16:00 05/01/2023

Thị trường điều chỉnh mở ra cơ hội đầu tư hấp dẫn cho cổ phiếu ngân hàng

Sang nửa sau năm 2023, khi triển vọng trở nên tươi sáng hơn, cổ phiếu những ngân hàng có bộ đệm vốn vững chắc và có tỷ trọng cho vay bất động sản cũng như trái phiếu doanh nghiệp lớn trong danh mục tín dụng sẽ là lựa chọn hấp dẫn...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Đây là nhận định được Công ty Chứng khoán VNDirect đưa ra trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng mới nhất.

VNDirecho cho biết, sức khỏe nội tại các ngân hàng đã được cải thiện hơn nhiều so với trước đây. Đồng thời, ngành ngân hàng vẫn được hưởng lợi nhiều nhất từ câu chuyện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn.

Do đó, định giá của ngành ở mức thấp lịch sử là 1,1 lần P/B năm 2023 (tương đương -2 độ lệch chuẩn trung bình 3 năm) đang tạo ra một cơ hội đầu tư dài hạn hết sức hấp dẫn.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu giữ giữ lập trường thận trọng đối với triển vọng ngành ngân hàng trong nửa đầu năm 2023 do căng thẳng thanh khoản và rủi ro trái phiếu doanh nghiệp vẫn hiện hữu. Khoảng 46 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào nửa đầu năm 2023 sẽ là một phép thử lớn cho hệ thống tài chính.

"Trong giai đoạn biến động này, chúng tôi ưu tiên các ngân hàng có khả năng phòng thủ trước những biến động (quản trị rủi ro tốt và cho vay bất động sản hạn chế), điển hình như VCB và ACB", nhóm nghiên cứu VNDirect nêu quan điểm.

Tuy nhiên, khi sang nửa sau năm 2023, VNDirect kỳ vọng kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng sẽ ổn định hơn khi áp lực lãi suất và tỷ giá bắt đầu giảm bớt, cùng lúc với việc thanh khoản được cải thiện nhờ nhà nước đẩy mạnh các gói đầu tư công. Một khi triển vọng trở nên tươi sáng hơn, chúng tôi có phần ưu tiên những ngân hàng có định giá hấp dẫn, bộ đệm vốn vững chắc và có tỷ trọng cho vay bất động sản cũng như trái phiếu doanh nghiệp lớn trong danh mục tín dụng, điển hình như TCB và VPB.

Trong giai đoạn nhiều biến động như hiện tại, nhà đầu tư sẽ có phần “dè chừng” đối với những cổ phiếu như TCB và VPB. Tuy vậy, đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, bất động sản cũng như trái phiếu doanh nghiệp đều là những lĩnh vực còn nhiều tiềm năng và sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong những năm tới. Và những ngân hàng nói trên sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển mạnh mẽ này.

Thị trường điều chỉnh mở ra cơ hội đầu tư hấp dẫn cho cổ phiếu ngân hàng - Ảnh 1

Nói thêm về triển vọng kinh doanh của ngành ngân hàng trong năm 2023, nhóm nghiên cứu tại VNDirect cho rằng sóng gió vẫn tiếp diễn. 

Điển hình nhất, việc Ngân hàng Nhà nước tăng mạnh 2,0 điểm phần trăm lãi suất điều hành sẽ tác động tiêu cực đến NIM của các ngân hàng khi chi phí vốn tăng và lãi suất cho vay khó có thể theo kịp. 

Thậm chí, VNDirect tin rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt trong năm 2023- 2024 trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn nhiều biến động.

"NIM của CTG, TCB, TPB, và VPB giảm nhiều nhất so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2022. Với CTG, NIM giảm chủ yếu do việc ngân hàng đã tiếp tục các gói hỗ trợ lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Với TCB và TPB, tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp giảm trong bối cảnh thị trường gặp khó đã ảnh hưởng xấu đến NIM (trái phiếu doanh nghiệp thường có lãi suất cao hơn các khoản vay thông thường). Với VPB, tăng trưởng tín dụng yếu ở FE Credit đã làm giảm lợi suất sinh lời (asset yield) và NIM", VNDirect nêu rõ trong báo cáo.

Thị trường điều chỉnh mở ra cơ hội đầu tư hấp dẫn cho cổ phiếu ngân hàng - Ảnh 2

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục khó khăn sẽ tác động xấu lên chất lượng tài sản cũng như tình hình thanh khoản của các ngân hàng. 

Thực tế, kể từ quý 2/2022, Chính phủ đã giám sát chặt chẽ thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nghị định 65 nhằm thắt chặt hơn các quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp cuối cùng đã được ban hành. Những chỉ thị này sẽ khuyến khích hơn việc phát hành ra công chúng, cải thiện chất lượng của các tổ chức phát hành và tính bền vững của thị trường non trẻ này trong dài hạn.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường đã chứng kiến hàng loạt vụ điều tra, trong đó có nhiều trường hợp phát hành sai mục đích/sai quy định, và một số lãnh đạo cấp cao bị bắt giữ. Điều này đã làm mất lòng tin của nhà đầu tư đối với các tổ chức phát hành và dẫn đến sự “tẩy chay” trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Hơn nữa, các ngân hàng có liên quan nhiều đến trái phiếu doanh nghiệp cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực, khi rủi ro tín dụng gia tăng và thu nhập từ phí (hoạt động bảo lãnh phát hành và phân phối trái phiếu) giảm.

Nhìn chung, VNDirect dự báo tăng trưởng lợi nhuận của ngành sẽ giảm tốc và đạt 10-11% so với cùng kỳ trong năm 2023-24 (từ mức 32% so với cùng kỳ năm 2022) do tăng trưởng tín dụng chậm lại, NIM thu hẹp và chi phí tín dụng tăng.