09:10 16/06/2022

Thấy gì từ bước nhảy lãi suất 0,75 điểm phần trăm của Fed?

An Huy

Về cơ bản, tuyên bố sau cuộc họp của Fed đưa ra một bức tranh tương đối khả quan về nền kinh tế, cho dù lạm phát tăng...

Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg.
Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 15/6 có hành động cứng rắn nhất trong cuộc chiến chống lạm phát đang diễn ra. Bước nhảy lãi suất 0,75 điểm phần trăm mà Fed vừa đưa ra đánh dấu đợt nâng lãi suất mạnh tay nhất của ngân hàng trung ương này kể từ năm 1994.

Sau nhiều tuần đồn đoán của thị trường, Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) – cơ quan ra quyết định chính sách tiền tệ của Fed - cuối cùng đã nâng lãi suất tham chiếu (fed fund rates) lên 1,5-1,75%. Đây là mức lãi suất cao nhất của Fed kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch vào tháng 3/2020.

“BƯỚC NHẢY LỚN VÀ BẤT THƯỜNG”

“Rõ ràng, việc tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm ngày hôm nay là một bước nhảy lớn bất thường, và tôi cũng không cho rằng việc nâng lãi suất với tốc độ như vậy là phổ biến”, ông Powell nói trong cuộc họp báo sau khi Fed họp xong.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng Fed có thể nâng lãi suất 0,5 hoặc 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 7. Ông cho biết quyết định lãi suất sẽ được đưa ra “theo từng cuộc họp” và Fed sẽ “tiếp tục thông tin về các dự định của mình một cách rõ ràng nhất có thể”.

“Chúng tôi muốn xem tình hình diên biến thế nào. Lạm phát không thể giảm chừng nào còn chưa chuyển sang trạng thái đi ngang”, ông Powell nói. “Nếu chúng tôi không thấy tình hình tiến triển, chúng tôi sẽ phải phản ứng. Chúng ta sẽ thấy một số tiến bộ sớm thôi”.

Thấy gì từ bước nhảy lãi suất 0,75 điểm phần trăm của Fed? - Ảnh 1

Tuyên bố của Fed sau cuộc họp cho thấy các thành viên FOMC muốn tăng lãi suất quyết liệt trong thời gian tới để “hãm phanh” lạm phát. Trung bình, các quan chức FOMC dự báo lãi suất tham chiếu của Fed sẽ đạt 3,4% vào cuối năm nay, so với mức dự báo 1,5% đưa ra hồi tháng 3. Đến cuối năm 2023, lãi suất này được dự báo đạt 3,8%, cao hơn trong 1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 3.

Ngoài ra, Fed mạnh tay cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2022, cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ đạt mức tăng 1,7% trong năm nay. Hồi tháng 3, Fed dự báo kinh tế tăng trưởng 2,8% trong năm 2022.

Dự báo lạm phát được Fed điều chỉnh tăng. Chỉ số chi tiêu dùng cá nhân (PCE) - một thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng - được dự báo tăng 5,2% trong năm nay, so với mức dự báo tăng 4,3% đưa ra hồi tháng 3. Lạm phát lõi (không tính giá lương thực-thực phẩm và năng lượng) được dự báo ở mức 4,3%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với con số đưa ra trong lần dự báo trước.

PCE lõi tháng 4 của Mỹ tăng 4,9%. Bởi vậy dự báo mà Fed đưa ra đồng nghĩa với việc Fed kỳ vọng áp lực giá cả dịu đi trong mấy tháng tới đây.

Về cơ bản, tuyên bố sau cuộc họp của Fed đưa ra một bức tranh tương đối khả quan về nền kinh tế, cho dù lạm phát tăng.

“Hoạt động kinh tế nói chung dường như đang tăng tốc sau khi giảm tốc trong quý 1 năm nay. Sự tăng trưởng của thị trường lao động diễn ra mạnh mẽ trong những tháng gần đây và tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp. Lạm phát vẫn ở mức cao, phản ánh những mất cân đối về cung-cầu liên quan đến đại dịch, giá năng lượng tăng, và áp lực giá cả trên diện rộng”, tuyên bố viết.

