11:18 26/01/2007

Thay đổi hẳn cách nhìn

Ghi nhận trước thềm Hội nghị thường niên Thủ tướng gặp cộng đồng doanh nghiệp, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3/2007

Các doanh nghiệp dân doanh không hề bị lép vế hơn so với các doanh nghiệp “đàn anh” trong khu vực doanh nghiệp nhà nước - Ảnh: Việt Tuấn.
Các doanh nghiệp dân doanh không hề bị lép vế hơn so với các doanh nghiệp “đàn anh” trong khu vực doanh nghiệp nhà nước - Ảnh: Việt Tuấn.
Việc lần đầu tiên khu vực doanh nghiệp dân doanh được xếp thứ tự ưu tiên số một trong Hội nghị thường niên Thủ tướng gặp cộng đồng doanh nghiệp, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3/2007, đã khiến sự kiện này trở thành tâm điểm chú ý không chỉ của giới doanh nghiệp.

Một trong những nội dung cụ thể được nhiều doanh nghiệp, đại diện hiệp hội doanh nghiệp quan tâm trước thềm cuộc gặp đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với khu vực doanh nghiệp dân doanh, đó là Chính phủ có thể tháo gỡ được vướng mắc gì cho doanh nghiệp. Những kỳ vọng từ cuộc gặp này trở nên lớn hơn khi chủ đề chính được lựa chọn là tìm hướng đi chiến lược cho khu vực dân doanh.

Thực ra, những khó khăn của doanh nghiệp dân doanh trong nước đã lộ diện khá rõ ngay từ nhiều năm trước. Vẫn là các vấn đề về năng lực tài chính, hiệu quả kinh doanh, các vấn đề về công nghệ, lao động..., song theo ông Đậu Anh Tuấn, chuyên gia Ban Pháp chế, thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có lẽ các vướng mắc trong hoạt động của doanh nghiệp, trong môi trường chính sách... thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ cần được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp dân doanh.

Điều quan trọng là, các hướng giải quyết cho các vướng mắc đó ngay trong năm sẽ như thế nào, do cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết.

Có ý kiến nhận định rằng, chính môi trường kinh doanh sẽ tạo ra doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh chứ không phải Chính phủ. Ông Võ Liễu, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, kế hoạch hình thành 500.000 doanh nghiệp vào năm 2010 mà Chính phủ đặt ra hoàn toàn có thể thực hiện được, song câu hỏi chính là năng lực cạnh tranh, sức mạnh của đội ngũ đó phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của môi trường đầu tư, kinh doanh và thậm chí cả cách nhìn của Chính phủ đối với khu vực này.

“Cho tới thời điểm này, các doanh nghiệp lớn của Hiệp hội chúng tôi vẫn chưa một lần được mời tham gia các đoàn doanh nghiệp tháp tùng Thủ tướng đi các nước. Phải chăng, chúng tôi không phải là các doanh nghiệp có đủ sức mạnh và đủ uy tín để đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam?”, ông Liễu đặt câu hỏi.

Hơn nữa, sẽ rất khó cho doanh nghiệp tự nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng minh bạch của mình khi mà tới thời điểm này, nhiều quy định liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp vẫn chưa tương thích, ăn nhập với bên ngoài.

Đơn cử, hệ thống kế toán của Việt Nam vẫn chưa được quốc tế công nhận. Đại diện Hiệp hội Da giày Việt Nam cho rằng, nếu không giải quyết vấn đề này ngay trong năm nay thì việc các doanh nghiệp Việt Nam bị thất thế trước các vụ kiện chống bán phá giá sẽ có nguy cơ tiếp tục xảy ra.

“Chúng tôi đã có văn bản đề nghị về vấn đề này và chờ đợi quyết định từ phía Chính phủ”, vị đại diện này nói.

Không những thế, hàng loạt những khó khăn của doanh nghiệp không phải do doanh nghiệp gây ra cũng được đề nghị đưa ra trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ tới đây. Cũng liên quan tới các vụ kiện chống bán phá giá của ngành da giày trong năm ngoái, đại diện Hiệp hội Da giày đặt câu hỏi đối với hệ thống khai báo hải quan khi số liệu khai hải quan của Việt Nam và của phía Liên minh châu Âu (EU) lại không khớp nhau, trong khi cùng áp dụng hệ thống kiểm soát đôi (có nghĩa là khi doanh nghiệp khai xuất lô hàng nào thì phía bên kia cũng sẽ có thông tin ngay). Rõ ràng, với cách làm việc như vậy thì không thể đủ lý lẽ về mặt pháp lý để bảo vệ các doanh nghiệp Việt Nam.

Trao đổi báo giới, nhiều chuyên gia về doanh nghiệp cho rằng, phần lớn doanh nghiệp dân doanh của Việt Nam đang dành thế chủ động trong “cuộc chơi” lớn với sự mở rộng về cơ hội và điều kiện phát triển. Những bước đi bắt nhịp với thị trường của hàng loạt doanh nghiệp trong các lĩnh vực về phân phối, thị trường chứng khoán, sản xuất hàng xuất khẩu... đã chứng tỏ các doanh nghiệp dân doanh không hề bị lép vế hơn so với các doanh nghiệp “đàn anh” trong khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, theo bình luận của ông Trần Đình Thiên, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thì môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn yếu, đặc biệt là khoảng cách giữa các địa phương trong xếp hạng điều hành kinh tế tỉnh (PCI) hàng năm do VCCI thực hiện cần phải được phân tích kỹ hơn.

“Tại sao PCI lại có sự khác biệt như vậy nếu như môi trường chính sách của Việt Nam đạt được sự thống nhất. Theo tôi, hiện tại nhiều địa phương đang trong tình trạng phát huy sáng kiến quá lớn khiến môi trường kinh doanh chung trở nên rối rắm. Chính phủ cần phải tăng thêm khả năng tập quyền, không thể để mỗi địa phương, thậm chí ở cấp hành chính xã thực thi một quy định khác nhau về cùng một vấn đề”, ông Thiên nói.

Đặc biệt, môi trường kinh doanh bị tác động tiêu cực bởi “văn hoá làng”, lệ làng đang khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn hơn khi liên kết với bên ngoài, trong khả năng hấp thụ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.