14:15 09/10/2023

Thế “tiến thoái lưỡng nan” của châu Âu giữa đối đầu Mỹ-Trung

An Huy

Trong bối cảnh cuộc đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, châu Âu bị đặt vào một tình thế bất lợi, khó cân bằng quan hệ...

Châu Âu là nền kinh tế có độ phụ thuộc lớn vào thương mại - Ảnh: Reuters.
Châu Âu là nền kinh tế có độ phụ thuộc lớn vào thương mại - Ảnh: Reuters.

Tại một sự kiện của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào tháng 9 vừa qua, cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown lên tiếng về một nỗi lo sợ đã âm thầm len lỏi khắp châu Âu.

“Châu Âu không muốn rốt cục bị siết chặt giữa Mỹ và Trung Quốc, kể cả ngả về Mỹ hay ngả về Trung Quốc”, ông Brown nói về một kịch bản mà ở đó đối đầu Mỹ-Trung có thể dẫn tới một thế giới với hai trục quyền lực đối nghịch nhau. “Dù châu Âu có luôn chọn Mỹ - quốc gia mà châu Âu phụ thuộc vào về mặt an ninh - đi chăng nữa, thì châu Âu cũng hiểu rằng nguồn nhựa sống của mình là thương mại. Đối với châu Âu mà nói, thương mại có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều đối với Mỹ”.

PHỤ THUỘC VÀO THƯƠNG MẠI, ĐIỂM YẾU CỦA CHÂU ÂU

Theo hãng tin Reuters, cách đây mấy năm, sự suy yếu của các nguyên tắc và mối gắn kết ràng buộc nền kinh tế toàn cầu thành một khối - hay còn gọi là “sự phân rã địa kinh tế” - dường như còn là điều không thể xảy ra. Giờ đây, vấn đề này dự kiến trở thành chủ đề chính tại cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến diễn ra ở Marrakech, Morocco trong tuần này.

Và không ở đâu vấn đề phân rã địa kinh tế lại có tính chất cấp bách như ở châu Âu - khu vực mà sự thịnh vượng luôn có mức độ phụ thuộc lớn vào thương mại. 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) hợp thành khối thương mại lớn nhất thế giới, chiếm 16% tổng giá trị xuất-nhập khẩu của thế giới. Tỷ lệ này khiến châu Âu có mức độ phụ thuộc lớn vào hàng hoá nhập khẩu, từ các nguyên vật liệu thô thiết yếu cho tới huyết thanh.

Trong khi đó, thuế quan và các rào cản thương mại khác đang tăng lên do các chính phủ tìm cách ngăn sự nổi lên của các đối thủ chính trị thuộc trường phái dân tuý - những người đã thu hút phiếu bầu của tầng lớp những cử tri bị bỏ lại phía sau bởi 20 năm toàn cầu hoá nhanh chóng, trong đó có sự gia nhập của Trung Quốc vào hệ thống thương mại toàn cầu.

Cả Mỹ và châu Âu đều đã và đang tăng cường sự cứng rắn trong lập trường đối với Trung Quốc, trong khi nhấn mạnh rằng các nguyên tắc của thương mại toàn cầu cần được áp dụng một cách bình đẳng. Tuy nhiên, một số nhà quan sát lập luận rằng Washington đang đi xa tới mức kiểm nghiệm xem các nguyên tắc đó có thể bị kéo căng tới mức độ nào.

“Có thể nói rằng niềm tin rõ ràng của châu Âu vào việc giữ vững các nguyên tắc WTO trong một thế giới mà hai siêu cường kia không thực sự duy trì các nguyên tắc đó chính là tác nhân gây hạn chế đối với các cơ hội của hợp tác Âu-Mỹ”, chuyên gia kỳ cựu về thương mại Brad Setser, người từng cố vấn cho chính quyền ông Biden, phát biểu tại một sự kiện ở Brussels hồi tháng trước.

Một dấu hiệu của trở ngại này là những bất đồng trong cuộc đàm phán về một câu lạc bộ “thép xanh” giữa Mỹ và châu Âu nhằm dựng lên hàng rào thương mại chống lại thép Trung Quốc. Mối lo lớn nhất của châu Âu là đề xuất của Mỹ có thể đi ngược lại các quy định của WTO về chống phân biệt đối xử với bên thứ ba.

