16:28 18/09/2022

Thí điểm dùng cát biển làm vật liệu san lấp làm dự án cao tốc ở đồng bằng sông Cửu Long

Xuân Nghi

Khoảng 5.000 m3 cát biển sẽ được khai thác thí điểm làm vật liệu san lấp thi công các dự án cao tốc Bắc Nam phía đông ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhằm bù đắp vào nguồn tài nguyên cát sông đang bị thiếu hụt trầm trọng gây nguy cơ đình trệ các dự án này…

Các địa phương được khai thác thử nghiệm 5.000 mét khối cát biển làm vật liệu san lấp phục vụ thi công các dự án cao tốc khu vực ĐBSCL.
Các địa phương được khai thác thử nghiệm 5.000 mét khối cát biển làm vật liệu san lấp phục vụ thi công các dự án cao tốc khu vực ĐBSCL.

Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi sáu tỉnh, thành phố gồm Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng về việc hỗ trợ công tác điều tra, khảo sát nguồn vật liệu đắp nền đường phục vụ cho các dự án xây dựng đường cao tốc trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

THÍ ĐIỂM DÙNG CÁT BIỂN THAY THẾ CÁT SÔNG

Thông tin từ Bộ Giao thông vận tải cho biết, các dự án thành phần của cao tốc Bắc Nam phía đông đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và đoạn Hậu Giang - Cà Mau giai đoạn 1 (2021 – 2025) dự kiến cần khoảng 18 triệu m3 cát san lấp, đắp nền đường.

Theo Bộ Giao thông vận tải, các địa phương đang ưu tiên nguồn vật liệu để phục vụ công trình trong tỉnh và hiện chỉ có tỉnh An Giang cam kết cấp khoảng 1,1 triệu m3 từ việc tăng 50% công suất các mỏ. Về việc cấp phép các mỏ mới để khai thác phục vụ nhu cầu của các dự án, cả hai tỉnh đều chưa khẳng định.

Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn trong quá trình điều tra, khảo sát các mỏ vật liệu trên địa bàn.

Báo cáo của Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận (Ban Mỹ Thuận), đơn vị chủ đầu tư các dự án cao tốc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trước đó cho biết, hiện nay ngoài việc khảo sát, đánh giá các mỏ đang khai thác, Ban Mỹ Thuận đang chỉ đạo các đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát, đánh giá chất lượng, khả năng cung ứng đối với các mỏ đã có trong quy hoạch chưa được cấp phép, các mỏ tiềm năng chưa có trong quy hoạch, các mỏ cát biển,...

Đối với nguồn tài nguyên cát sông hiện hữu trong khu vực, Bộ Giao thông vận tải nói rõ với một số khu vực mỏ cát sông có trong quy hoạch nhưng chưa khai thác và các vị trí có tiềm năng chưa có trong quy hoạch, các địa phương hỗ trợ, cho phép tư vấn được khoan khảo sát thăm dò, lấy mẫu để đánh giá chất lượng, trữ lượng và khả năng khai thác.

Để chủ động nguồn vật liệu san lấp phục vụ thi công dự án, Bộ Giao thông vận tải Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các tỉnh này cho phép các đơn vị khai thác khoảng 5.000 m3 cát biển trên địa bàn hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng để thi công thí điểm và phục vụ nghiên cứu, đánh giá khả năng sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cho các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đồng thời chỉ đạo các sở tài nguyên và môi trường, các đơn vị liên quan hướng dẫn thủ tục cần thiết để thực hiện.

CÁC DỰ ÁN CAO TỐC CẦN HÀNG CHỤC TRIỆU MÉT KHỐI CÁT SAN LẤP

Ngày 26/8/2022, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc Ban chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập đoàn kiểm tra công tác cấp phép, khai thác các mỏ vật liệu xây dựng báo cáo Ban chỉ đạo, Thủ tướng kết quả thực hiện trong tháng 8/2022.

Dự ước, các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía đông khu vực ĐBSCL cần khoảng 36 - 37 triệu m3 vật liệu san lấp, trong khi nguồn tài nguyên cát sông tại chỗ đang khan hiếm và thiếu hụt trầm trọng.
Dự ước, các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía đông khu vực ĐBSCL cần khoảng 36 - 37 triệu m3 vật liệu san lấp, trong khi nguồn tài nguyên cát sông tại chỗ đang khan hiếm và thiếu hụt trầm trọng.

Thủ tướng đồng thời yêu cầu các tỉnh Đồng Tháp, An Giang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát tổng thể các mỏ cát trong khu vực để có kế hoạch nâng công suất các mỏ đang khai thác, bổ sung các mỏ mới để đảm bảo nguồn cung cho các dự án đường bộ cao tốc tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Trước đó, hôm 20/8/2022, tại buổi làm việc với Ban Mỹ Thuận nhằm phối hợp triển khai dự án xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu tỉnh Sóc Trăng xác nhận rằng địa phương này có nguồn dự trữ cát biển rất lớn và đề nghị khai thác thử nghiệm để phục vụ cho dự án cao tốc đang thiếu nguồn cát san lấp.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Sóc Trăng cũng yêu cầu Ban Mỹ Thuận tiến hành rà soát coi thủ tục cấp phép (cát biển) như thế nào để được thăm dò, lấy mẫu thử nghiệm, tiến tới khai thác theo đúng quy định của pháp luật. “Nếu được phép khai thác cũng cần đánh giá kỹ tác động môi trường, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân”, ông Lâu đề nghị.

Trước đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, Ban Mỹ Thuận cũng xác nhận nguồn cát tại khu vực biển Sóc Trăng có trữ lượng rất lớn, có thể lên đến hàng tỷ m3. Vì vậy Ban đã đề nghị tỉnh Sóc Trăng cho phép đơn vị tư vấn tổ chức khảo sát thăm dò, đánh giá lại trữ lượng đồng thời lấy mẫu thí nghiệm để đánh giá chất lượng.

 

Tính đến thời điểm hiện nay, hầu hết các dự án về hạ tầng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, cát dùng để san lấp, đắp nền đều từ nguồn cát sông được khai thác dọc hai chi lưu lớn của sông Mekong là sông Tiền và sông Hậu, chủ yếu ở các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp và tổng sản lượng các mỏ đang khai thác còn thấp so với tổng trữ lượng hiện có ở các mỏ.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, bốn dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông khu vực dồng bằng sông Cửu Long, gồm các đoạn: Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Mỹ An - Cao Lãnh và An Hữu - Cao Lãnh sẽ đồng loạt triển khai. Theo ước tính, nhu cầu cát đắp nền các dự án này ước khoảng hơn 36 - 37 triệu m3.