12:06 20/10/2010

Thấy gì từ việc Trung Quốc bất ngờ tăng lãi suất cơ bản?

An Huy

Động thái tăng lãi suất bất ngờ ngày 19/10 của Trung Quốc có thể đặt dấu chấm hết cho những lo ngại về một cuộc chiến tranh tiền tệ

Từ cuối tháng 8 tới cuối tuần trước, đồng Nhân dân tệ đã tăng giá 2,5% so với USD, tốc độ tăng nhanh nhất kể từ lần Trung Quốc tăng tỷ giá trước vào năm 2005 tới nay - Ảnh: Reuters.
Từ cuối tháng 8 tới cuối tuần trước, đồng Nhân dân tệ đã tăng giá 2,5% so với USD, tốc độ tăng nhanh nhất kể từ lần Trung Quốc tăng tỷ giá trước vào năm 2005 tới nay - Ảnh: Reuters.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) ngày 19/10 đã gây bất ngờ khi có động thái tăng lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong gần 3 năm trở lại đây.

Giới phân tích cho rằng, động thái này phản ánh những lo ngại về sự leo thang của giá tài sản và có thể mở màn cho một thời kỳ chính sách tiền tệ thắt chặt hơn tại nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Ở lần tăng lãi suất này, PBoC nâng lãi suất cơ bản đồng Nhân dân tệ thêm 0,25%, đưa lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm lên 2,5% và lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm lên 5,56%.

Reuters bình luận, nếu ai đó còn nghi ngờ về vai trò đầu tàu phục hồi kinh tế thế giới của Trung Quốc, thì mối nghi ngờ này đã bị phá tan khi chứng kiến ảnh hưởng đối với thị trường toàn cầu từ việc nước này tăng lãi suất ngày 19/10. Giá vàng và dầu thô đồng loạt sụt giảm mạnh trong phiên này, các thị trường chứng khoán cũng lao dốc, trong khi tỷ giá USD tăng vọt.

“Việc Trung Quốc tăng lãi suất hoàn toàn nằm ngoài kỳ vọng của thị trường. Sự gia tăng gần đây của lạm phát đã khiến lãi suất của Trung Quốc thực âm. Tôi cho rằng, đó là lý do vì sao PBoC tăng lãi suất bất ngờ như vậy”, chuyên gia kinh tế trưởng Zhu Jiangfang thuộc công ty chứng khoán CITIC Securites tại Bắc Kinh phát biểu trên Reuters.

Một số nhà phân tích cho rằng, động thái tăng lãi suất này của Trung Quốc còn phản ánh một “thỏa thuận ngầm” giữa Mỹ và Trung Quốc về việc tăng cường tốc độ tăng giá của đồng Nhân dân tệ và đặt dấu chấm hết cho những lo ngại về một cuộc chiến tranh tiền tệ - trong đó các đồng tiền đua nhau giảm giá - trước thềm các cuộc họp của nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc. Trong đó, cuộc họp của các bộ trưởng bộ tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 sẽ khai mạc vào thứ Sáu tuần này.

Tuy nhiên, ngược lại, cũng có những ý kiến cho rằng, bằng cách nâng lãi suất, Trung Quốc có thể không cần tới thúc đẩy sự gia tăng tỷ giá mà vẫn giữ thăng bằng được cho nền kinh tế.

Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, đã đến lúc Trung Quốc cần thực hiện các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay hơn. Cho tới trước lần tăng lãi suất này, Bắc Kinh mới chỉ áp dụng các biện pháp hạn chế tín dụng và tăng dự trữ bắt buộc nhằm ngăn nền kinh tế phát triển nóng.

"Về cơ bản, lãi suất của Trung Quốc là quá thấp đối với một nền kinh tế tăng trưởng 10% mỗi năm. Để tránh sự bóp méo lớn hơn, Trung Quốc cần bắt đầu đưa lãi suất lên những mức hợp lý hơn. Có vẻ như kinh tế Trung Quốc đang cho thấy sự phân ly khỏi các nền kinh tế lớn khác và chính sách kinh tế của nước này cũng vậy”, nhà kinh tế Rob Subbaraman thuộc ngân hàng Nomura ở Hồng Kông nhận xét.

Thời gian gần đây, nhiều nhà kinh tế học hàng đầu, bao gồm cả các cố vấn của PBoC, đã thúc giục Trung Quốc tăng lãi suất tiền gửi để đảm bảo mức lãi suất thực dương cho người gửi tiền. Tháng 8 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đã tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Giới phân tích dự báo, CPI tháng 9 của nước này tăng 3,6%.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc tăng lãi suất vẫn gây bất ngờ vì nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu của nước này gần đây vẫn thể hiện thái độ tin tưởng rằng lạm phát đang nằm trong tầm kiểm soát và nếu tăng lãi suất có thể sẽ tạo sức hút mạnh đối với các dòng vốn đầu cơ từ nước ngoài. Trong một cuộc điều tra do Reuters thực hiện vào tháng trước, giới chuyên gia dự báo, Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì lãi suất ổn định cho tới tận quý 2/2011.

