Thị trường giằng co, cổ phiếu chứng khoán tiếp tục lao dốc
Sau phiên xả đột biến hôm qua, áp lực bán có tín hiệu giảm đi trong phiên cuối tuần, nhưng sức mạnh bên mua cũng không có khả năng áp đảo. Thị trường giằng co trọn phiên với độ rộng cân bằng và chỉ số vẫn chưa thể đột phá. Nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục chịu ảnh hưởng từ những lo ngại hệ thống KRX có thể chậm tiến độ...
Sau phiên xả đột biến hôm qua, áp lực bán có tín hiệu giảm đi trong phiên cuối tuần, nhưng sức mạnh bên mua cũng không có khả năng áp đảo. Thị trường giằng co trọn phiên với độ rộng cân bằng và chỉ số vẫn chưa thể đột phá. Nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục chịu ảnh hưởng từ những lo ngại hệ thống KRX có thể chậm tiến độ.
VN-Index chốt phiên cuối tuần tăng 0,26%, tương đương +2,95 điểm. Mặc dù phần lớn thời gian chỉ số này xanh, nhưng cũng có tới 2 nhịp giảm xuống dưới tham chiếu. Các cổ phiếu trụ giao dịch kém ổn định là nguyên nhân chính.
Trong số 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của VN-Index, có 4 mã xanh, nhưng chỉ BID tăng 3,2% là đáng kể. Ngược lại VCB giảm 0,32%, GAS giảm 0,39%, VHM giảm 0,13%, VPB giảm 0,25%, FPT giảm 0,11% là lý do khiến đà tăng rất yếu. Chỉ số phải phụ thuộc nhiều vào nhóm cổ phiếu tầm trung như MSN tăng 4,25%, mã này đứng thứ 13 sàn HoSE về vốn hóa. Hay như MWG tăng 4,28%, VRE tăng 2,41%, PLX tăng 1,42%, LPB tăng 2,19%, REE tăng 2,07%... Các mã này còn chưa lọt Top 20.
Dù vậy thị trường không phải là xấu khi duy trì được độ cân bằng ở cổ phiếu. Các trụ dao động thất thường trong phiên khiến VN-Index đánh võng liên tục. Ngay cả khi chỉ số kém nhất, độ rộng vẫn thể hiện khả năng cân bằng. Chẳng hạn nhịp đỏ đầu tiên của chỉ số lúc 10h sáng, VN-Index có 177 mã tăng/196 mã giảm. Nhịp đỏ thứ hai tạo đáy lúc 2h25 chiều, độ rộng là 203 mã tăng/292 mã giảm. Kết phiên sàn HoSE có 283 mã tăng/221 mã giảm.
Trạng thái phân hóa này khiến thị trường có thể đem lại cảm giác khác nhau. Nếu nhà đầu tư nắm giữ trúng các mã mạnh, thị trường đang khá tích cực trên nền thanh khoản trung bình. Ngược lại, nếu nắm giữ các mã đang chịu áp lực lớn, diễn biến trồi sụt tạo cảm giác cổ phiếu đang bị phân phối.
Nhóm chứng khoán là ví dụ rõ nhất, hôm nay vẫn duy trì mức thanh khoản lớn nhưng giá không tăng nổi. SSI giảm 0,76% với 591 tỷ đồng, VND giảm 1,36% với 457,8 tỷ, VIX giảm 1,43% với 414,6 tỷ đều là các mã thuộc Top 10 thanh khoản cao nhất thị trường phiên này. Không chỉ vậy, hàng chục cổ phiếu khác thuộc nhóm này cũng đỏ, từ MBS, BSI, SHS giảm trên 2% tới nhóm nhỏ hơn như FTS, PSI, ORS, VDS, VCI… giảm quanh 1%. Toàn nhóm này chỉ có 4 mã tăng là HAC tăng 4,65%, CSI tăng 1,29%, TVB tăng 1,17% và HCM tăng 0,49%. Trong số này chỉ HCM là thanh khoản đáng tin cậy, còn lại giao dịch quá nhỏ, thậm chí chỉ khớp vài lệnh.
Ngoài nhóm chứng khoán, hiện tượng phân hóa đang khiến các nhóm cổ phiếu khác xanh đỏ đan xen. Nhìn chung yếu tố cung cầu tại các mã cụ thể đang phát huy tác dụng hơn là xu hướng nhóm ngành. Ví dụ bất động sản hay ngân hàng, không có mẫu số chung nào về tăng giảm.
Dù vậy khi nhìn một cách tổng thể, thị trường hôm nay giao dịch ổn định và không xấu. Không phải lúc nào giá cũng có thể tăng mạnh hay sôi động. Giai đoạn lình xình đi ngang và phân hóa chính là thời gian cung cầu cân bằng. Phiên này trong 283 mã xanh, cũng chỉ có 69 mã tăng trên 1%, thanh khoản nhóm này 20,1% tổng giá trị khớp sàn HoSE. Trong 221 mã đỏ, có 82 mã giảm hơn 1%, thanh khoản chiếm 27,7%. Như vậy đại đa số cổ phiếu là dao động trong biên độ hẹp.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay đã hạ nhiệt, dù vẫn bán ròng tới 452 tỷ đồng trên HoSE. Đáng chú ý là có sự cải thiện với giao dịch bán tập trung vào số ít cổ phiếu hơn các phiên trước. Cụ thể, hầu hết mức rút vốn ròng là do VHM -247,8 tỷ đồng, STB -87,8 tỷ, VNM -76,6 tỷ, VCB -62,1 tỷ, HPG -34,6 tỷ, MSN -26,2 tỷ, SHB -23 tỷ, FUEVFVND -83 tỷ. Như vậy tuần này tổng giá trị bán ròng trên sàn HoSE lên tới gần 3.957 tỷ đồng, trong đó bán riêng cổ phiếu là 3.441 tỷ đồng. Tính theo đơn vị tuần, đây là mức bán ròng kỷ lục kể từ đầu tháng 3/2022.