08:30 16/11/2009

Thanh khoản ngân hàng sẽ bất ổn?

Nguyễn Hoài

Thực tế lãi suất huy động tăng gần sát lãi suất cho vay đã phản ánh sự căng thẳng nguồn vốn của các ngân hàng

Có thể thấy, thực tế lãi suất huy động tăng gần sát lãi suất cho vay đã phản ánh sự căng thẳng nguồn vốn của các ngân hàng - Ảnh: Quang Liên.
Có thể thấy, thực tế lãi suất huy động tăng gần sát lãi suất cho vay đã phản ánh sự căng thẳng nguồn vốn của các ngân hàng - Ảnh: Quang Liên.
Không một ngân hàng nào đứng ngoài cuộc đua lãi suất VND và giới hạn chênh lệch lãi suất huy động và cho vay (NIM) không ít kỳ hạn chỉ còn 0,5%!

Do phải thực hiện hợp đồng tín dụng đã cam kết cũng như buộc phải cho vay hỗ trợ lãi suất kéo dài, trong khi trần lãi suất không đổi, các ngân hàng đang gặp rất nhiều khó khăn.

Trong tất cả những đợt tăng lãi suất huy động từ trước tới nay, hầu như khối ngân hàng thương mại cổ phần luôn tiên phong và lần này cũng không ngoại lệ.

NIM lùi dần về số không?

VietBank điều chỉnh lãi suất huy động VND hầu hết các kỳ hạn với mức tăng từ 0,2% - 0,39%/năm đối với các kỳ hạn từ 1 - 12 tháng. Cụ thể: 1 tháng: 8, 6%/năm; 3 tháng: 9%/năm; 12 tháng: 9,12%/năm và 36 tháng là 9,6% năm.

Cùng đó, ngân hàng này cũng áp dụng mức lãi suất cộng thưởng khá hấp dẫn: nếu gửi trên 1 tỷ đồng, được cộng thưởng từ 0,25% - 0,4%; 500 triệu - 1 tỷ đồng: 0,17% - 0,35%; 200 triệu - 500 triệu đồng: 0,1 - 0,25%; 100 triệu - 200 triệu đồng: 0,05% - 0,15% và gửi từ 50-100 triệu đồng được cộng thưởng 0,02 - 0,1%.

Cùng thời điểm này, SHB áp dụng mức lãi suất huy động bậc thang với mức lãi suất hấp dẫn không kém. Nếu như kỳ hạn 1 tháng gửi từ 500 triệu trở xuống, mức thực lĩnh là 9,2%/năm thì gửi 1 tỷ trở lên, khách hàng được nhận 9, 25%/năm. Đặc biệt, với kỳ hạn 36 tháng, nếu mức gửi lần lượt là dưới 500 triệu đồng/ trên 500 triệu - 1 tỷ đồng/ trên 1 tỷ đồng - 3 tỷ đồng/trên 3 tỷ đồng thì khách hàng được nhận mức lãi suất tương ứng với 9,65% - 9,67% - 9,69% và 9,72%.

Nhưng gây “sốc” nhất có lẽ là các trường hợp có biểu lãi suất áp dụng từ ngày 11/11 đối với kỳ hạn 1 tháng là 9,9%/năm, kỳ hạn 2, 3 tháng là 9,99%/năm.

Không đứng ngoài cuộc, các ngân hàng cổ phần có yếu tố nhà nước cũng bắt đầu rậm rịch tăng lãi suất. Chẳng hạn, VietinBank áp dụng lãi suất tối đa với tiền gửi có kỳ hạn là 9,5%/năm trong khi lãi suất của BIDV đối với kỳ hạn 24 và 36 tháng là 9,39%/năm.

Phân tích ở góc độ kỹ thuật một số kỳ hạn tiền gửi, thấy rằng, giới hạn NIM đang có sự bất thường.

Chẳng hạn, đối với VietBank, xem xét ở kỳ hạn 36 tháng với số lượng tiền gửi trên một tỷ đồng, trong điều kiện trần lãi suất bị khống chế 10, 5%/năm, nếu tính cả lãi suất cộng thưởng thì NIM là: 10,5% - 9,6% = 0,9%/năm. Tương tự đối với SHB, NIM kỳ hạn 36 tháng với số lượng tiền gửi trên 3 tỷ đồng là 0,78%/năm. Còn đối với Maritime Bank, NIM kỳ hạn 2, 3 tháng chỉ còn 0,51%/năm!

Liên quan đến vấn đề này, bà Võ Thị Sánh, Giám đốc Ban thông tin quản lý và hỗ trợ Hội đồng quản lý tài sản Nợ - Có (BIDV) cho biết, trong cơ cấu nguồn tiền gửi thời điểm này thì “không kỳ hạn” chiếm tỷ trọng rất cao nên ngân hàng phải dự trữ thanh toán rất lớn.

Như vậy, trong khi trần lãi suất vẫn chỉ 10,5%/năm nhưng ngân hàng phải trích đủ thứ từ dự trữ bắt buộc đến dự phòng rủi ro, cộng với dự trữ thanh toán lớn do tính lỏng của cơ cấu tiền gửi thì các ngân hàng không những rất khó khăn cân đối lợi nhuận mà còn bất ổn về thanh khoản.

Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông

Có thể thấy, thực tế lãi suất huy động tăng gần sát lãi suất cho vay đã phản ánh sự căng thẳng nguồn vốn của các ngân hàng. Lý giải vì sao như vậy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu nói: “Khi ngân hàng thực hiện hỗ trợ lãi suất, một yêu cầu bắt buộc là không được từ chối cho vay nếu đối tượng đủ điều kiện. Hơn nữa, những hợp đồng tín dụng đã ký từ trước đã đến ngày giải ngân cũng là một áp lực về vốn đối với ngân hàng”.

Theo Thống đốc, trong bối cảnh hiện nay, khó khăn không chỉ đến với ngân hàng thương mại mà cả đối với Ngân hàng Nhà nước. Bởi lẽ, nếu giữ nguyên hoặc hạ lãi suất cơ bản để hạ giá vốn cho doanh nghiệp, hỗ trợ chống suy giảm kinh tế thì phải đối mặt với áp lực cung cầu vốn trên thị trường. Và điều này lại mâu thuẫn với việc nâng lãi suất cơ bản để giải tỏa cơn khát vốn cho ngân hàng.

Như vậy, với những gì đang diễn ra, buộc lòng ngân hàng thương mại phải đẩy lãi suất lên cao. Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng nhận xét: “Chính sách lãi suất đang làm cho hoạt động của Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại lên không được mà xuống cũng không xong!”.

Trước những khó khăn này, vậy liệu Ngân hàng Nhà nước có hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thông qua nghiệp vụ tái cấp vốn? Thống đốc bày tỏ: “Theo cảnh báo của các chuyên gia, đặc biệt là IMF thì trong bất cứ thời điểm nào, Việt Nam không được lơ là với phòng chống lạm phát. Vì thế, trong điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước phải bảo vệ sự ổn định của mức tăng cung tiền”.

Theo Thống đốc, tác động lạm phát có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng dứt khoát phải bảo vệ sự ổn định của lượng tiền cung ứng tăng thêm, do thực tế, nếu phát hành thêm một đồng thì vòng quay của một đồng đó trong một năm lên tới 4,85 lần.

Như vậy, nếu không tháo gỡ những bất hợp lý này thì nguồn tiền gửi sẽ bị tổn thương, không những thanh khoản ngân hàng bất ổn mà mong muốn bảo toàn tài sản người dân cũng không còn, chứ chưa nói đến lời lãi.