10:05 29/04/2023

Thanh Hóa dẫn đầu cả nước về vốn đăng ký đầu tư của Nhật Bản

Nguyễn Thuấn

Thanh Hóa hiện nay có 17 dự án đầu tư trực tiếp của Nhật Bản đang đầu tư có hiệu lực. Tổng vốn đăng ký trên 12,5 tỉ USD chiếm 86% tổng vốn đầu tư FDI toàn tỉnh...

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Chiều ngày 28/4, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức họp báo thông tin về các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản tại tỉnh Thanh Hóa (21/9/1973 - 21/9/2023).

NHIỀU HOẠT ĐỘNG ĐA DẠNG, HẤP DẪN

Đây là sự kiện ngoại giao lớn của Việt Nam sẽ được tổ chức tại thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa trong 4 ngày (từ ngày 5/5/2023 đến ngày 8/5/2023). Trong đó, buổi lễ kỷ niệm chính sẽ diễn ra vào chiều ngày 6/5. Dự kiến sẽ có 600 khách dự sự kiện này, trong đó có 300 khách đến từ Nhật Bản.

Sự kiện này là dịp để tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản nói chung và giữa tỉnh Thanh Hóa với các đối tác Nhật Bản nói riêng; góp phần triển khai thực hiện thành công đề án của Bộ Ngoại giao về kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản trong năm 2023; Tăng cường hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch, phát triển nguồn nhân lực và hợp tác cấp địa phương giữa tỉnh Thanh Hóa với các địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản.

Đồng thời, giới thiệu, quảng bá nét đẹp của vùng đất, con người xứ Thanh, tạo hiệu quả truyền thông về hình ảnh tỉnh Thanh Hóa giàu tiềm năng, nhiều cơ hội hợp tác tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Theo thông tin từ Ban Tổ chức, xuyên suốt sự kiện này, tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, hấp dẫn như: tổ chức 20 gian hàng trưng bày sản phẩm tiêu biểu, thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa và các doanh nghiệp Nhật Bản; hoạt động trao đổi, làm việc giữa tỉnh Thanh Hóa với Đoàn công tác Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam; chương trình tham quan thực địa Khu kinh tế Nghi Sơn, Di sản Văn hóa Thế giới Thành nhà Hồ và các địa điểm du lịch tại TP Sầm Sơn.

Chủ trì họp báo, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết thời gian qua, mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Thanh Hóa và các đối tác Nhật Bản ngày càng phát triển sâu sắc và toàn diện trên nhiều lĩnh vực, là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần xây dựng quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản.

ĐÓNG GÓP LỚN ĐỐI VỚI PHÁT TRIỂN - XÃ HỘI

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của VnEconomy về tình hình đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại tỉnh Thanh Hóa thời gian qua, ông Nguyễn Văn Thi cho biết: “Hiện nay có 17 dự án đầu tư trực tiếp của Nhật Bản đang đầu tư có hiệu lực tại Thanh Hóa. Tổng vốn đăng ký trên 12,5 tỉ USD chiếm 86% tổng vốn đầu tư FDI toàn tỉnh, trên 140 dự án. Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài có số vốn đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Thanh Hóa. Số vốn mà Nhật Bản đăng ký lớn rất nhiều và Thanh Hóa với số vốn đăng ký trên là tỉnh đứng đầu cả nước”.

Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi trả lời câu hỏi của phóng viên VnEconomy tại buổi họp báo.
Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi trả lời câu hỏi của phóng viên VnEconomy tại buổi họp báo.

Một số dự án FDI của nhà đầu tư Nhật Bản có quy mô lớn như Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, tổng vốn đăng ký 9 tỉ USD, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, tổng vốn đăng ký 2,73 tỉ USD, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, tổng vốn đăng ký 622 triệu USD. “Những dự án Nhật bản đầu tư trực tiếp tại Thanh Hóa hiện nay không chỉ đóng góp rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa mà còn đối với sự phát triển chung của đất nước. Như Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn về Thuế xuất khẩu - nhập khẩu của họ khoảng 18.000 tỷ/năm. Liên quan đến thuế nội địa khoảng tầm hơn 5.000 tỷ/năm. Ngoài ra, thu được thuế từ các doanh nghiệp liên doanh phục vụ cho Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, trong đó có nhiều doanh nghiệp tại Thanh Hóa...”, ông Thi thông tin thêm.

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập Bộ phận Hỗ trợ Nhật Bản tại Thanh Hóa (Japan Desk Thanh Hóa), kiện toàn bộ máy Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tỉnh Thanh Hóa, nhằm tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản đến tìm hiểu đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Thanh Hóa và thúc đẩy các hoạt động trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân.

Thông tin tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản 2023 được tổ chức vào tháng 2 vừa qua tại Hà Nội, Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, là nhà tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động đứng thứ 2, đầu tư và đối tác du lịch lớn thứ 3, đối tác thương mại thứ 4 của Việt Nam, hai bên đang hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với nhiều lĩnh vực then chốt như cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Về hợp tác đầu tư, dòng vốn FDI của Nhật Bản đã hiện diện ở 57/63 tỉnh, thành của Việt Nam. Lũy kế đến tháng 12/2022, Nhật Bản có 4.978 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 68,89 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Năm 2022, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam dự báo có lãi trong hoạt động kinh doanh là 59,5%, tăng 5% so với năm 2021. Đặc biệt, các dự án quy mô lớn mà các Tập đoàn kinh tế đa quốc gia hàng đầu của Nhật Bản như: Canon, Panasonic, Toyota, Honda, Yamaha, Suzuki, Mitsubishi, Sumitomo… đầu tư vào Việt Nam đã kéo theo rất nhiều nhà đầu tư vệ tinh vào Việt Nam.

Năm 2022, kinh tế Việt Nam tiếp tục khởi sắc với tốc độ tăng trưởng đạt 8,02%, cao nhất trong 10 năm qua. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với các nước năm 2022 đạt 732,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.