samsung sẽ không bao giờ rơi vào những tranh cãi liên quan tới vấn đề này nữa", ông Lee nói thêm.
Ông Lee sau đó đã rời khỏi một vị trí giám đốc nội bộ nhưng vẫn là phó chủ tịch và người nắm quyền tại Samsung Electronics. Mặc dù cha ông - chủ tịch Lee Kun-hee - đã qua đời hồi tháng 10, nhưng "Thái tử" Samsung vẫn chưa được tiếp quản vị trí của cha ngay. Các nhà phân tích nhận định Samsung có thể sẽ tiếp tục hoãn việc bổ nhiệm Lee vào vị trí chủ tịch, ít nhất cho đến khi vụ xét xử kết thúc.
Ngoài vụ án trên, ông Lee cũng bị cáo buộc vi phạm luật thị trường vốn và lạm dụng chức vụ trong một vụ án khác có liên quan tới một vụ sáp nhập gây tranh cãi của Samsung vào năm 2015. Ông Lee bị khởi tố với các tội danh này vào tháng 9/2020 và các phiên điều trần dự kiến được tiếp tục vào ngày 14/1 tới.