07:28 09/04/2023

Thanh Hóa tạo việc làm cho 13.500 lao động trong 3 tháng đầu năm

Nguyễn Thuấn

Trong quý I/2023, toàn tỉnh Thanh Hóa đã tạo việc làm cho 13.500 lao động tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, đưa đi làm việc ở nước ngoài hơn 1.500 lao động gấp 4,7 lần cùng kỳ năm 2022.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thanh Hóa, trong quý 1/2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện tuyển sinh là 13.800 người (bằng 16,6% kế hoạch năm; tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2022). Bên cạnh đó, hướng dẫn các các trường cao đẳng, trung cấp trong tỉnh tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy theo quy định.      

Trong quý 1/2023, toàn tỉnh Thanh Hóa tạo việc làm cho 13.500 lao động (đạt 23,3% kế hoạch năm và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, đưa đi làm việc ở nước ngoài 1.513 lao động (đạt 30,3% kế hoạch năm và gấp 4,7 lần cùng kỳ năm 2022).

Bên cạnh đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thanh Hóa đã cung cấp thông tin về thị trường lao động và các chính sách liên quan cho 25.100 lượt người lao động; tổ chức tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động và các chính sách liên quan cho 12.948 lượt lao động. Cấp mới giấy phép cho 183 lao động, cấp lại cho 11 lao động, gia hạn cho 53 lao động nước ngoài làm việc tại Thanh Hóa theo quy định; trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 5.048 lao động theo quy định.

Năm 2023, dự báo Thanh Hóa có trên 60.000 lao động có nhu cầu được giải quyết việc làm. Vì vậy, việc triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ tạo việc làm cho người  lao động là rất cấp thiết, qua đó góp phần giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp và bảo đảm an sinh xã hội.

Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa, năm 2023 trung tâm dự kiến sẽ tổ chức 78 phiên giao dịch việc làm, trong đó có 24 phiên giao dịch việc làm định kỳ tại trung tâm, 30 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, 24 phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối với các tỉnh, thành phố trên cả nước. Ngoài ra, trung tâm sẽ tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ việc làm thuộc Tiểu dự án 3; hỗ trợ việc làm bền vững thuộc dự án 4; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững dựa trên chương trình, kế hoạch đã xây dựng trong năm 2022.

Là tỉnh có dân số đông thứ 3 cả nước, với nguồn lao động dồi dào, hằng năm toàn tỉnh Thanh Hóa có hàng trăm nghìn người đến tuổi lao động, cùng với đó là số học sinh, sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ra trường về tỉnh tìm việc làm đông; người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài hết hạn về nước... đều có nhu cầu tìm kiếm việc làm.

Tuy nhiên, năm 2022, khi kinh tế khởi sắc chưa lâu sau dịch bệnh -19, thì ngay lập tức đầu năm 2023 gặp khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp bị mất đơn hàng, sụt giảm đơn hàng khiến hàng trăm nghìn lao động trong cả nước phải ngừng việc, thậm chí nghỉ việc đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới một bộ phận người lao động và gia đình họ. Tại Thanh Hóa, trong quý 4-2022 đã có 20 doanh nghiệp trên địa bàn phải giảm giờ làm, cắt giảm lao động khiến gần 7.000 lao động bị ảnh hưởng. Tình trạng doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, người lao động bị mất việc làm hoặc giảm việc làm đã để lại hệ lụy rất lớn.

Việc doanh nghiệp gặp khó khăn khi đơn hàng giảm, nhiều lao động mất việc, làm phát sinh nhiều doanh nghiệp thực hiện chưa đầy đủ các quy định của pháp luật về lao động, nợ đóng bảo hiểm xã hội, chậm trả lương, chậm trả phúc lợi cho người lao động gia tăng. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Thanh Hóa, tỉnh này đang có hơn 3.300 đơn vị, doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với số tiền hơn 466 tỷ đồng, trong đó hàng trăm đơn vị “chây ỳ”, nợ từ 12 tháng trở lên, nhiều đơn vị phá sản, giải thể, khó thu hồi. 

Trước tình trạng trên, mới đây UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn yêu cầu các sở, ban ngành và địa phương trên địa bàn tăng cường các giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc làm, ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các sở, ban ngành và địa phương cần tăng cường theo dõi, nắm bắt, kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, chi trả lương, thưởng cho người lao động của doanh nghiệp, nhất là người lao động bị mất việc, thiếu việc làm tạm thời để có các giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, bảo đảm việc làm, thu nhập và ổn định đời sống cho người lao động.

Đặc biệt quan tâm đối với người lao động mất việc làm hoặc có việc làm không ổn định trở về từ các tỉnh phía Nam, phía Bắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 được tiếp cận tìm kiếm việc làm tại địa phương và đi làm việc ở nước ngoài.

Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, ưu tiên hỗ trợ người lao động bị mất việc làm trong doanh nghiệp được vay vốn tự tạo việc làm thông qua hoạt động cho vay vốn giải quyết việc làm tại ngân hàng chính sách xã hội. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các xã, phường, thị trấn rà soát người lao động tại địa phương bị mất việc làm trong doanh nghiệp, có nhu cầu vay vốn để tự tạo việc làm; chủ động cung cấp danh sách cho Ngân hàng Chính sách xã hội cùng cấp để cân đối, bố trí nguồn vốn, tạo điều kiện cho người lao động được vay vốn.

Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thanh Hóa đã chủ động, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, các địa phương thường xuyên nắm bắt tình hình cắt giảm, cho thôi việc nhiều lao động, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động như: Chấm dứt hợp đồng lao động, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, xây dựng phương án sử dụng lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm… Đồng thời thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình lao động, việc làm, tiền lương, tiền thưởng.