Hồi năm 2020, các chính phủ ở châu Âu đã “thở phào” khi ông Joe Biden lên làm Tổng thống Mỹ thay ông Donald Trump. Nhưng giờ đây, họ nhận ra rằng bất kỳ sự đồng thuận nào giữa Mỹ với châu Âu về tự do thương mại cũng đã trở thành câu chuyện của quá khứ, và họ bắt buộc phải thích nghi với thực tế mới, nhất là khi cuộc bầu cử năm 2024 ở Mỹ có thể đưa ông Trump trở lại Nhà Trắng.

“Doanh nghiệp châu Âu cần chuẩn bị sẵn sàng cho những kịch bản cực đoan mà ở đó Mỹ buộc họ phải rút khỏi Trung Quốc”, một tham luận với tựa đề “Xử lý vấn đề (bất) an ninh kinh tế châu Âu” trình bày tại một hội nghị bộ trưởng tài chính EU hồi tháng 9 nhận định.

RỦI RO NẾU CHÂU ÂU NGẢ VỀ MỸ

Chính sách của Mỹ hiện tại chưa bao gồm những biện pháp trừng phạt quyết liệt đến như vậy áp lên Trung Quốc, nhưng tham luận nói trên do Reuters thu thập được nhấn mạnh rằng EU “có sự chuẩn bị quá tệ cho một thế giới của sự đối đầu địa chính trị và cạnh tranh quyền lực mạnh mẽ” có thể dẫn tới những ảnh hưởng lan rộng.

Tuần này, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ họp tại Tây Ban Nha để bắt đầu vạch ra một kế hoạch an ninh kinh tế nhằm xử lý các điểm yếu của khu vực, với mục tiêu đạt một thoả thuận trước cuối năm nay. Giới chuyên gia nhận định đây không phải là một việc dễ dàng.

Nói cách khác, một thoả thuận như vậy đòi hỏi các quốc gia phải nhất trí những công nghệ nào phải trở thành đối tượng của các biện pháp mạnh tay hơn về kiểm soát xuất khẩu và sàng lọc đầu tư ra nước ngoài. Trong một số trường hợp, lợi ích an ninh quốc gia sẽ được đặt lên bàn cân với lợi ích thương mại quốc gia. Mặc khác, các nước EU có thể sẽ phải miễn cưỡng chi thêm hàng tỷ euro để giúp doanh nghiệp trong nước phát triển các công nghệ chiến lược còn chưa được khẳng định.

Tất cả những việc này sẽ diễn ra khi châu Âu thừa hiểu rằng bất kỳ biện pháp cứng rắn được áp dụng đều có thể làm mếch lòng Trung Quốc. Trong trường họp đó, các nhà xuất khẩu của Đức, vốn lấy thị trường Trung Quốc làm trọng, sẽ là đối tượng hứng chịu nhiều thiệt hại hơn cả.

Ông Wang Huiyao, Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hoá, một cơ quan nghiên cứu có trụ sở ở Bắc Kinh, cho rằng trong quá trình hoạch định chính sách, châu Âu nên tính đến mối quan hệ văn hoá và lợi ích thương mại đã có lâu năm với Trung Quốc. “Dĩ nhiên là EU nên có cách tiếp cận với Trung Quốc khác so với cách tiếp cận của Mỹ với Trung Quốc”, ông Wang nói.

Nhưng cuối cùng, chính sách thực dụng có thể sẽ chi phối quyết định của châu Âu.

Một phân tích mà IMF đưa ra năm nay kết luận rằng nếu nền kinh tế thế giới chia tách thành 2 trục do Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu, châu Âu sẽ ổn nhất nếu giữ được quan hệ tốt với cả hai bên. Nhưng báo cáo của IMF cũng nói rằng châu Âu “có thể đối mặt với tổn thất nặng nề nếu chính sách như vậy làm gia tăng khả năng xuất hiện những rào cản giữa châu Âu và Mỹ”.

Ông Petra Sigmund, một quan chức Đức từng tham gia vào việc hoạch định chiến lược của Berlin với Trung Quốc, nói rằng châu Âu và Mỹ không phải lúc nào cũng có cùng quan điểm về Trung Quốc. Tuy nhiên, trong một sự kiến gần đây của giới nghiên cứu, ông Sigmund nói chính quyền Tổng thống Biden đã cho thấy “rất sẵn sàng giải quyết vấn đề”.

“Và chúng tôi thực sự hy vọng rằng sau cuộc bầu cử vào năm tới, Mỹ vẫn giữ được sự sẵn sàng này”, ông Sigmund phát biểu.