13:14 04/03/2024

Tham vọng hồi sinh ngành sản xuất chip của Mỹ

An Huy

Đứng trước nhu cầu bán dẫn toàn cầu tăng mạnh, Mỹ quyết tâm hồi sinh ngành công nghiệp sản xuất con chip trong nước. Với sứ mệnh táo bạo như vậy, Chính phủ Mỹ dự kiến rót hàng chục tỷ USD vốn hỗ trợ cho các nhà máy chip đặt tại nước này...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Vào tháng 2/2023, Bộ Thương mại Mỹ khởi động CHIPS for America - một chương trình đầu tư quy mô lớn cho ngành chip - mang tham vọng tương tự như cuộc đua vào vũ trụ. Các công ty Mỹ đang dẫn trước về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), nhưng nền công nghiệp sản xuất chip đang yếu của nước này đặt ra một thách thức lớn. Với trọng tâm đặt vào phát triển nguồn nhân lực chip, nghiên cứu và phát triển (R&D) và sản xuất chip, Mỹ đặt ra mục tiêu lấp đầy khoảng trống về chip và đến năm 2030 sẽ chiếm 20% sản lượng chip công nghệ cao của thế giới.

VÌ SAO NGÀNH SẢN XUẤT CHIP CỦA MỸ TỤT HẬU?

Đầu tuần vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo bày tỏ quan điểm lạc quan về tiềm năng của chương trình hồi sinh ngành sản xuất chip trong nước trong việc tạo ra những chuyển biến tích cực cho nền công nghiệp Mỹ nói chung. Với chương trình này, Mỹ muốn thông qua đầu tư sản xuất trong nước các loại chip logic tiên tiến nhất và chip nhớ nhằm củng cố sức mạnh cho chuỗi cung ứng của mình và giảm lệ thuộc vào các nước là đối thủ địa chính trị. “Việc chúng ta đầu tư vào sản xuất chip logic tối tân sẽ đưa Mỹ tiến tới chiếm 20% sản lượng chip tiên tiến của thế giới vào cuối thập kỷ này”, bà Raimondo phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) - một tổ chức nghiên cứu có trụ sở ở Washington DC. “Đây là một việc lớn, bởi chúng ta đang ở con số 0”, bà Raimondo nói về việc sản xuất chip tiên tiến ở Mỹ hiện nay. Xét về tổng sản lượng chip toàn cầu, các nhà máy chip ở Mỹ hiện chỉ chiếm khoảng 12%. Cùng với đó, phần lớn các loại chip tiên tiến đều được sản xuất ở Đài Loan.

Mục tiêu trên được công bố vào thời điểm một năm sau khi Bộ Thương mại Mỹ bắt đầu cho phép các công ty chip nộp hồ sơ xin cấp vốn hỗ trợ theo Đạo luật CHIPS và Khoa học 2022. Theo đạo luật này, Chính phủ Mỹ phân bổ 39 tỷ USD ngân sách cho các sáng kiến về sản xuất chip, mở đường cho một hành trình chuyển biến cho công nghiệp chip tại Mỹ.

Tầm nhìn tham vọng mà bà Raimondo đưa ra trong bài phát biểu trên bao gồm đến năm 2030, Mỹ sẽ dẫn đầu thế giới về thiết kế và sản xuất chip tiên tiến trên cơ sở thành lập được các cụm công nghiệp chip. Bà Raimondo cho rằng đây là hướng đi tất yếu của Mỹ vì nhu cầu con chip đang tăng mạnh do sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

“Khi chúng ta bắt tay vào việc, AI tạo sinh thậm chí chưa phải là một từ trong kho từ vựng của chúng ta. Bây giờ, AI tạo sinh được nhắc đến ở tất cả mọi nơi. Đào tạo một mô hình ngôn ngữ lớn đòi hỏi hàng chục nghìn con chip bán dẫn tiên tiến. Sự thật là AI sẽ định nghĩa công nghệ của thế hệ chúng ta. Không thể đi đầu về AI nếu không đi đầu về sản xuất con chip tiên tiến. Bởi vậy, việc thực thi Đạo luật CHIPS càng quan trọng hơn bao giờ hết”, người đứng đầu Bộ Thương mại Mỹ nhấn mạnh.

