12:01 27/10/2021

Tham vọng tự chủ chip của Trung Quốc: Cuộc đua với đối thủ chạy cực nhanh

Đức Anh

Dù thiết kế được con chip riêng, Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào các công ty nước ngoài trong khâu sản xuất, chuỗi cung ứng...

Con đường tự chủ chip của Trung Quốc vẫn còn nhiều chông gai - Ảnh: AP
Con đường tự chủ chip của Trung Quốc vẫn còn nhiều chông gai - Ảnh: AP

Thời gian qua, trong khuôn khổ chiến lược hướng tới mục tiêu tự chủ công nghệ chip, nhiều hãng công nghệ khổng lồ Trung Quốc đã đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, Trung Quốc vẫn còn cách xa mục tiêu đó bởi quốc gia này vẫn phụ thuộc nhiều vào công nghệ nước ngoài và tương đối tụt hậu trên thị trường chip.

Là linh kiện quan trọng trong mọi thứ, từ điện thoại thông minh, tủ lạnh cho tới ôtô, chip đang trở thành nhân tố chính trong cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong nhiều năm, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đầu tư mạnh vào thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn nội địa nhưng phải vật lộn để theo kịp các đổi thủ Mỹ cũng như trong khu vực châu Á. Cùng với đó, chất bán dẫn đang ngày càng được nhiều nước xem là vấn đề an ninh quốc gia và là dấu hiệu của sức mạnh công nghệ - theo hãng tin CNBC.

NHỮNG BƯỚC TIẾN NHƯ "MUỐI BỎ BỂ"

Năm 2021, hàng loạt hãng công nghệ lớn của Trung Quốc đã có các động thái lớn liên quan tới chip. Hồi tháng 8, gã internet khổng lồ Baidu ra mắt Kunlun 2, con chip trí tuệ nhân tạo thế hệ thứ hai. Mới đây, hãng thương mại công nghệ Alibaba ra mắt con chip thiết kế riêng cho máy chủ và hệ thống điện toán đám mây. Còn nhà sản xuất điện thoại thông minh Oppo cũng đang phát triển bộ vi xử lý cao cấp dành riêng cho sản phẩm của mình.

Theo các nhà phân tích, những động thái trên giúp Trung Quốc bước gần hơn tới mục tiêu tự chủ công nghệ chip nhưng chỉ như “muối bỏ bể”. Nguyên nhân là, dù thiết kế được con chip riêng, các công ty này vẫn phải phụ thuộc nhiều vào công nghệ nước ngoài trong khâu sản xuất cũng như chuỗi cung ứng. 

Dù thiết kế được con chip riêng, Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào các công ty nước ngoài trong khâu sản xuất - Ảnh: Reuters
Dù thiết kế được con chip riêng, Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào các công ty nước ngoài trong khâu sản xuất - Ảnh: Reuters

“Đây là những bước đi giúp Trung Quốc tiến gần hơn tới mục tiêu tự chủ chip nhưng chỉ là bước đi nhỏ”, Peter Hanbury, đối tác tại Bain & Company, nói với CNBC. “Đây là những con chip được thiết kế trong nước nhưng nhiều tài sản trí tuệ, khâu sản xuất, thiết bị và vật liệu vẫn có nguồn gốc nước ngoài”.

Nhìn vào thông số cụ thể của các con chip nội địa Trung Quốc càng cho thấy sự phụ thuộc của quốc gia này vào công nghệ nước ngoài. Ví dụ, con chip Yitian 710 mới của Alibaba được phát triển dựa trên nền tảng cấu trúc của hãng chip Arm đến từ Anh. Con chip này cũng được xây dựng trên tiến trình 5 nanomet – công nghệ chip tiên tiến nhất hiện nay. Trong khi đó, con chip Kunlun 2 của Baidu dựa trên tiến trình 7 nanomet. Còn Oppo được cho là đang phát triển con chip 3 nanomet.

Việc không có năng lực sản xuất những con chip công nghệ cao ở kích thước nhỏ như thế này là một thách thức với Trung Quốc. Hiện tại, nước này phụ thuộc vào 3 công ty – Intel của Mỹ, TSMC của Đài Loan và Samsung của Hàn Quốc.

CUỘC ĐUA "CHẠY THEO ĐỐI THỦ CHẠY CỰC NHANH"

SMIC, nhà sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc, hiện vẫn thua xa các đối thủ về công nghệ sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở khâu sản xuất. Kể cả những công ty như TSMC và Intel cũng phụ thuộc vào thiết bị và công cụ sản xuất từ các công ty khác. Quyền lực ở đây thuộc về công ty Hà Lan ASML – công ty duy nhất trên thế giới có khả năng chế tạo máy móc sản xuất các loại chip cao cấp nhất.

