11:03 17/12/2008

Thị trường dầu 2008: Đỉnh cao và vực sâu

Kiều Oanh

Năm 2008, chưa bao giờ thế giới lại chứng kiến mức trồi sụt giá dầu lớn đến vậy trong một thời gian ngắn

Một giếng dầu tại Bahrain, đất nước nhiều tài nguyên dầu mỏ tại khu vực Trung Đông. Giá dầu giảm là một tia sáng hiếm hoi của kinh tế thế giới trong “đêm đen” khủng hoảng - Ảnh: AP.
Một giếng dầu tại Bahrain, đất nước nhiều tài nguyên dầu mỏ tại khu vực Trung Đông. Giá dầu giảm là một tia sáng hiếm hoi của kinh tế thế giới trong “đêm đen” khủng hoảng - Ảnh: AP.
Năm 2008, chưa bao giờ thế giới lại chứng kiến mức trồi sụt giá dầu lớn đến vậy trong một thời gian ngắn.

Đây chắc chắn là một năm lịch sử của thị trường dầu thô, khi mà giá “vàng đen” đạt đỉnh cao mọi thời đại 147,27 USD vào tháng 7, để rồi sau đó rớt một mạch hơn 100 USD/thùng, tương đương mức giảm hơn 70%, trong vòng có 4 tháng, về ngưỡng 40 USD/thùng.

Biểu đồ giá dầu thế giới năm 2008 có hình thù một quả núi với đỉnh “nhọn hoắt”. Hai bên “đỉnh núi” này là hai sườn dốc: sườn bên trái cho thấy sự đi lên liên tục, nhưng không quá gấp của giá dầu trong thời gian từ đầu năm tới giữa tháng 7; sườn bên phải phản ánh sự lao dốc mạnh của giá dầu trong khoảng thời gian còn lại của năm.

Biểu đồ này cũng có thể được dùng để miêu tả tâm trạng của các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn trên thế giới như các nước trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga trong năm 2008 này. Đó là sự hưng phấn khi giá dầu liên tục lập kỷ lục trước khi đạt đỉnh, và trạng thái hoang mang, lo lắng, thậm chí là bất lực trước việc giá nhiên liệu này gần như “mất phanh” kể từ khi kỷ lục mọi thời đại được xác lập.

Dựa trên biểu đồ này, người viết xin nhìn lại thị trường dầu thế giới năm 2008 theo hai giai đoạn là trước và sau ngày 11/7 - thời điểm giá dầu thô ngọt nhẹ tại thị trường New York đạt đỉnh 147,27 USD/thùng.

Giai đoạn 1: Leo thang không biết mệt

Sau khi tăng liên tục từ giữa năm 2007, giá dầu đã gây sốc khi mở đầu năm 2008 bằng việc lần đầu tiên trong lịch sử chạm mốc 100 USD/thùng - mốc giá chưa từng có kể từ khi mặt hàng này được đưa vào giao dịch kỳ hạn tại thị trường New York vào năm 1983.

Kể từ đó tới ngày giữa tháng 7, giá dầu thế giới liên tiếp lập kỷ lục để rồi sau đó lại phá vỡ. Giá dầu là một sản phẩm từ sự kết hợp phức tạp nhiều yếu tố, nhưng nhìn chung, ở giai đoạn này, giá dầu thế giới được đẩy lên bởi 6 yếu tố dưới đây:

Thứ nhất là hoạt động của giới đầu cơ dầu lửa. Đây là lý do mà các nhà quan sát và cả các nước xuất khẩu dầu cho là có ảnh hưởng mạnh nhất tới sự leo thang mạnh mẽ của giá dầu trong năm nay. Sự phát triển năng động của các nền kinh tế đang nổi lên như Trung Quốc, Ấn Độ…, sự vững vàng của kinh tế châu Âu, và cuộc khủng hoảng tài chính chưa tác động quá nghiêm trọng tới kinh tế Mỹ… khiến các nhà đầu cơ cho rằng, giá dầu sẽ còn tăng dài dài. Bởi vậy, lượng dầu được họ găm giữ là rất lớn.

