10:47 06/09/2024

Thành phố Hồ Chí Minh giảm phát thải từ chuyển đổi giao thông xanh đô thị

Anh Khuê

Giao thông vận tải là ngành gây hiệu ứng nhà kính do phát thải khí CO2 lớn nhất trong tất cả các ngành kinh tế, ước chiếm tỷ trọng khoảng 29% với hơn 90% nhiên liệu sử dụng cho giao thông vận tải là từ dầu mỏ, gồm xăng và dầu diesel...

Ảnh: Một điểm kẹt xe ở TP.HCM trên đại lộ Phạm Văn Đồng.
Ảnh: Một điểm kẹt xe ở TP.HCM trên đại lộ Phạm Văn Đồng.

Chuyển đổi phương tiện giao thông xanh đang là xu thế phát triển chung của các quốc gia tiên tiến trên thế giới, trong bối cảnh Việt Nam đã và đang hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu nên không thể đứng bên ngoài cuộc chơi ấy.

GIẢM PHÁT THẢI BẰNG CHUYỂN ĐỔI “XE XANH”

Chuyển đổi sang “xe xanh” không dùng năng lượng hóa thạch, thay bằng năng lượng thân thiện môi trường (xe điện, xe dùng khí CNG,…), giảm sử dụng xe cá nhân là yêu cầu của thời đại, phù hợp xu thế phát triển. Tuy nhiên để có thể đạt được mục tiêu cần nhiều giải pháp song hành, phát triển đồng bộ từ “phần cứng” (hạ tầng giao thông, đường sá, lượng xe xanh đáp ứng…) đến “phần mềm” (ý thức người dân, sự quyết tâm…).

Theo thống kê của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), ngành giao thông vận tải chiếm 29% lượng khí phát thải. Kế đến là ngành điện với 25%; ngành công nghiệp chiếm 23%; hoạt động kinh doanh và khu dân cư chiếm 13%; nông nghiệp 10%.

Như vậy, lĩnh vực giao thông vận tải tạo ra tỷ trọng phát thải khí nhà kính lớn nhất, và phát thải khí nhà kính từ giao thông vận tải chủ yếu đến từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch cho ô tô, xe tải, tàu thủy, tàu hỏa và máy bay. Hơn 90% nhiên liệu được sử dụng cho giao thông vận tải là dầu mỏ, bao gồm chủ yếu là xăng và dầu diesel.

TP.HCM với vị trí là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và công nghệ của cả nước, đang phải đối diện với nhiều thách thức về giao thông, gia tăng dân số, tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị. Vì vậy, đòi hỏi cấp thiết là phải đưa ra các chính sách và giải pháp về giao thông vận tải xanh hướng tới một nền kinh tế xanh, phát triển bền vững.

Một thống kê gần đây cho biết, tính đến cuối năm 2023, TP.HCM có khoảng 10 triệu phương tiện giao thông; trong đó có hơn 7,6 triệu xe máy, 700.000 xe hơi các loại, hơn 2 triệu xe cộ của người dân địa phương khác di chuyển vào thành phố. Mỗi năm, thành phố phát thải khoảng 35 triệu tấn carbon; riêng ngành công nghiệp là 20 triệu tấn và giao thông vận tải khoảng 13 triệu tấn.

Đến năm 2030, tỷ lệ xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh của TP.HCM đạt tối thiểu 50% và đến năm 2050 thì 100% xe buýt và taxi đều sử dụng năng lượng xanh.
Đến năm 2030, tỷ lệ xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh của TP.HCM đạt tối thiểu 50% và đến năm 2050 thì 100% xe buýt và taxi đều sử dụng năng lượng xanh.

Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 - 2030, TP.HCM đã đưa ra mục tiêu đối với lĩnh vực giao thông vận tải là phải cắt giảm được 90% lượng chất ô nhiễm không khí tăng thêm vào năm 2030, dần tiến đến đạt mục tiêu phù hợp với Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metal (CH4) của ngành giao thông vận tải.

Đây là thách thức không nhỏ đối với TP.HCM và đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn từ các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Các chuyên gia cũng đã cảnh báo về điều này và khuyến cáo rằng muốn giảm phát thải từ giao thông, cần thiết phải phát triển giao thông công cộng xanh như đầu tư xe điện, xe buýt sạch; cũng như khuyến khích sử dụng giao thông công cộng, ưu tiên hạ tầng cho các phương tiện không gây ô nhiễm (xe đạp...).

ĐÂU LÀ GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ?