“Có thể Trung Quốc phải tăng lãi suất ngay lúc này vì các số liệu về GDP và CPI sắp công bố là rất mạnh”, ông Darius Kowalczyk, chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc công ty Credit Agricole CIB ở Hồng Kông, nói.

Trung Quốc sẽ công bố tốc độ tăng GDP quý 3 và một loạt số liệu kinh tế khác của tháng 9 vào ngày thứ Năm (21/10). Giới phân tích dự báo, GDP của Trung Quốc tăng 9,5% trong quý 3 so với cùng kỳ năm trước, giảm so với mức 10,3% trong quý 2.

Trước khi lãi suất bất ngờ tăng ngày 19/10, với kỳ vọng một thời kỳ lãi suất thấp kéo dài, giá tài sản ở Trung Quốc đã cho thấy những dấu hiệu cất cánh. Thị trường chứng khoán Thượng Hải đã tăng 16% trong 9 ngày giao dịch vừa qua. Ngoài ra, bất chấp nhiều tháng các nhà chức trách nỗ lực kiểm soát sự leo thang của giá nhà, thị trường địa ốc bắt đầu có những dấu hiệu nóng trở lại.

"Lần tăng lãi suất này của PBoC giống như một gáo nước lạnh dội vào thị trường. Mức tăng lãi suất không phải là lớn, nhưng ảnh hưởng tâm lý đối với thị trường là rất lớn, vì thị trường sẽ kỳ vọng những đợt tăng lãi suất moiw”, ông Zhang Yuheng, nhà phân tích thuộc công ty chứng khoán Capital Securites tại Thượng Hải, phát biểu.

Lãi suất cao hơn khiến các tài sản bằng đồng Nhân dân tệ có sức hấp dẫn lớn hơn, và về lý thuyết, có thể tạo áp lực tăng giá cho đồng tiền này. Từ cuối tháng 8 tới cuối tuần trước, đồng Nhân dân tệ đã tăng giá 2,5% so với USD, tốc độ tăng nhanh nhất kể từ lần Trung Quốc tăng tỷ giá trước vào năm 2005 tới nay.

“Việc Trung Quốc tăng lãi suất chắc chắn dẫn tới những đồn đoán cho rằng, giữa Trung Quốc và Mỹ đang tồn tại một ‘thỏa thuận ngầm’, trong đó Mỹ sẽ có tiếp cận từ tốn hơn với chính sách nới lỏng định lượng”, ông Simon Derrick, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu ngoại hối thuộc ngân hàng Bank of New York Mellon, nhận xét.

Những lời đồn đoán trên đã xuất hiện sau những động thái gần đây của phía Mỹ. Thứ Sáu tuần trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner tuyên bố hoãn công bố báo cáo tiền tệ định kỳ với kết luận có hay không Bắc Kinh thao túng tỷ giá đồng Nhân dân tệ. Theo giới phân tích, Washington hoãn công bố báo cáo này nhằm thu hút sự ủng hộ của các nước trong G20 thúc đẩy sự điều chỉnh chính sách tiền tệ của Trung Quốc và một số nền kinh tế mới nổi khác theo hướng có lợi cho Mỹ.

Sau đó, vào ngày 18/10, ông Geithner tiếp tục tuyên bố nước Mỹ sẽ không tìm cách làm giảm tỷ giá đồng USD để giành lợi thế cho hàng xuất khẩu của nước này.

Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác phàn nàn rằng chính sách tiền tệ lỏng lẻo của Mỹ làm gia tăng dòng vốn nóng chảy vào các nước này, gây áp lực tăng tỷ giá đồng nội tệ, ảnh hưởng bất lợi tới khu vực xuất khẩu. Trong khi đó, Washington và nhiều nền kinh tế phát triển nhận định, Trung Quốc cố tình ghìm tỷ giá Nhân dân tệ ở mức thấp so với giá trị thực để tạo thế cạnh tranh thương mại không bình đẳng.

Tuy nhiên, theo ông Ting Lu, một nhà kinh tế thuộc ngân hàng Bank of America-Merrill Lynch tại Hồng Kông, tỷ giá Nhân dân tệ so với USD sắp tới sẽ không tăng nhiều. “PBoC sẽ kiểm soát chặt tốc độ tăng giá của Nhân dân tệ, một khi áp lực từ phía Mỹ giảm”, ông Ting nói.