Thêm một quỹ ngoại lỗ kỷ lục trong tháng 4 nhưng vẫn rất lạc quan về thị trường Việt Nam
Hiệu suất của Lumen Vietnam Fund âm 10% trong quý 4 vừa qua dù vậy quỹ này cho rằng chứng khoán Việt Nam triển vọng rất tốt cho dài hạn, điều chỉnh mạnh là cơ hội để quỹ cơ cấu danh mục, tập trung gom nhóm tài chính.
Quỹ Lumen Vietnam Fund đã có một tháng 4 đầy rẫy khó khăn chủ yếu do đà sụt giảm mạnh của cổ phiếu nhóm Ngân hàng, Bất động sản, Lĩnh vực công nghiệp và Năng lượng. Kết thúc tháng, quỹ này âm 10% đây là mức sụt giảm kỷ lục trong các tháng 4 kể từ năm 2012 đến nay và là mức sụt giảm chỉ đứng sau 13% trong tháng 4 của năm 2019. Tính từ đầu năm đến nay hiệu suất quỹ này âm 6%.
Đánh giá thêm về thị trường chứng khoán Việt Nam, quỹ này cho rằng, về lâu dài chứng khoán Việt Nam triển vọng rất tốt.
Thứ nhất, cuộc chiến thao túng giá cổ phiếu rất quan trọng để tạo ra một môi trường đầu tư lạnh mạnh, nâng cao tính minh bạch cho nhà đầu tư ngoại cũng như nhà đầu tư trong nước, một bước để Việt Nam dần nâng hạng thị trường. Chính phủ Việt Nam đã gửi một thông điệp rất rõ ràng tới các bên tham gia thị trường vốn rằng các hành vi thao túng giá cổ phiếu, trái phiếu và đất đai đều không được dung nạp. Bộ Tài chính mới đây cũng đã có những quy định mới nhằm nắn lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Thứ hai, khi thị trường chứng khoán giảm mạnh trong tháng 4 nhà đầu tư có thể đã nghi ngờ về sự phát triển kinh tế của đất nước tuy nhiên, nền kinh tế quốc gia vẫn đang trở lại mạnh mẽ với những kết quả vĩ mô đáng khích lệ.
GDP quý đầu tiên của năm 2022 đã tăng trưởng mạnh mẽ, đạt + 5,03% YoY (Q12021: + 4,7% YoY). Sản xuất nhanh chóng trở lại khi lượng tiêu thụ tốt đã bù đắp các khoản lỗ trước đó. Trong Quý 1/2022, tăng trưởng tín dụng ấn tượng ở mức + 5% so với đầu năm (1Q2021: + 2,2% YTD) và tâm lý kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Lạm phát trung bình bốn tháng của quốc gia đạt 2,1% YoY (hoặc 2,09% YTD), thấp hơn nhiều so với các nước phát triển trong những tháng gần đây. Nếu cần thiết, việc cắt giảm thuế có thể được sử dụng để giảm bớt sức ép từ việc tăng giá hàng hóa, giảm áp lực lạm phát.
Hơn nữa, dòng vốn đầu tư nước ngoài và lượng kiều hối vẫn rất tốt, tăng trưởng lần lượt 9,2% và 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Thặng dư thương mại 4 tháng đầu năm đạt 2,5 tỷ USD, dự trữ ngoại hối đầy đủ và ngày càng tăng, đồng VND vẫn mạnh.
Đánh giá về các chỉ số vĩ mô hầu hết triển vọng rất tốt, do đó, Lumen Vietnam Fund cho rằng thị trường biến động mạnh là cơ hội để quỹ cơ cấu lại danh mục, mua tập trung cổ phiếu lĩnh vực công nghiệp, tài chính, năng lượng với định giá và triển vọng tốt hơn.
Trước đó, Pyn Elite Fund - quỹ đầu tư đến từ Phần Lan cũng có báo cáo hiệu suất đầu tư tháng 4/2022 với kết quả tệ chưa từng có trong lịch sử tháng 4 kể từ năm 2013...
Hiệu suất của quỹ đã giảm 10,2%, chủ yếu do VHM, CTG, TPB và MBB. Trong đó, CTG giảm 14,5% mạnh nhất, NLG giảm 16,3% và TPB giảm 16,3%. Nếu so với các tháng 4 kể từ khi hoạt động tại Việt Nam năm 2013, đây là tháng có hiệu suất thấp nhất, trong khi đó tháng 4/2020 hiệu suất của quỹ này tăng 17,91% cao kỷ lục, tháng 4/2021 là 0,65%.
Tính từ đầu năm đến nay, hiệu suất của Pyn Elite Fund giảm 11,73%. Các cổ phiếu lớn trong danh mục của quỹ vẫn gồm: VHM, CTG, VRE, VEA, MBB, TPB, ACV, HDB, SCS, KDH.
Cũng như Lemun Vietnam Fund, Pyn Elite Fund bày tỏ lạc quan vào thị trường Việt Nam. Quỹ này cho rằng, các phản ứng thái quá của thị trường tạo ra nhiều cơ hội hơn là đe doạ. Chỉ số P/E của Vn-Index trong dự báo thu nhập năm 2022 hiện ở mức 12,7 hấp dẫn hơn so với mức trung bình 17,6 của Thái Lan, Phillipines và Indonesia. Nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn hiện đang giao dịch dưới mức P/E 10 bất chấp tiềm năng tăng trưởng mạnh.