Kết quả một nghiên cứu mới đây của Viện Môi trường và Tài nguyên thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết trung bình mỗi năm, tổng phát thải khí nhà kính trên tòa địa bàn thành phố 10 triệu dân này là hơn 60 triệu tấn CO2; trong đó có ba nguồn thải chính là từ hoạt động công nghiệp gần 20 triệu tấn CO2, giao thông hơn 13 triệu tấn CO2, còn lại là sinh hoạt và các hoạt động khác.

Kết quả cũng cho thấy, số lượng người dân sử dụng phương tiện giao thông cá nhân (xe con, xe máy…) cao dẫn đến ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, đến phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

Nghịch lý ở chỗ, trong khi xe cá nhân ngày càng tăng thì xe công cộng (ở TP.HCM) chỉ đáp ứng từ 9 - 15% nhu cầu đi lại của người dân.

Tại hội thảo “Chính sách và giải pháp về giao thông vận tải cho phát triển kinh tế xanh”, do Hội đồng nhân dân TP.HCM phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM (HIDS) và Trường Đại học Giao thông vận tải tổ chức cuối tháng 8 vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải, nhận định rằng ngành giao thông vận tải phải đi trước một bước nếu muốn chuyển đổi xanh, dù các chính sách, cơ chế kèm theo là hết sức cần thiết.

Theo ông Long, muốn giảm phát thải từ giao thông, phải phát triển giao thông công cộng xanh như đầu tư xe điện, xe buýt sạch; khuyến khích sử dụng giao thông công cộng hoặc ưu tiên hạ tầng cho phương tiện không gây ô nhiễm như xe đạp, đi bộ...

Nghiên cứu của Viện Môi trường và Tài nguyên nói trên còn cho biết, trong các loại hình giao thông gây ô nhiễm và phát thải thì giao thông đường bộ chiếm tỷ trọng cao nhất với 18,5% lượng phát thải khí nhà kính ở Việt Nam; đồng thời đường bộ còn là nguồn gây ô nhiễm chính cho không khí ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM…

Với Đề án metro, TP.HCM kỳ vọng góp phần tái cấu trúc hệ thống giao thông công cộng của thành phố, giảm kẹt xe và ô nhiễm, bảo vệ môi trường.
Với Đề án metro, TP.HCM kỳ vọng góp phần tái cấu trúc hệ thống giao thông công cộng của thành phố, giảm kẹt xe và ô nhiễm, bảo vệ môi trường.

Theo đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị (đề án metro), đến năm 2035, TP.HCM sẽ xây dựng hoàn thành 6 tuyến gồm các tuyến số 1, 2, 3, 4, 5 và 6 với tổng chiều dài 183 km.

Đến năm 2045 sẽ xây dựng thêm 168 km, nâng tổng chiều dài metro lên khoảng 350 km và đến năm 2060, khi đó thành phố dự kiến sẽ có 10 tuyến metro với tổng chiều dài 510 km. Đề án metro này được kỳ vọng góp phần tái cấu trúc hệ thống giao thông công cộng của thành phố, giảm kẹt xe và ô nhiễm môi trường, xây dựng văn hóa giao thông... 

Về mục tiêu trung hạn, từ năm 2030, tỷ lệ xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh của thành phố đạt tối thiểu 50%. Đến năm 2050 thì 100% xe buýt và taxi sử dụng điện, năng lượng xanh, bảo đảm thực thi Net Zero theo cam kết COP26. 

Như vậy, chuyển đổi giao thông xanh đã được TP.HCM xác định như là “điểm nhấn đột phá” với quyết tâm phát triển xanh và bền vững. Một lợi thế nhằm chuyển đổi giao thông xanh mà các chuyên gia cho rằng Việt Nam và TP.HCM có thể tranh thủ được là học hỏi chính sách liên quan đến thúc đẩy sử dụng giao thông công cộng từ các nước Châu Âu, đặc biệt là EU và Bắc Âu.

Thỏa thuận Xanh Châu Âu (The European Green Deal – EGD) là chương trình tổng thể và dài hạn của EU nhằm ứng phó với các vấn đề khẩn cấp về khí hậu toàn cầu đến năm 2050.

 

Thỏa thuận EGD là một gói chính sách định hình chiến lược của EU nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 và trở thành khu vực kinh tế ít sử dụng nhất các nguồn lực tự nhiên vào năm 2050; bảo vệ sự sống con người, động vật và thực vật thông qua cắt gảm ô nhiễm; hỗ trợ các doanh nghiệp Châu Âu trở thành các chủ thể đi đầu thế giới trong sử dụng công nghệ và sản xuất sản phẩm sạch.

Đây chính là lợi thế mà các chuyên gia khuyên Việt Nam và TP.HCM có thể học hỏi, tận dụng cơ hội; đặc biệt là vấn đề cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.