Thay đổi cách làm kinh tế giúp bà con vươn lên thoát nghèo bền vững
Với 20 dân tộc trong đó có hơn 85% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỉnh biên giới Lai Châu đang đang triển khai nhiều chính sách, giải pháp giảm nghèo, nhằm tạo sinh kế, hỗ trợ việc làm, thay đổi cách làm kinh tế để giúp bà con vươn lên thoát nghèo bền vững…
Lãnh đạo tỉnh Lai Châu khẳng định quyết tâm nâng cao mức sống cho người dân, giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt các mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều chương trình, hành động có ý nghĩa thiết thực đem lại hiệu quả cao, góp phần chung tay vào sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, nhất là đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
TỪ TẬP QUY HOẠCH SẢN XUẤT, XÂY DỰNG ĐỀ ÁN NUÔI TRỒNG PHÙ HỢP
Mường Tè từ lâu được biết đến là huyện biên giới khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu với tỷ lệ hộ nghèo cao. Mường Tè có 13 dân tộc sinh sống, với trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó có các dân tộc đặc biệt khó khăn như Si La, Cống, Mảng, La Hủ.
Toàn huyện có 6 xã biên giới: Ka Lăng, Thu Lũm, Tá Bạ, Pa Ủ, Pa Vệ Sủ và 12/14 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Trình độ dân trí thấp, đời sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, hạ tầng giao thông và các công trình phúc lợi phục vụ sinh hoạt, sản xuất chưa được đầu tư đồng bộ dẫn tới tỷ lệ hộ nghèo cao.
Đến nay, 100% số xã trong tỉnh có đường ô tô đến trung tâm, 90% số thôn, bản có đường giao thông nông thôn; 100% số xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm, 93% số hộ ở nông thôn được sử dụng điện lưới; tỷ lệ hộ dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 84%; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo đạt 99,9%.
Ông Đao Văn Khánh, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè, chia sẻ trước thực trạng trên, Đảng bộ và chính quyền huyện Mường Tè đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án triển khai các chương trình xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển góp phần giúp Mường Tè thay đổi diện mạo.
Huyện đã tập trung quy hoạch vùng sản xuất, bố trí đất ở cho đồng bào; chuyển giao khoa học kỹ thuật để bà con tiếp cận áp dụng vào sản xuất; khảo sát, xây dựng đề án nuôi trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Cùng đó, huy động đội ngũ cán bộ xuống cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cho bà con biết canh tác và phát triển kinh tế hộ gia đình, nhằm ổn định đời sống cho nhân dân.
Là một xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Mường Tè, nay xã Pa Vệ Sủ đã có sự thay da đổi thịt. Chia sẻ về công tác xóa đói giảm nghèo, ông Giàng Ha Cà, Phó Chủ tịch UBND xã Pa Vệ Sủ cho hay do địa hình phức tạp, giao thông cách trở cùng với trình độ dân trí thấp, phương thức canh tác lạc hậu khiến tỷ lệ hộ nghèo nơi đây luôn ở mức cao. Cho nên, đảng bộ, chính quyền địa phương đã xác định rõ nhiệm vụ phải giúp người dân Pa Vệ Sủ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Xã đã rà soát những hộ gia đình nằm trong chương trình để hỗ trợ về vốn, giống cây, con và vật tư nông nghiệp. Trong đó, xã xác định chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng và phát triển chăn nuôi là mũi nhọn về kinh tế để nâng cao năng suất, sản lượng. Đến nay, chăn nuôi gia súc toàn xã đạt 1.750 con, gần 2.260 con gia cầm và nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các bản tập trung rà soát và mở rộng diện tích trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao; chú trọng chăm sóc, bảo vệ rừng, bình quân hàng năm mỗi hộ dân được nhận hơn 20 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
“Chúng tôi thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở để bám, nắm địa bàn, kịp thời giải quyết khúc mắc trong dân; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, ông Giàng Ha Cà, Phó Chủ tịch UBND xã Pa Vệ Sủ chia sẻ.
