08:53 30/11/2007

“Thận trọng khi lập ngân hàng mới”

Thu Trang

Nội dung cuộc trao đổi với ông Ayumi Konishi, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam

"Có nhiều lo ngại khác nhau khi các công ty chưa từng hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng mà lại xin phép thành lập ngân hàng".
"Có nhiều lo ngại khác nhau khi các công ty chưa từng hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng mà lại xin phép thành lập ngân hàng".
Nội dung cuộc trao đổi với ông Ayumi Konishi, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam.

Hiện nay, khá nhiều công ty, tập đoàn của Việt Nam xin phép thành lập ngân hàng. Theo ông, xu hướng này bắt nguồn từ đâu?

Rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực ngân hàng là do sự tăng trưởng nhanh chóng lợi nhuận của ngành này. Dự báo lĩnh vực ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai cùng với sự tăng trưởng kinh tế.

Hiện nay, lĩnh vực tài chính cá nhân ở Việt Nam gần như không đáng kể. Ngành ngân hàng hầu như còn bỏ quên một bộ phận lớn dân số và doanh nghiệp ở Việt Nam, điều đó nói lên rằng thị trường này còn rất lớn và chưa được khai thác hết. Mặt khác, ngành ngân hàng chưa thật sự hiện đại và sản phẩm còn bị hạn chế, do đó lĩnh vực này còn rất tiềm năng.

Chúng tôi tin rằng sự gia tăng của các đơn xin thành lập ngân hàng tại Việt Nam phản ánh sự thật là có rất nhiều tổ chức quan tâm đến ngành này do cơ hội kinh doanh cũng như là tiềm năng phát triển của ngành.

Trong số các đơn xin thành lập ngân hàng, có khá nhiều công ty, tập đoàn lớn chưa từng hoạt động trong lĩnh vực này. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?

Có nhiều lo ngại khác nhau khi các công ty chưa từng hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng mà lại xin phép thành lập ngân hàng. Đối với hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, công ty mẹ không nên cố gắng kiểm soát các ngân hàng thành viên. Có những rủi ro liên quan đến việc cho vay với các tổ chức liên kết và việc lạm dụng quyền hạn của công ty mẹ sẽ ảnh hưởng đến các quyết định cho vay của ngân hàng.

Điều này đã được chứng minh từ nhiều nước trên thế giới và dẫn đến sự sụp đổ của nhiều tổ chức ngân hàng. Tôi cho rằng những nhà quản lý ngân hàng sẽ phải thận trọng với những rủi ro này.

Vậy theo ông, cần phải có những biện pháp gì để nhằm hạn chế những rủi ro này?

Những công ty mới bước vào ngành ngân hàng cần phải được trang bị đầy đủ kiến thức và tuân thủ chặt chẽ những qui định của ngành.

Ở Việt Nam cũng như những nước khác trên thế giới, thực tế đã chứng minh rằng việc quản lý kém là nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại trong lĩnh vực này. Và sự thất bại này cần phải được tránh vì nó sẽ có ảnh hưởng bất lợi tới hệ thống tài chính và sự phát triển toàn bộ của nền kinh tế.

Những nhà điều chỉnh chính sách cần phải quản lý vấn đề của những ngân hàng mới tham gia thị trường một cách thận trọng bởi vì một mặt các nhà hoạch định chính sách không nên giới hạn số lượng ngân hàng tham gia thị trường để tăng cường sự cạnh tranh nhằm cải thiện tính hiệu quả của hệ thống ngân hàng, nhưng mặt khác phải duy trì sự thận trọng với việc điều hành nhằm đảm bảo những ngân hàng mới phải được trang bị đầy đủ.

Hơn nữa, việc tăng các tiêu chuẩn cho các ngân hàng mới và kiểm soát ngân hàng là những biện pháp quan trọng để đảm bảo tính chính trực của lĩnh vực tài chính.