Trước việc giá dầu lần lượt chinh phục các mốc 110 USD/thùng, 120 USD/thùng, 130 USD/thùng, 140 USD/thùng, rồi ngấp nghé mức 150 USD/thùng, các nước tiêu thụ dầu đã liên tục lên tiếng kêu gọi OPEC tăng sản lượng để hạ nhiệt giá dầu. Tuy nhiên, OPEC đã nhiều lần phớt lờ lời thỉnh cầu của thế giới, cho rằng thế giới được cung cấp đủ dầu và giá dầu tăng chẳng qua do hoạt động đầu cơ. Trên thực tế, trong năm nay, OPEC cũng đã có một số lần tăng sản lượng khai thác, nhưng với mức tăng chỉ như muối bỏ bể.

Thứ hai, giá dầu được hỗ trợ bởi sự mất giá của đồng USD. Nhiều nhà quan sát cho rằng, sự lệch pha trong chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cộng với sự tương phản giữa hai bức tranh kinh tế Mỹ và châu Âu, đã dẫn tới sự mất giá mạnh của USD trong thời gian nửa đầu năm nay, và như thế, gián tiếp ảnh hưởng tới giá dầu.

Lo ngại sự lan rộng của khủng hoảng nợ dưới chuẩn, FED liên tục hạ lãi suất USD. Trong khi đó, với việc chống lạm phát là mục tiêu số một, ECB chủ trương duy trì lãi suất đồng Euro ở mức cao. Bên cạnh đó, dưới tác động của khủng hoảng, kinh tế Mỹ liên tục phát đi những dữ liệu đáng lo ngại, còn ở châu Âu, do khủng hoảng còn ở xa, các chỉ số kinh tế vẫn hết sức khả quan, ngoài việc lạm phát tăng cao.

Sự trái chiều này đẩy USD xuống mức thấp kỷ lục so với Euro là 1 Euro đổi được 1,6038 USD vào ngày 15/7. Do dầu được định giá bằng USD, tỷ giá USD càng thấp thì giá dầu càng cao và ngược lại.

Ở đây, giới phân tích còn nhận thấy một “vòng luẩn quẩn” trong vấn đề tỷ giá đồng USD và giá dầu. Giá dầu cao làm kinh tế Mỹ càng khó khăn vì nước này vốn đã phải đương đầu với khủng hoảng, khiến FED càng phải hạ lãi suất và hy sinh mục tiêu chống lạm phát. Tuy nhiên, giá dầu càng tăng lại khiến lạm phát ở châu Âu càng có nguy cơ tăng mạnh, buộc ECB phải giữ chủ trương lãi suất  cao. Như vậy, USD càng mất giá so với Euro, làm giá dầu càng tăng thêm.

Thứ ba, xung đột vũ trang và bất ổn chính trị tại một số khu vực trên thế giới cũng là một “động cơ” khác cho “tên lửa” giá dầu. Những sự kiện chính trị có tác động mạnh nhất tới giá “vàng đen” trong năm nay phải kể tới xung đột giữa Mỹ và Iran xung quanh chương trình hạt nhân của Iran, vụ ám sát cựu Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto, tình hình bất ổn ở nước sản xuất dầu lớn nhất châu Phi Nigeria, xung đột Nga - Grudia…

Mỗi khi tình hình tại các khu vực này có những diễn biến xấu đi là thị trường dầu thế giới lại chứng kiến một phiên tăng giá mạnh. Cụ thể, kỷ lục 147,27 USD/thùng của giá dầu đã được thiết lập đúng vào ngày mà giới đầu tư lo ngại Israel có thể tấn công Iran, làm gián đoạn hoạt động vận chuyển dầu qua Vịnh Ba Tư.