Hết năm 2022, Pa Vệ Sủ sản lượng lương thực có hạt đạt trên 1.600 tấn, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt 6% trở lên; thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 88,5% (năm 2021) xuống còn 81,6% theo tiêu chí mới; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 86%...
...ĐẾN LAN TỎA MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới nằm ở phía Tây Bắc, có 4/8 huyện, thành phố là huyện nghèo theo Nghị quyết 30a; 696 thôn bản đặc biệt khó khăn, 23 xã biên giới thuộc các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Nậm Nhùn.
Theo thống kê của tỉnh, dân số Lai Châu là 460.196 người, 17,8% dân số sống ở đô thị và 82,2% dân số sống ở nông thôn; dân tộc Kinh có 73.233 người, chiếm 15,9% dân số; các dân tộc khác có 386.963 người, chiếm 84% dân số toàn tỉnh.
Hiện nay, tổng số hộ nghèo trên toàn tỉnh là 20.174 hộ, chiếm 20,12%, trong đó số hộ nghèo dân tộc thiểu số là 19.956 hộ, chiếm 19,9%, số hộ tái nghèo 14.208 hộ, chiếm 28,77%.
Công tác giảm nghèo luôn được Đảng bộ, chính quyền Lai Châu đặc biệt coi trọng và xác định là một trong những chương trình trọng điểm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Lan tỏa mô hình phát triển kinh tế. Hy động các hội như: Hội Nông dân xã, Hội phụ nữ hợp với các tổ chức chính trị trong huyện, xã tuyên truyền bà con phát triển kinh tế hộ gia đình, chú trọng phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; vận dụng một số nguồn tín dụng từ quỹ hỗ trợ nhân dân của tỉnh, của huyện để hỗ trợ vốn cho bà con. Từ đó, nhiều hộ dân được vay vốn phát triển các mô hình chăn nuôi đem lại thu nhập cao.
Giai đoạn 2016 – 2020, tỷ lệ hộ nghèo ở Lai Châu giảm mạnh, xuống còn 16,7% và tỷ lệ hộ cận nghèo giảm xuống còn 8,6%. Kết quả năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo ở Lai Châu tiếp tục giảm xuống còn 16,2% và tỷ lệ hộ cận nghèo giảm xuống còn 8,1%.
Thu nhập của người dân tộc thiểu số hằng năm cũng có những cải thiện đáng kể. Số hộ dân tộc thiểu số thu nhập bình quân tăng từ 600.000 năm 2017 lên 635.000 năm 2019, trong khi đó tại các huyện nghèo hộ dân tộc thiểu số cũng có thu nhập bình quân đầu người tăng lên từ 600.000 đồng/tháng và đến nay là 635.000 đồng/tháng.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo tỉnh Lai Châu thì đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số Lai Châu còn tồn tại nhiều phong tục, tập quán lạc hậu kéo dài và tốn kém, trở thành gánh nặng đối với người dân, ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội như: tục lệ ma chay, một đám ma còn rườm rà, tốn kém, gây ra gánh nặng cho các gia đình nghèo. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế.
Trước những vấn đề này, tỉnh đề ra một số giải pháp như: Phát huy xu thế cạnh tranh lành mạnh trong các vùng và các làng dân tộc thiểu số. Khi thực hiện các chính sách, nhất là việc xây dựng nông thôn mới, nên ưu tiên làm trước và hỗ trợ thêm cho những làng, xã, thôn, bản… mà người dân tích cực hưởng ứng tham gia đóng góp ngày công lao động, hiến đất làm đường…
Giai đoạn 2021 - 2025, Lai Châu phấn đấu giảm bình quân hộ nghèo 3%/năm, huyện nghèo giảm 4%/năm. Để đạt được mục tiêu Lai Châu tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; cụ thể hóa kịp thời, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách về giảm nghèo.