08:05 21/06/2023

Thi tốt nghiệp THPT 2023: Gần 8.000 công chức, viên chức tham gia coi thi và chấm thi

Đỗ Như

Ngày 20/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông tin về công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo chung, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương.

Theo đó, các Hội đồng thi tổ chức coi thi trong các ngày 27, 28, 29 và 30/6/2023; chấm thi từ ngày 01/7/2023; công bố kết quả thi vào ngày 18/7/2023; hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp THPT chậm nhất ngày 20/7/2023.

HUY ĐỘNG 8.000 CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC THAM GIA COI THI VÀ CHẤM THI

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch số 754/KH-BGDĐT ngày 15/5/2023 về tập huấn thanh tra kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Thanh tra đã chuẩn bị đầy đủ tài liệu, biểu mẫu, sổ tay phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra thi; đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ cốt cán làm công tác thanh tra, kiểm tra thi đến từ 63 Sở giáo dục đào tạo và 133 cơ sở giáo dục trong cả nước với tổng số đại biểu 650 người;

Tập huấn nghiệp vụ công tác thanh tra, kiểm tra thi, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cho cán bộ công chức của Bộ; nghiệp vụ kiểm tra chấm thi cho 300 cán bộ, công chức, viên chức dự kiến bố trí tham gia đoàn kiểm tra công tác chấm thi, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của Bộ GDĐT.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục Đào tạo đã có văn bản phân công các cơ sở giáo dục đại học cử người tham gia các đoàn kiểm tra công tác coi thi tại các địa phương. Theo đó, huy động gần 8.000 cán bộ, viên chức các cơ sở giáo dục đại học để tổ chức 63 đoàn kiểm tra công tác coi thi của Bộ và 63 đoàn kiểm tra công tác chấm thi của Bộ tại 63 sở giáo dục đào tạo.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi. Toàn quốc có 2.273 điểm thi với 44.661 phòng thi.

Qua làm việc trực tiếp với 14 địa phương và báo cáo của 63 tỉnh/thành phố gửi về Ban Chỉ đạo cấp quốc gia cho thấy, các địa phương đã chủ động trong triển khai công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Các tỉnh/thành phố đã ban hành Chỉ thị về tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện đều được thành lập từ sớm và ban hành kế hoạch công tác, phân công, phân nhiệm rõ ràng trong Ban Chỉ đạo.

Ngoài triển khai theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Quy chế, hướng dẫn chung của Bộ các địa phương tuỳ theo điều kiện cụ thể còn có những chỉ đạo, hướng dẫn riêng để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện tổ chức Kỳ thi. Các địa phương cũng đều xây dựng kịch bản, phương án dự phòng các tình huống về thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, giao thông, phòng cháy chữa cháy, cung ứng điện… để kịp thời ứng phó, xử lý trong những ngày diễn ra Kỳ thi.

Đặc biệt các địa phương đều quan tâm chỉ đạo việc hỗ trợ cho thí sinh có điều kiện hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo không để bất kỳ thí sinh nào vì khó khăn kinh tế hay đi lại mà không thể tham gia Kỳ thi.

Cho tới thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang diễn ra bình thường và theo đúng kế hoạch.

CẦN BẢO ĐẢM AN TOÀN CÔNG TÁC IN SAO, VẬN CHUYỂN ĐỀ THI

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia tiếp tục tổ chức các đoàn làm việc với các địa phương về công tác chuẩn bị thi tổ chức thi; công tác coi thi và chấm thi. Đồng thời kết nối thường xuyên với Ban Chỉ đạo các địa phương để phối hợp tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Tiếp tục triển khai công tác truyền thông, gắn với các công việc cụ thể theo tiến trình tổ chức Kỳ thi. Huy động đội ngũ giáo viên trên toàn quốc triển khai công tác làm đề thi 15 môn và bàn giao cho các địa phương để triển khai công tác in sao đề thi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhấn mạnh, cần rà soát tổng thể các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ Kỳ thi: địa điểm in sao đề thi và triển khai công tác in sao đề thi; địa điểm lưu trữ bài thi; địa điểm làm phách; địa điểm chấm thi; hạ tầng công nghệ thông tin...

Công tác in sao, vận chuyển, lưu trữ đề thi cần bảo đảm an toàn tuyệt đối, bố trí khu vực in sao đề thi ba vòng độc lập đáp ứng an toàn, bảo mật theo đúng quy định của Quy chế.

Bên cạnh đó, thiết lập và cài đặt hệ thống trang thiết bị phục vụ chấm thi. Tổ chức chấm thi nghiêm túc, an toàn và hiệu quả. Gửi dữ liệu chấm thi về Bộ theo đúng tiến độ thời gian. Tổ chức xét công nhận tốt nghiệp chính xác.

Chủ động xây dựng phương án dự phòng các kịch bản tổ chức Kỳ thi nếu gặp các tình huống bất thường về thiên tai, dịch bệnh hoặc các vấn đề khác mà thường hay gặp hoặc dự báo có thể gặp.