08:20 02/01/2024

Thần tốc thi công, kỷ lục đưa thêm gần 500km cao tốc vào khai thác

Anh Tú

Năm 2023 ghi dấu nhiều kỷ lục của ngành giao thông vận tải khi chỉ trong một năm, toàn ngành thần tốc đưa vào khai thác 475km đường cao tốc, lớn nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, tính đến hết tháng 12/2023, số vốn giải ngân của Bộ Giao thông vận tải đạt khoảng 90% kế hoạch được giao (94.161 tỷ đồng), cao nhất trong lịch sử và là đơn vị đứng đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân...

Tổng số đường bộ cao tốc nước ta đến thời điểm hiện nay đạt 1.892km.
Tổng số đường bộ cao tốc nước ta đến thời điểm hiện nay đạt 1.892km.

Trong tháng 12/2023, cả nước có thêm ba dự án cao tốc hoàn thành, đưa vào khai thác với chiều dài khoảng 70km, gồm Cầu Mỹ Thuận 2 (7km), cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (23km), cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ (40km). Trước đó, Bộ Giao thông vận tải hoàn thành, đưa vào khai thác 405km nhiều tuyến cao tốc thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45 (63km), Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (43km), Nghi Sơn - Diễn Châu (50km), Nha Trang - Cam Lâm (49km), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (101km), Phan Thiết - Dầu Giây (99km).

Nhiều dự án cao tốc đi vào khai thác đã hình thành thêm nhiều trục giao thông huyết mạch và cải thiện rõ nét hạ tầng giao thông. Như vậy, số km cao tốc được hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2023 lên tới 475km và tổng số đường bộ cao tốc nước ta đến thời điểm hiện nay đạt 1.892km.

HÂN HOAN KHÁNH THÀNH DỰ ÁN MỚI, TỰ HÀO VÌ LÀM CHỦ CÔNG NGHỆ

Một trong những dự án vừa đưa vào khai thác đem lại niềm tự hào và là minh chứng cho sự tiến bộ vượt bậc về thiết kế thi công và quản lý để Việt Nam tiến tới làm chủ công nghệ, đó là Cầu Mỹ Thuận 2.

Đây là cây cầu lớn vượt sông Tiền nối hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long và kết nối hai cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, trục đường huyết mạch có lưu lượng giao thông lớn bậc nhất trong trong khu vực. Cầu Mỹ Thuận 2 đưa vào khai thác giúp việc lưu thông thuận tiện, nhanh chóng hơn khi rút ngắn khoảng thời gian di chuyển từ TP. HCM về Cần Thơ còn hai giờ.

Liên danh Công ty cổ phần Xây dựng và Lắp máy Trung Nam - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính - Công ty cổ phần đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C là đơn vị thực hiện thi công toàn bộ hạng mục cầu chính. Đại diện nhà thầu xây dựng Cầu Mỹ Thuận 2, ông Bùi Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xây dựng và lắp máy Trung Nam, cho biết với khát khao tự chủ công nghệ, nắm giữ kỹ thuật xây dựng giúp toàn bộ đội ngũ kỹ sư chung tay, quyết tâm thi công, ngày đêm bám sát các hạng mục công trình.

 

“Chúng tôi rất vinh dự và tự hào khi góp phần xây dựng, đưa dự án về đích vượt tiến độ so với kế hoạch. Cầu Mỹ Thuận 2 khẳng định vững chắc việc làm chủ công nghệ thi công cầu dây văng của các nhà thầu trong nước và tiến tới làm chủ công nghệ các công trình phức tạp khác”, ông Hùng hào hứng chia sẻ.

Đây là cây cầu dây văng có khẩu độ rất lớn, kết cấu phức tạp và được thiết kế, thi công hoàn toàn bằng bàn tay khối óc của những kỹ sư, thợ cầu Việt Nam. Đến nay, nhà thầu Việt Nam chính thức làm chủ được công nghệ căng cáp, việc mà trước nay vẫn cần sự hỗ trợ của các kỹ sư nước ngoài.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu do Ban Quản lý dự án 7 làm chủ đầu tư, khởi công ngày 16/3/2020.

