Thanh Hóa đẩy mạnh chuyển đổi số: Doanh nghiệp làm trung tâm, chính sách làm đòn bẩy
Thực hiện mục tiêu trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, tỉnh Thanh Hoá đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số.

Thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025 nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, với kinh tế số chiếm 20% trở lên trong GRDP và doanh nghiệp chuyển đổi số chiếm 50% trở lên tổng số doanh nghiệp có phát sinh thuế. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 100 doanh nghiệp công nghệ số, trong đó ít nhất có 10 doanh nghiệp công nghệ số phát triển sản phẩm, giải pháp, dịch vụ công nghệ thông tin trọng điểm.
Để thực hiện mục tiêu trên, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Nghị quyết số 214/2022/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2022 – 2026, tỉnh này tập trung vào ba nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
Cụ thể, đầu tiên hỗ trợ kinh phí sử dụng chữ ký số cho doanh nghiệp thành lập mới; hỗ trợ kết nối, chia sẻ thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp trên nền tảng số của các cơ quan nhà nước tỉnh Thanh Hóa.
Tiếp đến, Thanh Hoá hỗ trợ kinh phí tư vấn chuyển đổi số và mua, thuê giải pháp công nghệ số. Để thực hiện nhiệm vụ này, UBND tỉnh Thanh Hoá đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, phối hợp là Sở Tài chính thí điểm xây dựng bản đồ số các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá hoạt động xúc tiến đầu tư.
Đặc biệt, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc gửi nhận văn bản giữa các cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp, sở đã khai báo tài khoản gửi nhận văn bản của các doanh nghiệp trên nền tảng dùng chung TD Office, giúp doanh nghiệp gửi/nhận văn bản hoàn toàn qua môi trường mạng, giảm thiểu thời gian và chi phí.
Nhờ những chính sách trên, đến nay, tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức 8 hội nghị với hơn 1.200 doanh nghiệp tham dự, nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng về chuyển đổi số. Thông qua các hội nghị này, việc phát triển kinh tế số đã thay đổi cơ bản nhận thức, cách làm truyền thống của doanh nghiệp về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, tại tỉnh này 100% các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cửa hàng kinh doanh xăng dầu, trung tâm thương mại, siêu thị và 54.620 doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo, với hơn 342,78 triệu hóa đơn. Từ năm 2022 – 2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hoá đã phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số thực hiện hỗ trợ miễn phí chữ ký số trong năm đầu hoạt động cho 4.498 doanh nghiệp.
Về công tác đào tạo, tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức 77 lớp bồi dưỡng kiến thức về khởi sự doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp cho 3.850 học viên; 13 khóa đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất, chế biến cho 195 học viên; tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề cho 300 học viên là các chủ cơ sở, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đặc biệt, tỉnh này đã hỗ trợ đưa 513 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và sản phẩm đặc trưng của các địa phương lên các sàn thương mại điện tử. 100% doanh nghiệp được tiếp cận và ứng dụng các nền tảng số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đến nay, 6.500 doanh nghiệp (đạt 40,62%, tăng 14,82% so với năm 2023) đạt mức độ CĐS theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Toàn tỉnh hiện có 5.550 doanh nghiệp được tham gia khảo sát, đánh giá mức độ hoàn thành CĐS, tổng số doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn đạt 615 doanh nghiệp (gấp 1,86 lần so với năm 2023).
Tuy nhiên, song trong quá trình chuyển đổi số, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, như: nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn về tài chính khi đầu tư vào hạ tầng công nghệ; chiến lược và kế hoạch của các doanh nghiệp chưa rõ ràng cũng là rào cản lớn khiến việc triển khai chuyển đổi số thiếu đồng bộ, không đạt hiệu quả.
Người lao động khi phải thay đổi thói quen làm việc và thiếu đội ngũ nhân sự có chuyên môn về công nghệ số là những vấn đề mà các doanh nghiệp đang gặp phải. Ngoài ra, liên kết để tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất, kinh doanh giữa các doanh nghiệp, nhất là giữa doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp nhỏ còn hạn chế.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, tỉnh Thanh Hoá đang tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.