10:35 30/06/2023

Thi tốt nghiệp THPT: “Không có việc trùng đề thi”

Đỗ Như

Trước ý kiến cho rằng đề thi môn Ngữ Văn trùng lặp với đề thi thử của địa phương, ông Đặng Ngọc Hà cho biết ban đề thi đã sử dụng nguồn dữ liệu rất lớn để kiểm tra, rà soát sự trùng lặp và khẳng định không có việc trùng đề...

GS Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng ban đề thi cấp quốc gia.
GS Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng ban đề thi cấp quốc gia.

Chiều 29/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.

KHÔNG CÓ VIỆC TRÙNG ĐỀ THI

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia cho biết, kỳ thi đã kết thúc tốt đẹp với sự chuẩn bị kỹ của các địa phương và bộ ngành liên quan với trên 250.000 cán bộ, giáo viên làm công tác thi.

Theo số liệu có 41 thí sinh đị đình chỉ thi (Ngữ văn: 12 thí sinh, Toán: 4 thí sinh; Khoa học tự nhiên: 11 thí sinh; Khoa học xã hội: 11 thí sinh; Ngoại ngữ: 03 thí sinh. Trong đó có 01 thí sinh mang và sử dụng tài liệu trong phòng thi, 40 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi). Ngoài ra, có 6 cán bộ coi thi bị dừng thực hiện nhiệm vụ.

Đặc biệt, có 40 trường hợp cán bộ, thí sinh chủ động phát hiện các thiết bị công nghệ cao (điện thoại, đồng hồ thông minh…). Có 1 thí sinh tại Vĩnh Phúc đã phát hiện và báo giám thị về 1 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi.

GS Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng ban đề thi cấp quốc gia, cho biết, thực hiện chỉ đạo, tinh thần của đề thi năm nay giữ ổn định cấu trúc năm 2022. Đề thi nằm trong chương trình chủ yếu lớp 12, không ra vào phần giảm tải, vượt quá chương trình. Đề thi có tính phân hóa tốt nhất trong nội hàm, nội dung thi tốt nghiệp.

“Năm nay, lần đầu tiên Bộ đưa vào quy trình kiểm soát phần có trùng lặp nội dung đã thi bằng cách sử dụng các phần mềm. Với việc áp dụng quy trình như vậy đã hạn chế nhiều phần trùng lặp. Tuy nhiên, hiệu quả biện pháp này còn phụ thuộc vào dữ liệu chúng ta có”, ông Hà thông tin.

Đề cập đến ý kiến môn Ngữ Văn có trùng lặp với đề thi thử ở Nghệ An, ông Hà cho biết, phần ngữ liệu bị trùng nhưng lệnh hỏi hoàn toàn khác nhau, điều này là bình thường.

“Vì cả chương trình học chỉ sử dụng được 15 tác phẩm, bắt buộc không thể ra đề khác 15 tác phẩm đấy, trong khi nhiều tỉnh thành sử dụng, thi thử. Điều quan trọng nhất là lệnh hỏi khác nhau. Chúng tôi khẳng định không có việc trùng đề", ông Hà cho hay.

Về một số ý kiến cho rằng đề thị môn Lịch sử, Tiếng Anh được đánh giá là dễ, phù hợp để xét tốt nghiệp nhưng lại khó phân hóa thí sinh, ông Nguyễn Ngọc Hà nhấn mạnh, việc ra đề thi phải đảm bảo tính công bằng với thí sinh. Tính công bằng thể hiện qua việc phải phân hóa được học sinh.

“Về cơ bản, năm nay cấu trúc đề thi có khoảng 50% ở mức độ nhận biết, 25% ở mức độ thông hiểu, 25% ở mức độ vận dụng, vận dụng cao”, ông Hà nói thêm.

Quang cảnh buổi họp báo.
Quang cảnh buổi họp báo.

Ông Hà cũng chia sẻ: “Chúng tôi sử dụng phần mềm, giống phần mềm chống đạo văn, nên cần có cơ sở dữ liệu, càng rộng thì việc đối sánh càng lớn. Phần mềm giúp phân tích hàng trăm trang tài liệu chỉ trong vài giây. Chúng tôi đã rà soát, loại bỏ được rất nhiều phần trùng lặp. Trong trường hợp không có phần mềm này lại có thể có đề Văn khác, trùng lặp lớn hơn”,

Đối với quy trình ra đề thi, cần phải đảm bảo công bằng cho thí sinh và đảm bảo độ phân hóa. Ông Hà cũng cho biết, rút kinh nghiệm từ sự cố đáng tiếc năm 2021 khi xảy ra vụ việc 2 giảng viên cố ý làm lộ đề thi, Bộ đã điều chỉnh quy trình để những người soạn đề, lựa chọn câu hỏi là khác nhau.

TĂNG CƯỜNG THANH TRA, GIÁM SÁT KHÂU CHẤM THI

Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi, xét công nghiệp tốt nghiệp THPT cho thí sinh và tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2023.

Các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và các đoàn kiểm tra chấm thi của Bộ sẽ thực hiện kiểm tra công tác chấm thi ở các Hội đồng thi trong suốt thời gian diễn ra hoạt động này để tăng cường tính nghiêm minh của công tác chấm thi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tự luận, chấm thi trắc nghiệm và phúc khảo bài thi bảo đảm đúng quy chế và hướng dẫn, có camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ.

Tăng cường củng cố hạ tầng công nghệ thông tin để việc công bố kết quả thi được thuận lợi, không xảy ra tình trạng nghẽn mạng; đồng thời, sẵn sàng hỗ trợ thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sau khi có kết quả thi.

Triển khai xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh bảo đảm đúng quy chế; trong đó, tập trung rà soát kỹ thông tin dữ liệu đăng ký thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.