Thành lập Liên minh các cơ quan báo chí để chống vấn nạn vi phạm bản quyền
Các cơ quan báo chí cần tăng cường hợp tác với nhau và với các đối tác truyền thông, công nghệ để cùng chung tay chống vấn nạn vi phạm bản quyền. Trong giai đoạn 5-10 năm tới, chuyển đổi số là vũ khí cạnh tranh, là lợi thế so sánh của mỗi cơ quan báo chí…
Tọa đàm “Báo chí chuyển đổi số để phát triển bền vững” diễn ra ngày 23/12 do Hội Nhà báo TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM và Hội Tin học TP.HCM (HCA) tổ chức.
BÁO CHÍ NỖ LỰC CHUYỂN ĐỔI SỐ
Tại tọa đàm, Nhà báo Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, cho biết: Thời gian qua, một số cơ quan báo chí đã xây dựng được tòa soạn hội tụ đa phương tiện với môi trường làm việc ngày càng hiện đại. Những sản phẩm báo chí mới trên nhiều nền tảng khác nhau từ Web, Facebook đến Tiktok, YouTube giúp nhiều tờ báo lớn tăng mạnh tính tương tác hai chiều với độc giả, tạo cảm giác gần gũi hơn giữa bạn đọc và báo. Công nghệ số cũng hỗ trợ nhà báo trong tác nghiệp từ khâu thu thập thông tin, phân tích dữ liệu cho đến sản xuất nội dung và phát hành.
"Thành phố đã ban hành Chương trình Chuyển đổi số với mục tiêu phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong chương trình này, thành phố cũng đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DX Center) để giới thiệu các nền tảng hỗ trợ cơ quan báo chí trong chuyển đổi số cũng như nền tảng quản lý tòa soạn điện tử; phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội."
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM.
“Nỗ lực chuyển đổi số đã góp phần giúp các cơ quan báo chí thành phố dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch nhưng vẫn duy trì hoạt động, đảm bảo việc đưa thông tin đến với độc giả nhanh, trung thực, khách quan, không bị gián đoạn…” ông Dũng nhận xét.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, chia sẻ: Thành phố đã ban hành Chương trình Chuyển đổi số với mục tiêu phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong chương trình này, thành phố cũng đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DX Center) để giới thiệu các nền tảng hỗ trợ cơ quan báo chí trong chuyển đổi số cũng như nền tảng quản lý tòa soạn điện tử; phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội.
“Bằng việc tự động hóa quy trình làm việc và xử lý nâng cao như ứng dụng dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, các cơ quan báo chí có thể kết nối, ghi nhận và lưu trữ thông tin nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu, thói quen, sở thích của từng độc giả; mang đến những trải nghiệm sản phẩm truyền thông tốt hơn, đa dạng hơn, nhằm đáp ứng thị hiếu thông tin đang thay đổi nhanh chóng của công chúng”, ông Thắng nói.
Để thực hiện những việc này theo ông Thắng, các cơ quan báo chí cần thực hiện chuyển đổi số trong bộ máy của mình, nhằm làm thay đổi theo hướng tích cực cách tổ chức hoạt động, quy trình làm việc, văn hóa truyền thông, hoạt động tòa soạn, từ khâu thu thập thông tin, phân tích dữ liệu cho đến sản xuất nội dung, phát hành…
Trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục nghiên cứu tham mưu lãnh đạo thành phố chính sách hỗ trợ các cơ quan báo chí như hệ thống nền tảng dùng chung, chương trình tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí. Thành phố cũng thành lập Trung tâm Giám sát an ninh mạng TPHCM (SOC) để giúp các cơ quan báo chí giải quyết, khắc phục kịp thời khi gặp sự cố nghiêm trọng về an toàn thông tin.
Trên thực tế, nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí đều thừa nhận: Chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí hiện nay không phải là chuyện dễ dàng vì chi phí đầu tư, con người và vấn nạn vi phạm bản quyền nghiêm trọng từ Facebook, các trang tin điện tử “ẩn mình, núp bóng” (hoạt động không phép), YouTuber cắt ghép clip, hình ảnh… diễn ra khắp nơi, ngày một tinh vi và nguy hiểm hơn là xuyên tạc sự thật, tống tiền doanh nghiệp, gây hoang mang dự luận.
CẦN LIÊN MINH ĐỂ BẢO VỆ BẢN QUYỀN
Cũng tại toạ đàm, nhiều ý kiến cho rằng hiện rất nhiều cơ quan báo chí đang phải đối mặt với nạn xâm phạm bản quyền tác phẩm báo chí diễn ra ngày càng nghiêm trọng, các website, diễn đàn hoạt động như báo chí, “núp bóng” và lấy danh nghĩa báo chí viết bài tiêu cực để “hù dọa” doanh nghiệp thu tiền quảng cáo truyền thông; ngày càng xuất hiện nhiều hình ảnh cắt ghép, clip để câu view, thu hút sự tò mò của độc giả…
Ông Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM (PLO.vn) chia sẻ: một ngày, PLO sản xuất khoảng từ 180 đến 220 sản phẩm báo chí các loại gồm tin, bài, phóng sự ảnh, video, infographic, long-form cho cả báo in, báo điện tử lẫn một số nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, rất nhiều sản phẩm báo chí của báo Pháp luật TP.HCM bị các trang web khác tự ý khai thác.
"Các cơ quan báo chí cần tăng cường hợp tác với nhau và với các đối tác truyền thông, công nghệ để cùng chung tay chống vấn nạn vi phạm bản quyền này."
Ông Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM.
“Rất nhiều sản phẩm báo chí của chúng tôi sau khi được xuất bản đã bị các trang web khác, các tài khoản mạng xã hội… tự ý lấy lại, khai thác sử dụng trái phép mà không hề trích dẫn nguồn, dẫn link. Thậm chí, có khi chúng tôi vừa xuất bản một phóng sự điều tra độc quyền thì ngay sau đó đã có những trang web lấy lại và đăng trái phép trên trang của họ để câu view. Chưa kể, những trang web giả mạo, những fanpage trên mạng xã hội giả danh là fanpage của Báo”, ông Phước phản ánh.
Theo Nghị định 119/2020 của Chính phủ (quy định về xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản), trang thông tin điện tử tổng hợp đăng, phát các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ chỉ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.
Theo ông Phước, rõ ràng các mức phạt tiền với những vi phạm nói trên là khá thấp, nếu được tăng lên gấp 3, gấp 5 lần thì sẽ có tính răn đe mạnh hơn đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.
Ngoài ra, lãnh đạo Báo Pháp luật TP.HCM cũng đề xuất các cơ quan báo chí cần tăng cường hợp tác với nhau và với các đối tác truyền thông, công nghệ để cùng chung tay chống vấn nạn vi phạm bản quyền này.
Đại diện Báo Thanh niên bổ sung ý kiến: Chuyển đổi số không rẻ vì chi phí đầu tư, đào tạo nhân sự. Trong giai đoạn 5-10 năm tới, chuyển đổi số là vũ khí cạnh tranh, là lợi thế so sánh của mỗi cơ quan báo chí.
“Dù vì lý do gì, các cơ quan báo chí không thể mãi đơn thương độc mã chuyển đổi số như đã làm hơn 10 năm qua. Cần thiết có sự hợp tác, liên kết kinh doanh giữa cơ quan báo chí với các doanh nghiệp công nghệ thông tin để đạt kết quả mong muốn. Vì sao việc đó cho đến nay chưa diễn ra?”, đại diện báo Thanh niên nói.