Theo bà Raimondo, nếu Mỹ đạt được mục tiêu trong chiến lược chip, nước này sẽ có thêm “hàng trăm nghìn công việc lương cao”. “Sự thật là Mỹ đang dẫn đầu về thiết kế chip và phát triển các mô hình ngôn ngữ AI lớn. Nhưng chúng ta không sản xuất hay đóng gói bất kỳ con chip tiên tiến nào mà chúng ta cần có để thúc đẩy công nghệ AI và hệ sinh thái sáng tạo của chúng ta, bao gồm cả những con chip cần thiết cho lĩnh vực quốc phòng. Những con chip đó không được sản xuất ở Mỹ, sự thật là Mỹ sẽ không thể lãnh đạo thế giới với tư cách một quốc gia đi tiên phong về công nghệ và sáng tạo với một nền móng thiếu vững chắc như vậy”, bà Raimondo nói trong bài phát biểu.

Có một số lý do dẫn tới khoảng trống trong lĩnh vực sản xuất chip ở Mỹ. Thứ nhất, nhiều công ty bán dẫn thuê sản xuất ở nước ngoài để cắt giảm chi phí, dẫn tới suy giảm năng lực sản xuất chip trong nước. Thứ hai, khi công nghệ bán dẫn ngày càng phát triển, độ phức tạp và chi phí của việc xây dựng các cơ sở sản xuất chip tối tân cũng tăng lên, gây ra tâm lý ngại đầu tư mở các nhà máy chip mới.

Trong khi đó, các quốc gia và vùng lãnh thổ là đối thủ cạnh tranh lớn với Mỹ về chip như Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh việc sản xuất chip. Những nền kinh tế này cũng dành sự hỗ trợ lớn cho ngành chip trong nước trong khi Mỹ tụt hậu trong vấn đề này. Một yếu tố khác phải kể đến là trở ngại từ các quy định, chẳng hạn các quy định về môi trường, khiến cho việc xây dựng và vận hành nhà máy sản xuất chip ở Mỹ trở nên khó khăn và tốn kém hơn.

NHỮNG DỰ ÁN CHIP NÀO SẼ ĐƯỢC ƯU TIÊN

Sự kết hợp giữa xu hướng thuê ngoài, thách thức công nghệ, sự cạnh tranh toàn cầu, thiếu hỗ trợ của Chính phủ, các vấn đề về quy định đã khiến ngành sản xuất chip tại Mỹ tụt lại phía sau. Hệ quả là hiện tại không có một con chip tiên tiến nào của thế giới được sản xuất tại Mỹ. Đột nhiên, thế giới nhận thấy nhu cầu cấp bách về những con chip tiên tiến để phục vụ cho AI, công nghệ được kỳ vọng sẽ dẫn tới một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo và Mỹ cũng phát hiện ra sai lầm của mình. “Chúng ta cần sản xuất những con chip như vậy ở Mỹ, cần thêm nhân tài ở Mỹ, cần đẩy mạnh R&D ở Mỹ để sản xuất chip ở quy mô lớn”, bà Raimondo nói tại CSIS.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo - Ảnh: Bloomberg.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo - Ảnh: Bloomberg.

Trong bài phát biểu này, bà Raimondo tuyên bố Chính phủ Mỹ sẽ ưu tiên các dự án sản xuất chip đi vào hoạt động trước khi kết thúc thập niên này. “Tôi muốn nói rõ ở đây là chúng tôi nhận được nhiều đề xuất hỗ trợ cho các dự án đi vào hoạt động sau năm 2030. Nhưng bây giờ, chúng tôi phải từ chối những dự án như vậy vì muốn tối đa hóa hiệu quả hỗ trợ trong thập kỷ này”, bà nói.

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 10-2024 phát hành ngày 04/03/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Tham vọng hồi sinh ngành sản xuất chip của Mỹ - Ảnh 1