Thế giới tiêu thụ gần 5 nghìn tấn vàng trong năm 2023
Nhu cầu vàng của thế giới lập kỷ lục trong năm 2023 khi căng thẳng địa chính trị dai dẳng và tăng trưởng kinh tế bết bát ở Trung Quốc khuyến khích giới đầu tư tìm đến kênh đầu tư an toàn này...
Theo báo cáo mới đây từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), tổng giao dịch vàng toàn cầu đạt 4.899 tấn trong năm ngoái, tăng 3,1% so với mức 4.741 tấn vào năm 2022. Con số này bao gồm các giao dịch tại quầy (OTC) ngoài các sàn giao dịch tập trung, cũng như biến động tồn trữ tại các sàn giao dịch tập trung.
Ông Shaokai Fan, trưởng bộ phận ngân hàng trung ương tại WGC, cho rằng các động lực lớn nhất cho nhu cầu vàng toàn cầu trong năm 20243 là chiến tranh Nga-Ukraine, chiến tranh Israel-Hamas, và sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc. Theo ông Fan, những yếu tố này có thể tiếp tục thúc đẩy vàng tăng giá trong năm 2024.
Tháng 12/2023, giá vàng thế giới lập kỷ lục mọi thời đại trên mức 2.100 USD/oz, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương và nhà đầu tư cá nhân cùng ồ ạt mua vàng. Tính cả năm, lượng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đạt hơn 1.037 tấn, đánh dấu năm thứ hai liên tiếp vượt mức 1.000 tấn nhưng giảm so với mức 1.082 tấn của năm 2022.
“Năm 2023 là năm mà các ngân hàng trung ương mua ròng vàng nhiều thứ hai trong lịch sử, chỉ kém một chút so với lượng mua ròng kỷ lục vào năm 2022”, ông Fan nói với hãng tin CNBC.
Báo cáo của WGC cho thấy Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) là ngân hàng trung ương mua vàng nhiều nhất thế giới trong năm qua, với lượng mua ròng đạt 225 tấn, nâng tổng dự trữ vàng chính thức của Trung Quốc lên 2.235 tấn.
“Khi thấy ngân hàng trung ương mạnh tay mua vàng, các nhà đầu tư cá nhân sẽ quan tâm tới vàng hơn”, ông Fan nói.
Vị chuyên gia cũng cho rằng cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc cũng khuyến khích nhu cầu nắm giữ vàng ở nước này. Công ty địa ốc khổng lồ Evergrande của Trung Quốc mới đây đã bị một toà án ở Hồng Kông ra phán quyết yêu cầu thanh lý tài sản, giải thể công ty. Năm 2023 cũng chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp bất động sản khác của Trung Quốc rơi vào cảnh vỡ nợ trong bối cảnh doanh số bán nhà tiếp tục trượt dốc. Đầu tư vào vàng thỏi và xu vàng ở Trung Quốc trong năm 2023 tăng 28%, đạt 280 tấn.
“Nhà đầu tư Trung Quốc lo ngại về tương lai của các loại tài sản khác, nên họ tìm đến vàng như một phương thức để bảo vệ giá trị danh mục đầu tư của mình”, ông Fan phát biểu, nhấn mạnh rằng nếu tính theo nhân dân tệ, giá vàng đã tăng rất tốt trong năm qua nếu so với các tài sản khác ở Trung Quốc.
Tổng nhu cầu vàng thỏi và xu vàng trên toàn cầu đạt gần 1.190 tấn trong năm 2023, giảm nhẹ so với mức 1.223 tấn của năm trước. Nhu cầu vàng trang sức đạt gần 2.093 tấn, tăng từ mức 2.089 tấn của năm 2022.
Trong khi đó, các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) tiếp tục bán ròng vàng trong năm 2023, với lượng bán ròng hơn 244 tấn, sau khi bán ròng gần 110 tấn trong năm 2022.
Báo cáo của WGC cũng cho thấy Trung Quốc đã vượt qua Ấn Độ để trở thành nước tiêu thụ nhiều vàng nữ trang nhất thế giới trong năm 2023. Người Trung Quốc mua 603 tấn vàng nữ trang trong năm ngoái, tăng 10% so với năm trước đó. Ông Fan nói rằng sự tăng trưởng này có được một phần do nhu cầu nữ trang cưới bị dồn nén đã được “bung nén” sau khi nước này chấm dứt các biện pháp chống Covid-19 vào cuối năm 2022.
Tại Ấn Độ, tiêu thụ vàng trang sức trong năm 2023 đạt 562 tấn, giảm 6% so với năm trước. So với các thị trường khác, thị trường vàng Ấn Độ có sự nhạy cảm cao hơn về giá, nên nhu cầu thường yếu đi mỗi khi giá tăng cao.
WGC dự báo nhu cầu vàng toàn cầu năm nay khó có thể đạt mức tương tự như năm 2023, nhưng lạm phát giảm dẫn tới lãi suất giảm có thể giúp giá vàng tránh được nguy cơ giảm sâu. Ngoài ra, lạm phát giảm còn khiến người tiêu dùng cảm thấy “giàu có” hơn, tạo ra lực đỡ cho nhu cầu mua trang sức vàng.