Thanh Hóa trải thảm đỏ mời doanh nghiệp Ấn Độ xây dựng “Công viên Dược phẩm”
Sau thời gian làm việc, khảo sát tại các địa phương, Thanh Hóa trở thành một trong 2 địa phương đang được các nhà đầu tư Ấn Độ lựa chọn kỹ lưỡng để đầu tư Dự án “Công viên Dược phẩm”...
Ngày 13/02/2022, các nhà đầu tư Ấn Độ đã đến thăm, khảo sát, tìm hiểu về Dự án khu công nghiệp dược phẩm - Công viên Dược phẩm tại tỉnh Thanh Hóa. Đại diện các doanh nghiệp này cho biết, đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy 1 tháng, họ quay trở lại Thanh Hóa để tìm hiểu về khả năng đầu tư dự án quan trọng này.
Sau thời gian làm việc, khảo sát tại các địa phương, Thanh Hóa trở thành một trong 2 địa phương đang được các nhà đầu tư Ấn Độ lựa chọn kỹ lưỡng để đầu tư Dự án “Công viên Dược phẩm”.
Đây là khu công nghiệp chuyên biệt trong lĩnh vực dược phẩm, hướng tới việc thu hút các công ty dược phẩm toàn cầu kết nối, thiết lập cơ sở sản xuất, nâng cao khả năng tự chủ về dược phẩm, đưa Việt Nam lên bản đồ dược phẩm thế giới.
Dự án dự tính có mức đầu tư ban đầu khoảng 500 triệu USD, doanh thu xuất khẩu dự kiến đạt khoảng 3 tỷ USD mỗi năm và tạo việc làm cho 50 nghìn lao động trực tiếp và 200 nghìn lao động gián tiếp.
Các nhà đầu tư cho biết, nếu thành công, dự án “Công viên Dược phẩm” sẽ là đòn bẩy để Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu, phát triển, sản xuất dược phẩm hàng đầu khu vực Đông Nam Á và thế giới. Dự án khu công nghiệp dược phẩm có quy mô khoảng 1006 ha, giai đoạn 1 quy mô khoảng 500 – 600 ha.
Tiếp đoàn doanh nghiệp Ấn Độ, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã giới thiệu khá chi tiết về những ưu điểm, lợi thế của địa phương này.
Theo ông Đỗ Minh Tuấn, Thanh Hóa có giao thông thuận lợi với đủ loại hình như Cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn, Cảng Hàng không quốc tế Thọ Xuân, đường bộ liên tỉnh xuyên suốt từ Bắc vào Nam; đường cao tốc Bắc – Nam đi qua Thanh Hóa.
Ngoài ra, Thanh Hóa hiện cũng có thể đáp ứng nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao về y, dược. Trường Đại học Y Hà Nội phân hiệu Thanh Hóa đang đào tạo những sinh viên chất lượng cao, có thể đáp ứng tốt nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp dược phẩm nếu Công viên Dược phẩm được hình thành và đi vào hoạt động.
Được biết, năm 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 tác động toàn diện lên nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nhưng thu hút đầu tư của tỉnh Thanh Hóa vẫn đạt kết quả đáng ghi nhận.
Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa, tỉnh đã thu hút được 89 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó, có 8 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng số vốn đầu tư đăng ký 24.015 tỷ đồng và 112,7 triệu USD.
Năm 2022, Thanh Hóa đang tiếp tục nỗ lực để danh sách các nhà đầu tư liên tục được thêm mới, giúp địa phương này trở thành một trụ cột trong tứ giác phát triển ở khu vực miền Bắc.