Thanh khoản sụt giảm mạnh, cổ phiếu VIC, MSN “nhuộm xanh” chỉ số
Những nỗ lực phục hồi trong phiên sáng nay hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng nâng đỡ ở nhóm vốn hóa lớn. Chỉ riêng VIC và MSN đã kéo lại cho VN-Index tới 1,7 điểm, trong khi tổng mức tăng của chỉ số này 1,33 điểm. Nhà đầu tư đã dè dặt giao dịch, khiến thanh khoản sụt giảm xuất mức thấp nhất kể từ đầu tuần...
Những nỗ lực phục hồi trong phiên sáng nay hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng nâng đỡ ở nhóm vốn hóa lớn. Chỉ riêng VIC và MSN đã kéo lại cho VN-Index tới 1,7 điểm, trong khi tổng mức tăng của chỉ số này 1,33 điểm. Nhà đầu tư đã dè dặt giao dịch, khiến thanh khoản sụt giảm xuất mức thấp nhất kể từ đầu tuần.
Sau những biến động rất mạnh hôm qua, cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa thể “hoàn hồn” lại được, hiện mới có 5/27 mã nhóm này ở các sàn là tăng qua tham chiếu. Giới đầu tư đang tìm kiếm những con số về “room” tín dụng được phân bổ mới cho các ngân hàng, nhưng thực chất khi tổng “room” không đổi thì “miếng bánh” sẽ không có nhiều khác biệt.
Các cổ phiếu ngân hàng còn rớt mạnh sáng nay là SHB giảm 1,71%, VBB giảm 1,94%, ABB giảm 0,88%, SGB giảm 0,76%, BVB giảm 0,76%. Các ngân hàng nhỏ giảm nhiều với thanh khoản kém. May mắn là nhóm trụ không quá tệ, khi VCB chỉ giảm 0,25%, BID giảm 0,26%, VPB giảm 0,17%. VIB, HDB, NVB, EIB và TCB nằm trong số tăng giá nhưng mức độ rất nhẹ.
VN-Index đang phụ thuộc hoàn toàn vào các trụ đơn lẻ. VIC tăng 1,12% và MSN tăng 2,32%, SAB tăng 1,97%, NVL tăng 0,95% là các cổ phiếu đáng chú ý nhất. Những mã này không mang tính đại diện cho nhóm ngành, thậm chí cũng tách biệt khỏi nhóm blue-chips. Rổ VN30 ghi nhận 13 mã tăng/12 mã giảm và chỉ số tăng nhẹ 0,32%. VN-Index có 128 mã tăng/279 mã giảm. Như vậy độ rộng có vẻ tích cực hơn ở nhóm blue-chips, còn mặt bằng chung thì không.
Việc thị trường bình tĩnh trở lại sau một ngày biến động đột ngột tới gần -3% là điều thường thấy. Sự bình tĩnh trước hết đến từ phía người bán, sau khi lượng cổ phiếu lớn đã bị bán phá giá để tháo chạy hôm qua. Áp lực ngắn hạn sẽ vơi bớt cho đến khi lượng cổ phiếu mới về chiều nay. Thống kê cho thấy tỷ lệ lỗ đang rất cao và có khả năng lực bán sẽ tăng trở lại.
Điều quan trọng lúc này không phải là chỉ số hồi lên bao nhiêu điểm, mà là độ rộng có cải thiện hay không. Độ rộng phản ánh diễn biến giá ở cổ phiếu, nơi sẽ tập trung các giao dịch thiết thực nhất đối với nhà đầu tư khi liên quan đến sức chịu đựng của tài khoản. Chỉ số dù tăng mà cổ phiếu giảm giá la liệt cũng cho thấy tâm lý sợ hãi vẫn còn.
Mặt khác, sự bình tĩnh từ phía người bán chưa chắc đã là tín hiệu tốt từ phía người mua. Lúc này nhà đầu tư cầm tiền có quyền lựa chọn tốt hơn. Do đó thanh khoản sụt giảm mạnh sáng nay một phần thể hiện lượng bán tạm thời chậm lại, phần khác thể hiện người có tiền vẫn chưa hành động nhiều. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết giảm 14% so với sáng hôm qua, riêng HoSE giảm 15%. Nhóm VN30 tuy là trụ đỡ cho các chỉ số nhưng giao dịch cũng giảm 19%.
Trên cả hai sàn có 20 cổ phiếu giao dịch từ 100 tỷ đồng khớp lệnh trở lên thì chỉ có 6 mã đang tăng giá. Mức tăng rõ rệt chỉ có FRT tăng 1,88%, DGC tăng 2,23%. Các mã bị xả đáng chú ý là HAG giảm 2,43%, KBC giảm 3,96%, HDC giảm 2,88%, SHB giảm 1,71%, NKG giảm 1,77%.
Nhà đầu tư nước ngoài đã có tín hiệu giảm bán và quay lại mua ròng nhẹ 47,6 tỷ đồng ở HoSE. HPG đang được mua tốt nhất với 47,4 tỷ đồng ròng, DGC khoảng 20,6 tỷ. Các mã khác quá nhỏ. Phía bán cũng chỉ có KBC, VHM, STB là trên 10 tỷ đồng. Tổng giá trị mua vào ở HoSE chỉ đạt 332 tỷ đồng, chiếm 5% tổng giao dịch của sàn. Giá trị bán đạt 284,4 tỷ đồng.