Thứ tư, các dự báo giá dầu cũng có ảnh hưởng đáng kể tới diễn biến giá trên thị trường giao dịch mặt hàng này. Giữa lúc giá dầu đang tăng mạnh, nhiều tổ chức như ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ cho rằng, giá dầu sắp sửa đạt tới mức 200 USD/thùng, hoặc thậm chí là hơn do nhu cầu dầu của thế giới, nhất là các nền kinh tế đang nổi lên sẽ tăng mạnh. Các dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu của thế giới trong năm nay và năm tới ở thời điểm đó đều ở mức cao.

Cơ sở của các dự báo này là tốc độ tăng trưởng năng động của kinh tế Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều nền kinh tế đang nổi lên khác. Ở thời điểm đó, kinh tế Trung Quốc vẫn tăng với tốc độ hai con số, sau khi tăng 11,9% trong năm 2007, và nước này đặt nhiệm vụ hàng đầu là “hạ nhiệt” tăng trưởng.

Trong giai đoạn “sốt” giá dầu, những dự báo như vậy chẳng khác gì “thêm dầu vào lửa”.
 
Thứ năm, sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán thế giới, nhất là thị trường chứng khoán Mỹ, dưới tác động của khủng hoảng tín dụng, đã thúc đẩy giới đầu tư chuyển một lượng vốn lớn sang thị trường hàng hóa để tìm kiếm mức lợi nhuận cao hơn. Trên thị trường này, cùng với vàng, dầu thô là một trong hai kênh đầu tư được lựa chọn nhiều hơn cả.
 
Thứ sáu là một số yếu tố khác như tình hình thời tiết mưa bão trên vịnh Mexico - khu vực khai thác dầu chính của Mỹ, mùa cao điểm lái xe ở Mỹ, thông tin về dự trữ nhiên liệu của nước này, các vụ đình công tại một số cơ sở khai thác dầu lớn, các chỉ số kinh tế của các nền kinh tế lớn…
 
Việc giá dầu tăng không ngừng tới giữa tháng 7 năm nay là nỗi lo của người tiêu dùng khắp thế giới, đẩy vấn đề lạm phát lên vị trí hàng đầu trong số những mối bận tâm của các nhà hoạch định chính sách. Cùng với khủng hoảng tài chính, giá dầu cao là “cú đấm kép” giáng vào nền kinh tế Mỹ tới giữa mùa hè năm nay.
 
Tuy nhiên, đây lại là “vận đỏ” đối với các nước xuất khẩu dầu lớn và các công ty dầu lửa. Nguồn “đôla dầu lửa” đã giúp Nga có trong tay khoản dự trữ ngoại hối 600 tỷ USD tính tới cuối quý 3 vừa qua. Riêng trong năm 2007, xuất khẩu dầu và khí đốt đã đem lại cho nước này 240 tỷ USD, góp phần đưa Nga trở thành một “hiện tượng” của kinh tế toàn cầu.

Về phần mình, các nước Vùng Vịnh chứng minh sự thịnh vượng của mình qua những dự án xây dựng khổng lồ, nhất là những tòa nhà chọc trời ở Dubai, và những vụ đầu tư và thâu tóm trong nhiều lĩnh vực khắp thế giới. Bất động sản và tài chính ở Mỹ là hai “lãnh địa” mà các nhà đầu tư tỷ phú của thế giới Arab chú ý nhiều nhất trong năm qua.

Giá dầu cao đã giúp các hãng dầu lửa đạt lợi nhuận chót vót trong hai quý đầu năm. Lợi nhuận của hãng dầu lửa lớn nhất thế giới Exxon của Mỹ trong quý 2 tăng thêm 14% so với cùng kỳ, đạt mức 11,68 tỷ USD, vượt mức kỷ lục trước đó của chính hãng là 11,66 tỷ USD vào quý 4 năm ngoái. Đây cũng là mức lợi nhuận hàng quý cao nhất mà một công ty Mỹ từng đạt được. Tính ra cứ mỗi phút, “đại gia” này kiếm được 90.000 USD.

