18:36 26/02/2024

Tháng 5/2025, hoàn thiện khung pháp lý đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo

Hoàng Lan

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính và các bộ/ngành liên quan hoàn thành xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo trong tháng 5/2025. Đồng thời, chứng minh việc thực thi các quy định bao gồm các biện pháp đảm bảo tuân thủ.....

Tội phạm lợi dụng tiền mã hoá để rửa tiền, tài trợ khủng bố gia tăng trên toàn cầu.
Tội phạm lợi dụng tiền mã hoá để rửa tiền, tài trợ khủng bố gia tăng trên toàn cầu.

Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt với Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF), sớm đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách rà soát tăng cường (Danh sách Xám) trên cơ sở đảm bảo tối đa lợi ích quốc gia (Quyết định số 194/QĐ-TTg)...

Kế hoạch đưa ra 17 hành động cụ thể để thực hiện cam kết với FATF. Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp cùng các bộ/ngành liên quan thực hiện kế hoạch theo đúng tiến độ, đảm bảo hiệu quả.

Hành động 1 hoàn thành trong tháng 9/2024: Chứng minh rằng các cơ quan có thẩm quyền đã nâng cao hiểu biết về rủi ro rửa tiền/tài trợ khủng bố  và đang thực hiện các hành động để giảm thiểu rủi ro thông qua các chiến lược và chính sách phòng chống rửa tiền/tài trợ khủng bố.

Trong đó, các cơ quan có trách nhiệm thực hiện thêm đánh giá rủi ro đối với các tội phạm nguồn có nguy cơ rủi ro rửa tiền cao được xác định trong Báo cáo đánh giá đa phương như tội phạm môi trường và tội lạm dụng tình dục. 

Đến cuối tháng 9/2024, hoàn thành đánh giá rủi ro ngành về rửa tiền trong lĩnh vực casino, kinh doanh trò chơi có thưởng, tài sản ảo, pháp nhân và thoả thuận pháp lý.

Các cơ quan được giao nhiệm vụ phải chứng minh các đánh giá rủi ro sử  dụng phương pháp luận toàn diện và thông tin đầu vào phù hợp: Nguồn thông tin đa đạng bao gồm Báo cáo giao dịch đáng ngờ (STR), số liệu tội  phạm, phân tích tình báo, phân tích chiến lược, nghiên cứu báo cáo trong  nước và quốc tế, đặc biệt có sự tham gia của khu vực tư nhân.

Có kế hoạch cụ thể đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như  sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế, sử dụng vàng để mua bán bất động sản, tham nhũng. Theo đó, cần tập  trung phân phối nguồn lực (thành lập tổ, đội, điều tra tội rửa tiền và điều tra tội phạm nguồn có rủi ro cao). 

Hành động 2 hoàn thành trong tháng 9/2024: Chứng minh việc hợp tác, phối hợp và liên lạc hiệu quả giữa các cơ quan có liên quan về rửa tiền/tài trợ khủng bố (Ví dụ: giữa các cơ quan thực thi pháp luật, giữa Cục Phòng chống rửa tiền và các cơ quan thực thi pháp luật, giữa các cơ quan giám sát) ở cấp độ hoạt động. 

 

Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước và các bộ/ngành liên quan đến cuối tháng 9/2024 hoàn thành đánh giá rủi ro ngành về rửa tiền trong lĩnh vực casino, kinh doanh trò chơi có thưởng, tài sản ảo. Có kế hoạch cụ thể đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro rửa tiền cao như sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế, sử dụng vàng để mua bán bất động sản, tham nhũng...

Hành động 3 (tháng 9/2024): Tăng cường hợp tác chính thức (dẫn độ và tương trợ tư pháp đa phương) và hợp tác không chính thức (của các cơ quan thực thi pháp luật và FIU - Financial Intelligence Unit) với các đối tác nước ngoài bằng cách:

3.1 Cung cấp mang tính xây dựng và chủ động tìm kiếm hợp tác liên quan đến tội phạm và tài sản của chúng (phù hợp với mức độ rủi ro của Việt Nam).

3.2 Đảm bảo các cơ quan có thẩm quyền, bao gồm các cơ quan trung ương, được cung cấp nguồn lực phù hợp để thực hiện hợp tác quốc tế.

3.3 Theo đuổi các thỏa thuận/thỏa thuận với nhiều cơ quan đối tác nước ngoài nhất có thể trong phạm vi của mình để tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác quốc tế. 

Hành động 4 (thời hạn hoàn thành tháng 1/2025): Chứng minh hiệu quả của việc giám sát các FI (Financial Institution hay định chế tài chính - PV) và cá nhân, tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính liên quan (DNFBP) về phòng chống rửa tiền/tài trợ khủng bố trên cơ sở rủi ro thông qua các cuộc thanh tra tại chỗ, giám sát từ xa và các biện pháp thực thi.