Dự báo mà Fed vừa đưa ra cho thấy các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Mỹ kỳ vọng lạm phát giảm mạnh trong năm 2023, với lạm phát tổng quát hạ về 2,6% và lạm phát lõi còn 2,7% - không thay đổi so với dự báo đưa ra hồi tháng 3.

Dài hạn hơn, dự báo chính sách của Fed nhìn chung phù hợp với dự báo của thị trường, nghĩa là Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất cho tới khi đạt mức 3,8%, mức cao nhất kể từ cuối năm 2007.

TÌNH TRẠNG PHỨC TẠP CỦA KINH TẾ MỸ

Động thái lãi suất vừa rồi của Fed diễn ra trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 5 tăng mạnh nhất hơn 40 năm. Lãi suất là một công cụ chủ đạo để các ngân hàng trung ương điều tiết độ nóng của nền kinh tế, trong trường hợp này là kiềm chế nhu cầu để nguồn cung có thể bắt kịp.

Tuy nhiên, tuyên bố của Fed sau cuộc họp đã loại bỏ một cụm từ mà Fed trước đó thường xuyên dùng rằng FOMC “kỳ vọng lạm phát sẽ quay trở lại mục tiêu 2% và thị trường lao động tiếp tục vững mạnh”. Thay vào đó, tuyên bố chỉ nói rằng Fed “cam kết mạnh mẽ” với mục tiêu lạm phát 2%.

Nỗ lực thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát của Mỹ diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế nước này đã giảm tốc mà lạm phát vẫn đi lên – tình trạng được gọi là “stagflation”.

Quý 1 năm nay, kinh tế Mỹ giảm 1,5%. GDPNow - một công cụ theo dõi tăng trưởng kinh tế Mỹ theo thời gian thực của chi nhánh Fed tại Atlanta – cho thấy nền kinh tế đi ngang trong quý 2 này. Một nền kinh tế được cho là rơi vào suy thoái nếu có hai quý tăng trưởng âm liên tiếp.

Thấy gì từ bước nhảy lãi suất 0,75 điểm phần trăm của Fed? - Ảnh 2

Trong nhiều tuần, thị trường cho rằng Fed sẽ nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 6, bằng với mức tăng của cuộc họp tháng 5. Tuy nhiên, sau khi báo cáo CPI tháng 5 của Mỹ được Bộ Lao động nước này công bố vào hôm thứ Sáu tuần trước cho thấy mức tăng giá cả mạnh hơn dự báo, thị trường chuyển sang đặt cược vào mức tăng 0,75 điểm phần trăm.

CPI tháng 5 của Mỹ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/1981. Trong một dấu hiệu đáng lo ngại khác, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong cuộc khảo sát của Đại học Michigan giảm xuống mức thấp kỷ lục. Số liệu công bố hôm thứ Tư tuần này cho thấy doanh thu bán lẻ ở Mỹ giảm 0,3% trong vòng 1 tháng trở lại đây.

Thị trường lao động đang tiếp tục là một điểm sáng của kinh tế Mỹ, cho dù con số 390.000 công việc mới của tháng 5 là mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021. Tiền lương bình quân theo giờ của người lao động Mỹ về danh nghĩa đang tăng, nhưng nếu tính đến yếu tố lạm phát, tiền lương đã giảm 3% trong 1 năm qua.

Trong tuyên bố ngày 15/4, Fed dự báo tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ tăng lên mức 4,1% vào năm 2024, từ mức 3,6% hiện nay.

Tất cả những yếu tố này kết hợp lại sẽ khiến cho ông Powell gặp không ít thách thức trong việc đạt mục tiêu đưa nền kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm hoặc tương đối mềm” như ông đã nêu hồi tháng 5. Lịch sử cho thấy, các chu kỳ tăng lãi suất của Fed trước đây thường khiến kinh tế Mỹ suy thoái.