12:51 15/06/2022

Mặc nguy cơ suy thoái, thị trường đang “yêu cầu” Fed có hành động lịch sử để chống lạm phát

An Huy

Tuy nhiên, “liều thuốc” chống lạm phát mạnh như vậy chắc chắn là một mối đe doạ đối với nền kinh tế Mỹ...

Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg.
Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg.

Thị trường chứng khoán Phố Wall sẽ không hài lòng chừng nào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) còn chưa có hành động quyết đoán hơn nữa để chống lạm phát – trang CNN Business nhận định.

Ở thời điểm hiện tại, khi Fed chuẩn bị kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ kéo dài 2 ngày vào rạng sáng ngày thứ Năm (16/5) theo giờ Việt Nam, đại đa số nhà đầu tư ở Mỹ dự báo Fed sẽ nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm. Đây là bước nhảy lãi suất mà Fed chưa từng áp dụng kể từ năm 1994, khi ông Alan Greenspan còn giữ vai trò người đứng đầu ngân hàng trung ương này.

Sau khi nâng lãi suất nửa điểm phần trăm vào tháng 5 - bước nhảy chưa từng có kể từ năm 2000 - Chủ tịch Fed Jerome Powell cam kết sẽ tiếp tục giữ tiến độ tăng lãi suất như vậy cho tới khi Fed nhận thấy rằng lạm phát đã được đưa về tầm kiểm soát. Ông Powell cũng nói rằng đến lúc đó, Fed sẽ trở lại với bước nhảy lãi suất 0,25 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, sau báo cáo lạm phát tháng 5 “nóng” hơn dự báo công bố hôm thứ Sáu tuần trước, Phố Wall đã kêu gọi Fed có hành động cứng rắn hơn để hãm tốc độ tăng của giá cả. Hôm thứ Ba, ngân hàng Goldman Sachs gia nhập cũng những tổ chức dự báo khác như Jefferies và Barclays nhận định rằng Fed sẽ nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong lần họp này.

 

Trong một báo cáo ngày 14/6, Goldman Sachs cảnh báo rằng các điều kiện tài chính thắt chặt có thể khiến tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới bị kéo tụt quá mức so với “mục tiêu của Fed về giảm lạm phát mà không gây suy thoái”.

Ngoài ra, còn có một số tín hiệu có vẻ bắt nguồn từ Fed: hôm thứ Hai, tờ Wall Street Jouurnal nói rằng Fed đang xem xét một đợt tăng lãi suất mạnh hơn dự báo trong tuần này, nhưng không nói cụ thể nguồn tin từ đâu.

“Chắc chắn, lần họp này sẽ đưa ra mức tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm”, cựu Chủ tịch Fed chi nhánh New York, ông Bill Dudley, nói với CNN Business. “Tôi cho rằng Fed muốn trấn an rằng họ không bị chậm so với lạm phát, nên họ đã có cuộc trao đổi nào đó với một số nhà báo chủ chốt”.

Và các nhà giao dịch đã tiếp nhận thông điệp: thị trường lãi suất tương lai ở Phố Wall đang đặt cược khả năng 95% Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong lần họp này. Cách đây 1 tuần, kỳ vọng này chỉ đạt mức 3%.

“Bây giờ, ngạc nhiên lớn sẽ là Fed chỉ nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm”, ông Dudley nhấn mạnh.

Không chỉ tin là Fed sẽ cứng rắn hơn trong cuộc chiến chống lạm phát, Phố Wall còn dự báo Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 7. Gần 90% nhà đầu tư hiện tin Fed sẽ có động thái như vậy vào tháng tới, và Goldman Sachs, Jefferies và Barclays cũng đưa ra kỳ vọng tương tự.

Tuy nhiên, “liều thuốc” chống lạm phát mạnh như vậy chắc chắn là một mối đe doạ đối với nền kinh tế Mỹ. Trong một báo cáo ngày 14/6, Goldman Sachs cảnh báo rằng các điều kiện tài chính thắt chặt có thể khiến tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới bị kéo tụt quá mức so với “mục tiêu của Fed về giảm lạm phát mà không gây suy thoái”.

Điều đó có nghĩa là Fed khó có thể đạt mục tiêu đưa nền kinh tế “hạ cánh mềm” mà ông Powell đưa ra. Lịch sử cho thấy, khi Fed nâng lãi suất với tốc độ nhanh, kinh tế Mỹ thường rơi vào suy thoái. Hiếm khi nào Fed khiến nền kinh tế hạ nhiệt và lạm phát xuống thang mà không đẩy nền kinh tế vào một cuộc suy thoái, ngoại trừ vào các năm 1965, 1984, và 1994.

Nhiều nhà phân tích, bao gồm cả ông Dudley, cho rằng Fed đã hành động quá muộn đối với lạm phát để có thể tránh một cuộc “hạ cánh cứng” như vậy. Nhưng nếu Fed không cứng rắn hơn, lạm phát cũng có thể gây ra những hậu quả không kém phần thảm khốc đối với nền kinh tế.