Thị trường dầu 2008: Đỉnh cao và vực sâu - Ảnh 1
Biểu đồ giá dầu thế giới tính từ ngày 3/12/2007 đến ngày 15/12/2008 dựa trên giá dầu kỳ hạn đóng cửa tại thị trường New York - Nguồn: WTRG.

Giai đoạn 2: Tìm đáy
 
Ngay sau ngày lập “đỉnh” hơn 147 USD/thùng, giá dầu thế giới đã bắt đầu một quá trình “dò đáy” tới nay chưa có điểm dừng. Ở giai đoạn thứ hai này, thị trường dầu thế giới ghi nhận một kỷ lục mới, ngược lại với những gì diễn ra ở giai đoạn thứ nhất: Chỉ trong vòng khoảng 4 tháng, giá dầu đã sụt tới hơn 100 USD/thùng, tương đương hơn 70%, đánh dấu năm sụt giảm mạnh chưa từng có của nhiên liệu này.

Nguyên nhân đẩy giá dầu lao dốc ở giai đoạn này nhìn chung là những yếu tố trái ngược với những gì đã hỗ trợ giá dầu ở giai đoạn trước đó. Có thể thấy, giá dầu giảm thời kỳ này vì 4 nguyên nhân sau:

Thứ nhất, thời kỳ đầu cơ hàng hóa đã đi vào hồi kết. Cuộc khủng hoảng tài chính leo thang và lan rộng ra phạm vi toàn thế giới đã trở thành nỗi lo chính của mọi quốc gia. Tới quý 4/2008, ba nền kinh tế hàng đầu của thế giới là Mỹ, Nhật Bản và châu Âu đã lần đầu tiên rơi vào suy thoái kể từ Đại chiến Thế giới thứ hai.

Có thể nói, các mối lo của kinh tế thế giới năm 2008 đã chuyển từ vấn đề lạm phát cao và tăng trưởng nóng ở thời kỳ đầu năm, tới vấn đề lạm phát cao và tăng trưởng giảm tốc ở giữa năm, tới vấn đề giảm phát và suy thoái ở cuối năm.

Sự giảm tốc kinh tế khiến các loại hàng hóa mất dần địa vị là một kênh đầu tư hấp dẫn và giới đầu tư vì thế đã bán đổ bán tháo các loại nguyên liệu thô mà họ nắm giữ. Tính đến ngày 5/12 vừa qua, chỉ số giá Reuters/Jefferies CRB Index của 19 loại nguyên vật liệu thô, trong đó có vàng và dầu thô, đã giảm 35% trong năm nay. Trong đó, sụt giảm mạnh nhất vẫn là giá dầu.

Nguyên nhân thứ hai là sự phục hồi của đồng USD. Sự chao đảo của thị trường toàn cầu đã thúc đẩy giới đầu tư tổ chức ở Mỹ rút  vốn về nước. Bên cạnh đó, khủng hoảng cũng thúc đẩy các nhà đầu tư quốc tế đổ vốn mạnh vào trái phiếu Chính phủ Mỹ - kênh đầu tư siêu an toàn. Mặt khác, tương quan kinh tế xấu đi của châu Âu tạo cơ sở cho sự thoái lui của đồng Euro. Thêm nữa, tình trạng thắt chặt tín dụng khiến USD trở nên khan hiếm. Những yếu tố này đã giúp USD lên giá mạnh so với Euro trong một thời gian.

Thứ ba, do thua lỗ trầm trọng trên thị trường chứng khoán và kẹt tiền mặt nghiêm trọng, giới đầu tư quốc tế phải bán ra các loại hàng hóa để có tiền bù lỗ. Thời gian này, sự đi xuống của chứng khoán thường tạo áp lực mất giá cho hàng hóa, trong đó có dầu, thay vì là một yếu tố hỗ trợ như trước đây.

