16:22 10/01/2023

Thị trường lao động tiếp tục phục hồi trong quý 4/2022 nhưng tốc độ chậm dần

Anh Nhi

Theo Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân của người lao đông trong quý 4/2022 tiếp tục tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước…

Thị trường lao động quý 4/2022 phục hồi nhưng với tốc độ chậm dần.
Thị trường lao động quý 4/2022 phục hồi nhưng với tốc độ chậm dần.

Phát biểu tại buổi công bố báo cáo tình hình lao động việc làm quý 4/2022 và năm 2022, ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết nhiều chỉ số của thị trường lao động quý 4/2022 đã tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, mức tăng này đang có dấu hiệu chậm lại.

Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 4 năm 2022 là 52,1 triệu người, cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây, tăng 0,2 triệu người so với quý trước và tăng gần 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này thấp hơn so với mức tăng 0,5 triệu người, 0,4 triệu người và 0,3 triệu người đạt được trong các quý 1,2 và 3/2022.

Lực lượng lao động theo quý giai đoạn 2020-2020. Đ/vị: triệu người.
Lực lượng lao động theo quý giai đoạn 2020-2020. Đ/vị: triệu người.

Lao động có việc làm vẫn tiếp tục tăng tuy nhiên tốc độ tăng chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Tổng cục Thống kê cho biết tình trạng thiếu đơn hàng dịp cuối năm do tác động của tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn, giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao, buộc các nước Châu Âu phải cắt giảm chi tiêu, mua sắm vào dịp cuối năm, cùng với đó lãi suất và tỷ giá tăng vọt khiến các doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn và buộc phải cắt giảm lao động.

“Điều này làm giảm tốc độ tăng lao động trong quý  năm nay chỉ còn 0,5%, thấp hơn mức tăng gần 1% đạt được của cùng kỳ năm 2019”, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) phân tích.

Theo đó, lao động trong khối doanh nghiệp có dấu hiệu sụt giảm chỉ còn 13,67 triệu người (thấp hơn so với 13,68 triệu người trong quý 3/2022).

Cũng theo ông Phạm Hoài Nam, mặc dù tình hình thiếu việc làm của người lao động giảm so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên khác với xu hướng các năm trước đây khi chưa chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, quý 4 là thời điểm các doanh nghiệp và người lao động triển khai tăng ca, làm cho tỷ lệ thiếu việc làm của quý 4 thường có xu hướng thấp nhất trong năm thì năm nay, tỷ lệ ở quý này bị đẩy cao hơn so với quý trước.

Số lao động có việc làm quý 3 và 4, giai đoạn 2019-2022. Đ/vị: nghìn người.
Số lao động có việc làm quý 3 và 4, giai đoạn 2019-2022. Đ/vị: nghìn người.

Cụ thể, số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý 4/2022 là khoảng 898,2 nghìn người, tăng 26,5 nghìn người so với quý trước và giảm 566,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý này là 1,98%, tăng 0,06 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,39 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, mặc dù, quý 4/2022, thu nhập bình quân của lao động trong một số ngành kinh tế tiếp tục tăng trưởng dương, nhưng với tốc độ tăng trưởng chậm lại so với quý 3 năm 2022 như: thu nhập bình quân của lao động ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống có mức thu nhập bình quân là 6,7 triệu đồng, tăng 3,1%, tương ứng tăng khoảng 200 nghìn đồng; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lao động có mức thu nhập bình quân là 7,6 triệu đồng, tăng 1,2%, tương ứng tăng 89 nghìn đồng.

Về triển vọng năm 2023, ông Nguyễn Trung Tiến cho rằng trước biến động của thị trường quốc tế và trong nước, một số ngành kinh tế gặp nhiều khó khăn, dẫn đến phải cắt giảm việc làm. Do đó, tình hình những quý tới có thể khó khăn hơn.

“Do vậy, ưu tiên hiện nay là tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp”, ông Tiến nhấn mạnh.