10:44 14/02/2011

Thâm thủng thương mại Mỹ - Trung đạt đỉnh mọi thời đại

Diệp Anh

Đây là năm thứ hai liên tiếp, Trung Quốc vượt qua Canada trở thành đối tác bán hàng hóa lớn nhất vào thị trường Mỹ

Thâm hụt thương mại Mỹ - Trung bùng nổ trong năm 2010.
Thâm hụt thương mại Mỹ - Trung bùng nổ trong năm 2010.
Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại nước này trong tháng 12/2010 tăng thêm 6% so với tháng trước lên 40,6 tỷ USD, do nhập khẩu tăng trưởng mạnh hơn xuất khẩu.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 163 tỷ USD, tăng 2,8 tỷ USD so với tháng 11,  mức cao nhất kể từ tháng 7/2008. Nguyên nhân là do có sự gia tăng bán máy công nghiệp, máy bay dân sự, ôtô và linh kiện.

Trong khi, kim ngạch nhập khẩu cũng tăng đến mức cao nhất từ tháng 10/2008 với giá trị đạt hơn 203 tỷ USD, tăng 5 tỷ USD so với tháng trước, chủ yếu là do tăng nhập khẩu xăng dầu. "Chi phí năng lượng tăng cao đang làm xói mòn nền kinh tế này", chuyên gia Joel Naroff thuộc cơ quan tư vấn kinh tế Naroff lưu ý.

Mặc dù thâm hụt thương mại chung của Mỹ trong tháng 12/2010 tăng, nhưng mức thâm thủng với Trung Quốc lại giảm. Trong tháng 12, xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc tăng 6,8%, đạt kỷ lục mới 10,12 tỷ USD, trong khi nhập khẩu giảm 12%.

Tuy nhiên, tính cả năm 2010, thâm hụt thương mại của nền kinh tế đầu tàu với Trung Quốc vẫn đạt mức đỉnh cao mọi thời đại: 273 tỷ USD.

Đây là năm thứ hai liên tiếp, Trung Quốc vượt qua Canada trở thành đối tác bán hàng hóa lớn nhất vào thị trường Mỹ. Tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ đã không cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, với kết quả thâm hụt thương mại này, theo giới phân tích, sẽ thúc đẩy một số nghị sỹ Mỹ đòi thông qua dự luật trả đũa.

Hôm 10/2, với cáo buộc Trung Quốc đang xây dựng một bức "vạn lý trường thành" về tập quán thương mại bất công, một số nghị sỹ Mỹ đã đề xuất một dự luật nhằm trả đũa Bắc Kinh.

Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Sherrod Brown nói rằng, các hãng Mỹ có thể cạnh tranh với bất kỳ công ty nào trên thế giới, nhưng khi Trung Quốc thao túng thị trường với chính sách tiền tệ hiện nay thì đó không phải là cạnh tranh mà là gian lận.

Ông Sherrod Brown đã trình bày một dự luật cho phép Chính phủ Mỹ "xử lý" đối với hành động trợ giá hàng hóa của Trung Quốc, theo đó Bộ Thương mại Mỹ có thể áp dụng các hình thức thuế trong trường hợp phát hiện một quốc gia nào đó bị cho là "có các hành vi thao túng đồng nội tệ của họ."

Trước đây, theo quy định của luật pháp Mỹ, Bộ Thương mại chỉ có thể áp dụng các mức thuế đối với hàng hóa nước ngoài nếu nước sản xuất trực tiếp trợ cấp cho các mặt hàng xuất khẩu.

Nghị sỹ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tiếp tục cáo buộc Bắc Kinh định giá quá thấp trị giá của đồng Nhân dân tệ dẫn đến hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn trên thị trường, ảnh hưởng tới thị trường lao động của Mỹ.

Đại diện của đảng Cộng hòa Tim Murphy cho rằng Trung Quốc đã cho phép các doanh nghiệp trong nước được vay với giá ưu đãi hơn trên thị trường, đồng thời các công ty nước này đã ăn cắp mẫu mã và bản quyền của Mỹ.

Ông cũng nhấn mạnh tất cả những hành động này đã tạo nên một bức "vạn lý trường thành" về tập quán kinh doanh không công bằng và Mỹ không thể làm ngơ.

Tiếp đó, hôm 11/2, Mỹ lại đâm đơn kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), với cáo buộc Trung Quốc đang phá vỡ quy tắc của WTO bao gồm hạn chế sự tiếp cận của các công ty thẻ tín dụng nước ngoài tới hệ thống thanh toán của mình và trợ cấp nhập khẩu bất hợp pháp để cạnh tranh với thép của Mỹ.

Ông Ron Kirk, đại diện thương mại  Mỹ, nói rằng Trung Quốc đang tiếp tục tài trợ độc quyền cho China UnionPay, tổ chức thanh toán thẻ lớn nhất Trung Quốc, áp dụng các quy định ưu ái cho tổ chức này trong các giao dịch bằng ngoại tệ.

Theo ông, việc loại bỏ sự độc quyền của China UnionPay sẽ tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh đáng kể trên thị trường của Trung Quốc đối với các nhà cung cấp dịch vụ của Mỹ.

Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp để ngăn chặn thép nhập khẩu từ Mỹ. Trung Quốc áp các loại thuế chống bán phá giá khác nhau, từ 7,8% đến 64,8% và thuế chống trợ cấp từ 11,7% đến 44,6% vào một loại thép sử dụng trong các nhà máy điện.

Mỹ bắt đầu các vụ kiện lên WTO vào cuối tháng 9 năm ngoái, và tiếp tục đâm đơn kiện vào hôm qua, ngày 11/2 vì cho rằng nỗ lực để giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng với Trung Quốc đã thất bại.