Hành động 5 (tháng 5/2024): Thực hiện hành động để giải quyết những thiếu hụt liên quan đến khuôn khổ pháp lý của Việt Nam về:

5.1 Các quy định và yêu cầu giám sát các định chế tài chính  và cá nhân, tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính liên quan về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

5.2 Các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là đối với các khuyến nghị: 10, 11, 12, 16, 20 thuộc bộ chuẩn mực của FATF. 

Hành động 6 (tháng 5/2025): Xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo, đồng thời chứng minh việc thực thi các quy định bao gồm các biện pháp đảm bảo tuân thủ. 

 

Chính phủ đưa ra 17 hành động để đưa Việt Nam ra khỏi "Danh sách Xám" về rửa tiền. Chậm nhất đến tháng 5/2025, Ngân hàng Nhà nước và các bộ/ngành liên quan phải hoàn thành kế hoạch hành động này. 

Hành động 7 (tháng 1/2025): Tiến hành các hoạt động tiếp cận và cung cấp hướng dẫn cho khu vực tư nhân về kết quả báo cáo Đánh giá rủi ro quốc gia (NRA), đánh giá rủi ro ngành và các nghĩa vụ phòng chống rửa tiền/tài trợ khủng bố (bao gồm các biện pháp trừng phạt tài chính mục tiêu và báo cáo giao dịch đáng ngờ), trong đó tập trung vào các ngành có rủi ro cao hơn. 

Hành động 8 (tháng 5/2025): Xây dựng cơ chế cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền truy cập kịp thời vào các thông tin đầy đủ, chính xác và cập nhật về chủ sở hữu hưởng lợi của pháp nhân (và thỏa thuận pháp lý nếu phù hợp) và áp dụng các biện pháp xử lý một cách phù hợp, hiệu quả, tương xứng và có tính chất răn đe đối với các hành vi vi phạm.

Hành động 9 (tháng 9/2024): Việt Nam cần đảm bảo và thể hiện sự độc lập và tự chủ của Cục Phòng, chống rửa tiền.

Hành động 10 (tháng 5/2025): Cục Phòng chống rửa tiền cần nâng cao chất lượng và số lượng phân tích tình báo tài chính (cả hoạt động và chiến lược) và chuyển giao thông tin cho các cơ quan thực thi pháp luật (cả chủ động và theo yêu cầu) tương ứng với hồ sơ rủi ro của Việt Nam bằng cách:

10.1 Tăng số lượng giao dịch đáng ngờ (STR) được phân tích

10.2 Xây dựng cơ chế phản hồi cho các đối tượng báo cáo để cải thiện chất lượng các giao dịch đáng ngờ.

10.3 Tiếp cận các nguồn thông tin rộng nhất có thể và sử dụng các công cụ công nghệ và phân tích phù hợp.

Hành động 11 (tháng 5/2025): Cơ quan thực thi pháp luật, cụ thể là Bộ Công an chứng minh sự gia tăng trong việc sử dụng các thông tin tình báo tài chính, bao gồm cả các thông tin được chuyển giao từ Cục Phòng chống rửa tiền.

Hành động 12 (tháng 1/2025): Giải quyết các thiếu hụt về tuân thủ kỹ thuật trong tội rửa tiền của Việt Nam đối với Khuyến nghị số 3 thuộc bộ chuẩn mực của FATF (Tội rửa tiền).

Hành động 13 (tháng 5/2025): Các cơ quan thực thi pháp luật và các cơ quan công tố ưu tiên các cuộc điều tra tài chính song song và chứng minh sự gia tăng đáng kể và bền vững về số lượng các vụ điều tra và truy tố rửa tiền, phù hợp với hồ sơ rủi ro rửa tiền của Việt Nam.

Hành động 14 (tháng 5/2024): Giải quyết các thiếu hụt về tuân thủ kỹ thuật liên quan đến Khuyến nghị 6 thuộc bộ chuẩn mực của FATF (Hình phạt tài chính mục tiêu liên quan đến khủng bố và tài trợ khủng bố).

Hành động 15 (tháng 5/2024): Giải quyết các thiếu hụt về tuân thủ kỹ thuật liên quan đến Khuyến nghị 7 thuộc bộ chuẩn mực của FATF (Các hình phạt tài chính mục tiêu liên quan đến phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt).

Hành động 16 (tháng 1/2025): Chứng minh các cơ quan có thẩm quyền đang thực hiện cơ chế giám sát và đảm bảo các các định chế tài chính và cá nhân, tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính liên quan tuân thủ các nghĩa vụ trừng phạt tài chính mục tiêu liên quan đến phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt, bao gồm việc áp dụng các biện pháp trừng phạt tương xứng và có tính chất răn đe với các định chế tài chính và cá nhân, tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính liên quan (nếu có).

Hành động 17 (tháng 9/2024): Chứng minh việc hợp tác và phối hợp giữa các cơ quan chức năng để ngăn chặn việc trốn tránh các biện pháp trừng phạt.