17:20 04/08/2021

Thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Anh Nhi

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định nhà nước…

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Ngày 04/8/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1381/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Theo Quyết định, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó Chủ tịch Hội đồng. Các ủy viên Hội đồng gồm lãnh đạo các Bộ: Giao thông vận tải; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quốc phòng; Công an; Xây dựng; Tư pháp; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Khoa học và Công nghệ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định nhà nước.

Trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng, các ủy viên Hội đồng, cơ quan thường trực Hội đồng được thực hiện tương ứng theo quy định tại các Điều 4, 5, 6, 7, 8 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan có thành viên thuộc Hội đồng thẩm định nhà nước có văn bản cử người và gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 10/8/2021. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan đến quá trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.

Trước đó, ngày 29/7/2021, Bộ Giao thông vận tải có tờ trình 7766 gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, dự kiến dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 dài 729km, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353km) và Cần Thơ - Cà Mau (109km).

Dự án đi qua địa phận 12 tỉnh, thành: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Dự án được đề xuất chia thành 12 dự án thành phần, gồm các đoạn: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải xây dựng 2 phương án đầu tư.

Phương án 1, đầu tư xây dựng toàn bộ 12 dự án thành phần theo hình thức PPP với quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe, nền đường rộng 17m để nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam vào năm 2025 với tổng mức đầu tư dự án khoảng 146.990 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn gồm: 73.495 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước và 73.495 tỷ đồng vốn nhà đầu tư huy động.

Phương án 2, thực hiện đầu tư xây dựng 9 dự án thành phần theo hình thức PPP, gồm các đoạn: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau.

Còn lại, 3 dự án thành phần đoạn Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ do địa hình thắt hẹp và đi trùng với đường Hồ Chí Minh nên chỉ tiến hành giải phóng mặt bằng, sau đó, căn cứ vào tình hình thực tế cân đối nguồn vốn để triển khai sau.

Theo phương án 2, tổng mức đầu tư của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 118.672 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 61.628 tỷ đồng và vốn nhà đầu tư huy động khoảng 57.044 tỷ đồng.

Theo Bộ Giao thông vận tải, trong bối cảnh hiện nay, trước mắt thực hiện đầu tư 9/12 dự án thành phần nhằm kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu… nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng cũng như cân đối nguồn vốn cho dự án.