Tham nhũng đang cản trở kinh doanh bền vững
Mặc dù đã có một số cải tiến trong thời gian qua, tuy nhiên quản trị doanh nghiệp và phòng chống tham nhũng vẫn còn rất nhiều thách thức đặt ra với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Có tới 54,1% doanh nghiệp cho biết hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến...
Khảo sát về Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020 (PCI) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, chi phí không chính thức trong vòng 4-5 năm qua đã có những thay đổi tích cực theo chiều hướng giảm rõ rệt, nhưng tỷ lệ này vẫn còn ở mức cao.
Vẫn còn một nửa số doanh nghiệp cho biết họ vẫn phải trả các khoản phí phi chính thức. Như để đẩy nhanh thủ tục đất đai năm 2020, có 32% doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức.
Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết “hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến” là 54,1% năm 2020.
Tại toạ đàm “Văn hóa kinh doanh liêm chính: Con đường dẫn tới kinh doanh thành công và vững bền”, ông Patrick Havermen, Phó đại diện Thường trú UNDP Việt Nam lưu ý: Mặc dù đã có một số cải tiến trong thời gian qua, tuy nhiên quản trị doanh nghiệp và phòng chống tham nhũng vẫn còn rất nhiều thách thức đặt ra với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
Kinh doanh liêm chính, phát triển bền vững sẽ giúp công ty tăng trưởng tốt và chống chịu tốt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Do đó, cần đẩy mạnh hơn nữa tiến độ lồng ghép minh bạch, liêm chính, trách nhiệm giải trình vào phòng chống tham nhũng của doanh nghiệp Việt Nam.
Quản trị tồi và tham nhũng là một trong những thách thức đối với phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam. Tham nhũng cũng là một trong những trở ngại chính quan trọng nhất khiến cho chi phí kinh doanh ngày càng tăng lên và bóp méo môi trường cạnh tranh, hạn chế cơ hội đầu tư, làm gia tăng bất bình đẳng trong xã hội.
Thực hiện liêm chính cần bắt đầu tư cơ sở, cần tháo gỡ ngay từ những thủ tục hành chính đơn giản nhất. Những giao dịch hành chính cần được số hóa ở mức độ cao nhất, nhằm hạn chế tiếp xúc giữa doanh nghiệp với cơ quan hành chính, điều này làm giảm thiểu chi phí không chính thức.
Thậm chí, tham nhũng dẫn tới việc sử dụng ngân sách kém hiệu quả với lý do ngân sách đầu tư thường không được đến với những khu vực cần đầu tư.
Ông Patrick Havermen nhấn mạnh, các nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng trên thế giới cũng đang gây áp lực nhiều hơn với doanh nghiệp và các chính phủ phải tuân thủ cũng như thực hiện các thông lệ về liêm chính, minh bạch nhằm kinh doanh bền vững, cũng như kinh doanh có trách nhiệm.
Các thông lệ này không chỉ là một điều tốt mà còn là điều hết sức hệ trọng đảm bảo sự phù hợp trong môi trường kinh doanh hiện nay. Tuy nhiên, bản thân một doanh nghiệp không thể thúc đẩy văn hoá liêm chính một sớm một chiều mà cần nỗ lực chung của tất cả các bên. Hành động tập thể sẽ thúc đẩy văn hoá liêm chính trong kinh doanh.
Với vai trò FDI, ông Alexander Falter, Phó Chủ tịch, BritCham, TGĐ Công ty TNHH ECCO Việt Nam cho biết, ECCO khá chặt chẽ trong tìm kiếm đối tác cung ứng Việt Nam. ECCO đánh giá năng lực của các nhà cung ứng thông qua quy tắc ứng xử nội bộ và quản trị tốt.
Đồng thời kiểm toán chặt chẽ các vấn đề về bảo hiểm, môi trường, vấn đề quản lý thời gian làm việc của người lao động… Khi các tiêu chí đề ra đạt được, hợp đồng với nhà cung ứng sẽ được ký kết.
Không dừng lại ở đó, hàng năm ECCO thực hiện kiểm toán đánh giá chất lượng với nhà cung ứng trong việc tuân thủ quy tắc ứng xử trong doanh nghiệp…
“Đây là vòng tròn khép kín. Chúng tôi muốn các nhà cung ứng gắn bó lâu dài với ECCO vì thế kiểm toán phải được thực hiện hàng năm để biết các nhà cung ứng tuân thủ thế nào với mối quan hệ hợp tác này trong hiện tại và hướng tới tương lai. Đồng thời đưa ra sáng kiến cải thiện, chia sẻ kinh nghiệm”, ông Alexander Falter cho hay.
Ông Phí Ngọc Tuyển, Phó Cục trưởng Cục Phòng tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đồng tình, Chính phủ đang nỗ lực xây dựng văn hoá không tham nhũng, nền tảng cho phát triển bền vững.
Tuy nhiên, chỉ chính phủ nỗ lực là không đủ mà cần có sự cố gắng của doanh nghiệp và người dân. Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 đã đưa vào quy định về phòng chống tham nhũng trong khu vực tư.
Do vậy các doanh nghiệp cần phải xây dựng, thực hiện kinh doanh tuân thủ pháp luật, xây dựng xã hội không tham nhũng ở đất nước.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, thực hiện liêm chính cần bắt đầu tư cơ sở, cần tháo gỡ ngay từ những thủ tục hành chính đơn giản nhất. Những giao dịch hành chính cần được số hóa ở mức độ cao nhất, nhằm hạn chế tiếp xúc giữa doanh nghiệp với cơ quan hành chính, điều này làm giảm thiểu chi phí không chính thức.
Còn với doanh nghiệp, phải minh hóa trong tất cả các hoạt động kinh doanh của mình, tuân thủ đúng pháp luật.