Đây là dự án trọng điểm quốc gia, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt, tổng mức đầu tư của dự án hơn 5.003 tỷ đồng bằng nguồn vốn đầu tư ngân sách nhà nước. Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 là hai “mảnh ghép” cuối của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nối từ TP.HCM đến TP. Cần Thơ dài 120km.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, việc đưa hai dự án gồm cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 vào khai thác sẽ giảm thiểu ùn tắc, hạn chế tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đi Cần Thơ chỉ còn 2 giờ so với trước đây là 3,5 giờ.

Trong tương lai, cùng với tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, hai dự án sẽ tạo ra một mạng lưới giao thông đường bộ cao tốc đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giàu tiềm năng.

VƯỢT THÁCH THỨC, THI CÔNG KHÔNG QUẢN NGÀY ĐÊM

Để về đích đúng hẹn, đại diện nhà thầu thi công dự án thừa nhận cầu Mỹ Thuận 2 trải qua nhiều khó khăn vì thi công vào đúng thời điểm đại dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng. Dự án còn phải chịu tác động tiêu cực do giá nguyên vật liệu tăng cao gây ảnh hưởng lớn đến công tác thi công và triển khai dự án. Nhớ lại đầu năm 2023, dự án còn chưa giải phóng mặt bằng xong, nguồn vốn còn thiếu khoảng 1.400 tỷ đồng.

Bồi thêm những khó khăn khác biệt về mặt kỹ thuật, ông Bùi Mạnh Hùng cho biết đây là công trình cầu dây văng với dầm chính là kết cấu bê tông cốt thép khẩu độ lớn nhất Việt Nam tại thời điểm hiện tại, được xây dựng trên 1 bệ móng hơn 2.000 ống cọc khoan nhồi đường kính 2,5m cố định sâu 120m vào lòng sông, quy mô 2 trụ cầu, mỗi trụ 120m, kết nối với 128 bó dây văng. Gần 200 khối đúc dầm, với tải trọng gần 100 nghìn tấn đã được đội ngũ công nhân kỹ sư Việt Nam thực hiện và hoàn thành trong suốt 26 tháng.

Trong quá trình thi công, các nhà thầu còn đối diện thách thức do địa hình sông sâu, nước chảy xiết.

Tuy nhiên, với sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Chính phủ, của Bộ Giao thông vận tải và Thủ tướng Chính phủ 5 lần thăm và động viên cán bộ, công nhân trên công trường tạo nguồn động viên to lớn để nhà thầu, công nhân quyết tâm hơn trong quá trình thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, sự hỗ trợ tháo gỡ, các khó khăn, giải quyết các vướng mắc về mặt kỹ thuật, tài chính từ Ban Quản lý dự án 7, các đơn vị, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế giúp dự án vượt qua khó khăn, thách thức và về đích vượt tiến độ, đảm bảo tuyệt đối chất lượng công trình.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, để đạt mục tiêu đến năm 2025, cả nước sẽ có khoảng 3.000km đường bộ cao tốc, phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 5.000km cao tốc; đồng thời, nâng cấp một số sân bay quan trọng, cảng biển nước sâu để đáp ứng sự phát triển của đất nước, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt, sâu sát, nhiều lần thăm, động viên, kiểm tra tiến độ các dự án, quyết liệt, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp tập trung, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tiến độ, chất lượng.

Các bộ, ngành, địa phương cũng vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết những điểm nghẽn và các vấn đề thuộc thẩm quyền.

Hàng nghìn kỹ sư, công nhân không quản ngày đêm vì công việc, vì tình yêu đất nước, yêu nghề nghiệp vượt qua tất cả sự khắc nghiệt của thời tiết, môi trường lao động, những nhớ nhung xa cách người thân và gia đình, kể cả trong những ngày lễ, Tết để bám máy, bám công trường thi công không nghỉ, với tinh thần vượt nắng, thắng mưa, vượt qua những khó khăn, thách thức.

Nối dài thêm đường bộ cao tốc, trong năm 2023, một sự kiện lớn chưa từng có trong lịch sử ngành được ghi dấu...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 01-2024 phát hành ngày 01-01-2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Thần tốc thi công, kỷ lục đưa thêm gần 500km cao tốc vào khai thác - Ảnh 1