16:08 28/12/2022

Thanh khoản thấp kỷ lục, tiền vẫn chạy loanh quanh cổ phiếu tài chính, bất động sản

Kim Phong

Sau phiên căng thẳng cung cầu với hàng chục cổ phiếu dư mua giá trần hôm qua, thị trường đã dễ mua bán hơn trong phiên hôm nay, nhưng càng làm nổi bật sự co lại phòng thủ của dòng tiền. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết chỉ còn hơn 7 ngàn tỷ đồng, mức thấp kỷ lục của năm 2022, bất chấp khối ngoại vẫn giải ngân khá ổn định...

VN-Index được nâng đỡ và kéo lên khá mạnh buổi chiều.
VN-Index được nâng đỡ và kéo lên khá mạnh buổi chiều.

Sau phiên căng thẳng cung cầu với hàng chục cổ phiếu dư mua giá trần hôm qua, thị trường đã dễ mua bán hơn trong phiên hôm nay, nhưng càng làm nổi bật sự co lại phòng thủ của dòng tiền. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết chỉ còn hơn 7 ngàn tỷ đồng, mức thấp kỷ lục của năm 2022, bất chấp khối ngoại vẫn giải ngân khá ổn định.

Thị trường điều chỉnh nhẹ đầu ngày, VN-Index lùi lại kiểm định mốc 1.000 điểm, nhưng nhóm blue-chips nhanh chóng phục hồi và tiếp tục làm trụ đỡ cho chỉ số. Kết phiên VN-Index tăng 11,09 điểm tương đương 1,1%, ghi nhận phiên phục hồi thứ hai liên tiếp. Tuy chỉ số VN30-Index chỉ tăng nhẹ 0,65% nhưng 7/10 cổ phiếu kéo điểm cho VN-Index vẫn thuộc rổ VN30.

Dẫn đầu là bộ đôi ngân hàng BID tăng 4,75% và VCB tăng 1,14%. Tiếp đó là các mã SAB, CTG, VRE, MSN và VPB. Nhóm VN30 ghi nhận 14 cổ phiếu tăng trên 1% giá trị và độ rộng là 19 mã tăng/9 mã giảm. Số giảm cũng duy nhất MWG là giảm trên 1%, mất 1,83%.

Như vậy tổng thể nhóm blue-chips vẫn đang có động lực tăng giá tốt, dù không thật sự có cổ phiếu nào xuất sắc. PDR tăng kịch trần nhưng cũng mới là phiên thoát đáy thứ 2 sau nhịp điều chỉnh kéo dài từ đầu tháng. BID tăng tốt nhất nhóm ngân hàng blue-chips nhưng cũng là quay lại đỉnh cao đầu tháng. Diễn biến giá của các cổ phiếu trong rổ này vẫn đang dao động bình thường để giữ chỉ số. Thanh khoản ở nhóm VN30 càng ngày càng thấp, hôm nay chỉ giao dịch được gần 2.776 tỷ đồng, giảm 15% so với hôm qua.

Thanh khoản giảm là tình trạng chung của phiên này. Tổng giá trị khớp lệnh tại HoSE và HNX chỉ còn 7.039 tỷ đồng, giảm 16%. Đây là phiên thứ 5 liên tiếp mức khớp lệnh xuống dưới ngưỡng 10.000 tỷ đồng. Tổng giao dịch được bù lại phần nào bằng thỏa thuận, riêng HoSE tới 4.235,5 tỷ đồng. Tuy vậy giao dịch thỏa thuận là các thương vụ đơn lẻ và không liên quan đến cung cầu tác động tới giá cổ phiếu hàng ngày.

Dòng tiền khớp lệnh hôm nay vẫn luẩn quẩn trong các cổ phiếu thuộc nhóm tài chính và bất động sản. HoSE có 14 cổ phiếu đạt mức khớp lệnh trên 100 tỷ đồng thì ngân hàng chứng khoán chiếm phần lớn với VPB, STB, VND, LPB, SSI, BID, còn lại là NVL, PDR, KBC, DIG, HAG, VIC. Điểm tích cực là trong 14 cổ phiếu này, chỉ có HPG giảm 0,27%, SSI giảm 0,27% và NVL giảm 0,35%. Điều đó cho thấy dù tổng thể dòng tiền yếu thì lực bán cũng giới hạn giúp giá tăng thuận lợi.

Nhóm blue-chips vốn hóa lớn nhất của VN-Index tăng giá khá tốt.
Nhóm blue-chips vốn hóa lớn nhất của VN-Index tăng giá khá tốt.

Độ rộng của HoSE cuối phiên ghi nhận 259 mã tăng/146 mã giảm. Độ rộng thay đổi tích cực theo chiều phục hồi tăng của VN-Index. Chẳng hạn lúc VN-Index giảm chạm đáy xuống dưới 1.000 điểm buối sáng, số tăng chỉ là 125 mã, số giảm 220 mã. Cuối phiên sáng độ rộng ghi nhận 159 mã tăng/202 mã giảm và cuối phiên tương quan này đảo ngược. Diễn biến giá như vậy giúp thanh khoản xuống thấp kỷ lục ở HoSE không quá tiêu cực, xác nhận giá hồi lại khá dễ dàng dưới áp lực bán yếu.

Động lực đi lên buổi chiều không thể không kể đến lực mua từ khối ngoại. Một lần nữa dòng tiền này tạo chuyển biến tốt, khi dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước co lại. Tổng mức giải ngân chiều nay ở HoSE từ tài khoản ngoại khoảng 1.041,8 tỷ đồng, chiếm hơn 20% giao dịch cả sàn. Riêng rổ VN30 được mua 608,9 tỷ, chiếm gần 36%. Tính chung cả ngày, khối ngoại mua ròng 319,2 tỷ đồng tại HoSE và VN30 là 298,1 tỷ đồng.

Nhiều cổ phiếu được cầu ngoại giải ngân chiếm hơn một nửa thanh khoản như GAS, VRE, MSN, VHM, VJC. Tuy nhiên số được mua ròng nhiều nhất thì lại không vượt trội, như STB, SAB, NVL, MSN, VCB, DGC, PVD, VHM, HPG, VRE... Nhất là các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất tới VN-Index như BID, VCB, CTG cầu ngoại không thật sự áp đảo.

Dòng vốn ngoại vẫn mua đều trong giai đoạn hiện tại là phần bù đắp tốt, nhưng chưa đủ cho tổng thể sức cầu trên thị trường. May mắn nhất là áp lực bán cũng suy giảm, nên cung cầu cân bằng được ở trạng thái rất thấp.

Dòng tiền nhỏ nên biến động giá có phần tích cực hơn ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Những mã tăng giá tích cực nhất và có thanh khoản đáng kể hôm nay hầu hết là ngoài rổ VN30 như BC, LBP kịch trần với giao dịch trên trăm tỷ đồng. Nhóm VOS, IDI, DBC, KDC, PVT, EIB thanh khoản trên 50 tỷ đồng và giá tăng trên 2%.