08:00 01/09/2022

Thẻ tín dụng nội địa mở thêm đường tiếp cận tài chính toàn diện

Vũ Phong

Tiện ích, tính năng của thẻ tín dụng nội địa là điểm hấp dẫn nhóm khách hàng phổ thông hoặc lần đầu tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng

Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang tích cực đẩy mạnh chiến lược tiếp cận tài chính toàn diện
Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang tích cực đẩy mạnh chiến lược tiếp cận tài chính toàn diện

Hiện tại, hệ thống tổ chức tín dụng hiện có trên 100 đơn vị, bao gồm ngân hàng, công ty tài chính, tiếp đó là khoảng 1.200 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, hàng chục tổ chức tài chính vi mô. Tuy nhiên, dường như mức độ phủ sóng các khoản vay tiêu dùng trực tiếp hay qua thẻ đối với nhóm đối tượng yếu thế vẫn còn ở mức rất khiêm tốn. 

Với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau", Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang tích cực đẩy mạnh chiến lược tiếp cận tài chính toàn diện; trong đó, thẻ tín dụng nội địa là giải pháp, công cụ đắc lực để thực hiện chiến lược này.

Chia sẻ quan điểm tại Đối thoại chuyên đề: "Phát triển thẻ tín dụng nội địa: Con đường tiếp cận tài chính toàn diện" do VnEconomy tổ chức, ông Phạm Trường Giang, Phó Trưởng Phòng phụ trách Phòng Phát triển Thanh toán (Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước), cho rằng thời gian qua, các tổ chức phát hành thẻ đã chủ động, sáng tạo nghiên cứu, phát hành, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thẻ nội địa gắn với thương hiệu thẻ của Việt Nam, trong đó có thẻ nội địa là một điểm sáng.

Nỗ lực này của tổ chức phát hành thẻ nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy tài chính toàn diện để bao phủ dịch vụ thanh toán, tín dụng đến số đông người dân.

Bởi lẽ, còn nhiều người dân sống, làm việc ở vùng nông thôn, có thu nhập ổn định, khả năng trả nợ và có nhu cầu tiếp cận, sử dụng dịch vụ tài chính cá nhân như chi trả sinh hoạt hàng ngày, thanh toán hóa đơn, chuyển tiền, mua hàng trực tuyến… Nhưng họ chưa được tiếp cận, sử dụng sản phẩm, dịch vụ hữu ích này.

Ông Phạm Trường Giang, Phó Trưởng Phòng phụ trách Phòng Phát triển Thanh toán (Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước) - Ảnh: Chu Xuân Khoa.
Ông Phạm Trường Giang, Phó Trưởng Phòng phụ trách Phòng Phát triển Thanh toán (Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước) - Ảnh: Chu Xuân Khoa.

Ông Giang đánh giá, tiện ích, tính năng của thẻ tín dụng nội địa là điểm hấp dẫn nhóm khách hàng phổ thông hoặc lần đầu tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Điển hình như: hạn mức thấp nên thủ tục mở thẻ đơn giản; thời gian miễn lãi lên đến 55 ngày; phí duy trì thấp; công ty phát hành thẻ và đơn vị chấp nhận thẻ thường xuyên có ưu đãi, khuyến mãi...

Qua đó, khách hàng cần tiền có thể vay vốn ngay, hoặc coi như một khoản tiền trù bị trong trường hợp khẩn cấp. Điều này góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tài chính toàn diện và hỗ trợ góp phần đẩy lùi vấn nạn "tín dụng đen".

Về hành lang pháp lý cho thẻ ngân hàng, trong đó bao gồm cả thẻ tín dụng nội địa đã được Ngân hàng Nhà nước ban hành tương đối đầy đủ. Dựa vào đó, các ngân hàng đã triển khai phát hành lượng thẻ tương đối lớn.

Con số được vị Phó trưởng Phòng phụ trách Phòng Phát triển Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, có 12 tổ chức đã triển khai phát hành sản phẩm thẻ tín dụng nội địa (9 ngân hàng và 3 công ty tài chính). Số lượng thẻ tại cuối tháng 6/2022 đạt khoảng 600.000 thẻ, tăng trưởng 26% so với cuối năm 2021. Trước đó, tốc độ tăng trưởng này đạt trung bình 23,2%/năm trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021.

Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) - Ảnh: Chu Xuân Khoa.
Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) - Ảnh: Chu Xuân Khoa.

Tuy nhiên, khi đã có thể phát triển được thẻ tín dụng nội địa và có nhiều người dùng thẻ đồng nghĩa nhiều rủi ro tiềm ẩn cũng sẽ phát sinh. Đặc biệt trường hợp khách hàng gặp các vấn đề mất tiền trong tài khoản, thẻ không sử dụng được, bảo mật có vấn đề…

Trao đổi về các rủi ro trên, ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), cho rằng thẻ tín dụng nội địa mà các ngân hàng và công ty tài chính phát hành dựa trên nền tảng công nghệ của Napas rất bảo mật. 

"Thẻ tín dụng nội địa Napas (thẻ tiếp xúc và không tiếp xúc) được phát hành theo tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa VCCS do Ngân hàng Nhà nước ban hành và tuân thủ công nghệ EMV đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất về an toàn bảo mật. Tiêu chuẩn này cũng được các tổ chức thẻ quốc tế sử dụng. Vậy xét về mặt công nghệ hay an toàn bảo mật thì thẻ tín dụng nội địa tương đương các sản phẩm thẻ tín dụng quốc tế", ông Hùng nói.

Còn về một số rủi ro khác, ông Hùng đánh giá chủ yếu đến từ phía khách hàng sử dụng. Với vai trò của một người sử dụng thẻ, ông Hùng cho rằng khi nắm giữ thẻ, người dùng phải biết thẻ được sử dụng ở đâu, sử dụng thế nào, nguyên tắc cơ bản về bảo mật thông tin...

"Do đó, công tác tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu rõ việc sử dụng thẻ thế nào để an toàn là rất quan trọng. Đồng thời, công tác tuyên truyền này cũng giúp thẻ tín dụng nội địa mở rộng thị phần trong thời gian tới", ông Hùng nhấn mạnh.