“Hệ sinh thái chất bán dẫn rất lớn và phức tạp, vì vậy việc tự chủ với phạm vi công nghệ và năng lực sản xuất rộng như vậy là rất khó”, ông Hanbury cho biết.

Theo ông, nhìn chung, thách thức lớn nhất trong việc tự chủ là có lợi thế dẫn đầu, mà ở đó không chỉ cần đầu tư tiền bạc mà còn phải vượt qua những yêu cầu cao về chuyên môn kỹ thuật và kinh nghiệm tích lũy lâu dài.

Việc phụ thuộc vào các công ty nước ngoài khiến doanh nghiệp Trung Quốc dễ bị tổn thương trước những căng thẳng địa chính trị, như trường hợp của SMIC và Huawei.

Huawei đã thiết kế bộ vi xử lý smartphone của riêng mình có tên Kirin. Con chip này được phát triển dựa trên những công nghệ mới nhất và giúp công ty này trở thành một trong những nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, năm 2019, Huawei bị Mỹ đưa vào “danh sách đen” thương mại, bị hạn chế tiếp cận công nghệ Mỹ. Năm ngoái, Washington ra quy định yêu cầu các công ty nước ngoài sử dụng thiết bị sản xuất chip của Mỹ phải xin giấy phép mới được bán chip cho Huawei.

 
"Kể cả khi Trung Quốc tiến nhanh với những công nghệ hiện tại cũng chưa đủ để theo kịp và giảm sự phụ thuộc vào những công ty hàng đầu bởi nhóm đi đầu vẫn liên tục tiến về phía trước. Việc này giống như cuộc đua đuổi theo một người đang chạy cực nhanh vậy".
Peter Hanbury, Bain & Company

Con chip của Huawei hiện do TSMC sản xuất. Từ khi có quy định trên của Mỹ, TSMC đã dừng sản xuất cho Huawei, gây ảnh hưởng lớn tới mảng smartphone của công ty Trung Quốc.

Ngoài Huawei, SMIC cũng nằm trong danh sách đen bị hạn chế tiếp cận với công nghệ Mỹ. Chính những hạn chế này được cho là mối quan ngại khiến các công ty Trung Quốc buộc phải tìm cách tự phát triển con chip của riêng mình.

Trong khi đó, trên thế giới, các chính phủ cũng xem chất bán dẫn là công nghệ mang tính chiến lược với quốc gia. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi đầu tư 50 tỷ USD vào nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn, thu hút các nhà sản xuất chip đầu tư vào Mỹ. Hồi tháng 3, Intel công bố đầu tư 20 tỷ USD xây 2 nhà máy sản xuất chip mới tại Mỹ.

Xem đây là vấn đề quan trọng với an ninh quốc gia, chính quyền của ông Biden đang muốn đưa hoạt động sản xuất chip trở lại Mỹ, trong bối cảnh chuỗi cung ứng bán dẫn đang quá tập trung tại khu vực châu Á.

Bên cạnh đó, các quốc gia đồng minh cũng đang hợp tác với nhau để đảm bảo an toàn cho chuỗi cung ứng bán dẫn của mình. Các nhà lãnh đạo của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia – còn gọi là Bộ Tứ (Quad), hồi tháng 9 công bố thành lập sáng kiến chuỗi cung ứng bán dẫn nhằm xác định những điểm dễ tổn thương và đảm bảo khả năng tiếp cận chất bấn dẫn cũng như các linh kiện quan trọng khác.

Gần đây, nhiều cuộc thảo luận về chuỗi cung ứng bán dẫn nổi lên trên toàn cầu trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến tình trạng thiếu chip trầm trọng, ảnh hưởng tới nhiều ngành công nghiệp từ ô tô cho tới điện tử tiêu dùng.

Về phía Trung Quốc, dù đi trước nhiều quốc gia về phát triển chip nhưng vẫn gặp nhiều thách thức để bắt kịp với các công nghệ bán dẫn tiên tiến, ít nhất là trong ngắn hạn. Ví dụ, SMIC có thể sản xuất quy mô lớn với con chip 28 nanomet – dùng cho TV và thậm chí cả ô tô. Điều này giúp ích nhiều cho Trung Quốc, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng chip như hiện nay. Tuy nhiên, để so sánh, TSMC hiện đã sản xuất con chip 3 nanomet. Theo đó, SMIC sẽ phải nắm được các quy trình sản xuất mà TSMC đã trải qua nhiều năm trước khi có thể bắt kịp.

“Vì vậy, kể cả khi Trung Quốc tiến nhanh với những công nghệ hiện tại cũng chưa đủ để theo kịp và giảm sự phụ thuộc vào những công ty hàng đầu bởi nhóm đi đầu vẫn liên tục tiến về phía trước”, ông Hanbury nói. “Việc này giống như cuộc đua đuổi theo một người đang chạy cực nhanh vậy”.