Thứ tư, các dự báo giá dầu lúc này đã được điều chỉnh giảm mạnh. Việc các nền kinh tế hàng đầu suy thoái và các nền kinh tế đang nổi lên, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, và Nga, cũng phát đi những tín hiệu đáng lo ngại như sản xuất công nghiệp và xuất khẩu giảm tốc mạnh, niềm tin giới doanh nghiệp sa sút… đã khiến giới quan sát không thể duy trì dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu và giá dầu cao như trước đây.

Hồi giữa tháng 11, sau nhiều lần liên tiếp hạ mức dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cắt giảm dự báo nhu cầu dầu năm 2009 thêm 670.000 thùng so với dự báo trước đó. Theo đó, IEA cho rằng, nhu cầu dầu toàn cầu năm tới sẽ chỉ tăng 0,4%, lên mức 86,5 triệu thùng/ngày.

Một báo cáo do Merrill Lynch công bố mới đây thậm chí còn cho rằng, giá dầu có thể giảm xuống mức 25 USD/thùng trong năm tới nếu như kinh tế Trung Quốc cũng "co" lại.

Ở giai đoạn này, giá dầu giảm là một tia sáng hiếm hoi của kinh tế thế giới trong “đêm đen” khủng hoảng. Có nhà phân tích đã ước tính, giá dầu cứ giảm 10 USD/thùng thì chi tiêu nhiên liệu của nước Mỹ sẽ giảm khoảng 70 tỷ USD/năm.

Tuy nhiên, sự sụt giảm này lại là vấn đề đau đầu nhất của OPEC hiện nay. Khi giá dầu giảm xuống dưới 100 USD/thùng hồi đầu tháng 9, nhóm này đặt mục tiêu giá sàn của dầu phải là 100 USD/thùng. Nhưng sau đó, giá dầu liên tục trượt và trong cuộc họp hồi tháng 10, các quan chức của OPEC lại tuyên bố, họ sẽ làm mọi cách để giữ giá dầu ở mức 75 USD/thùng. Tuy nhiên, sang đầu tháng 12, giá dầu chỉ còn có 40 USD/thùng.

Giới quan sát nhận định, OPEC dường như đang “bất lực” trong việc ngăn đà trượt giảm của giá dầu. Họ so sánh thất bại này của OPEC với thất bại của chính khối này cách đây đúng 10 năm. Vào năm 1998, sự dư thừa của sản lượng dầu thô đã khiến giá nhiên liệu này giảm 61% so với mức đỉnh, còn có 10,35 USD/thùng. Các chuyên gia thậm chí cho rằng, vai trò của OPEC đối với giá dầu giờ đây chỉ còn ở mức rất hạn chế.

Ngày 17/12 này, OPEC lại nhóm họp để bàn biện pháp ngăn chặn giá dầu sụt giảm xa hơn. Giới phân tích dự báo, mức cắt giảm sản lượng lần này của OPEC có thể dao động trong khoảng 2 - 4 triệu thùng/ngày.

Tới lúc này, cùng với khủng hoảng tài chính, giá dầu giảm lại trở thành một “cú đấm kép” giáng vào kinh tế Nga và nhiều nước OPEC. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Nga bị đe dọa nghiêm trọng. Trong vòng 2 tháng 10 và 11, dự trữ ngoại hối của Nga đã sụt giảm mất gần 100 tỷ USD do Chính phủ liên tục phải can thiệp để giữ giá đồng Rúp và hỗ trợ hệ thống ngân hàng. Ở Vùng Vịnh, các dự án bất động sản lớn cũng gặp khó do thiếu vốn.

Sự tụt giảm của giá dầu cũng khiến lợi nhuận và giá cổ phiếu của các hãng dầu khí sụt mạnh theo. Đáng ngại hơn, cũng vì lý do này, nhiều dự án tìm kiếm và khai thác các nguồn dầu mới cũng bị đình lại.