10:35 04/05/2009

Thị trường ngày lễ: Ở nhà mua sắm khoẻ hơn

Khá nhiều người đã tranh thủ ngày nghỉ để đi mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại như thú vui thay vì đi du lịch

Những biện pháp kích cầu mua sắm tiêu dùng bằng phương thức giảm giá mạnh trên giá trị mặt hàng thu hút được người tiêu dùng Tp.HCM mua sắm mạnh tại các siêu thị và trung tâm mua sắm trong dịp lễ 30/4 và 1/5.2009 - Ảnh: Lê Quang Nhật
Những biện pháp kích cầu mua sắm tiêu dùng bằng phương thức giảm giá mạnh trên giá trị mặt hàng thu hút được người tiêu dùng Tp.HCM mua sắm mạnh tại các siêu thị và trung tâm mua sắm trong dịp lễ 30/4 và 1/5.2009 - Ảnh: Lê Quang Nhật
Thời tiết không thuận tiện: mưa, người dân lại đổ xô đi du lịch ngoại tỉnh, nhưng với một đô thị dân số tám triệu người, hoạt động mua sắm vẫn sôi động.

Điện máy bán được hàng

Không có hiện tượng chen lấn, xô đẩy… nhưng các trung tâm bán lẻ điện máy, điện thoại di động, linh kiện máy tính… tại Tp.HCM cho biết đều bán được hàng, mức độ tăng tuỳ theo ngành hàng, thấp nhất là 30% nhưng cũng có nơi tăng 150%.

Ông Liên An Thạch, giám đốc kinh doanh hệ thống điện máy Chợ Lớn cho biết, trong bốn ngày lễ (tính đến chiều hôm qua 3/5), hệ thống này có khoảng 25.000 lượt khách tham quan và mua sắm, doanh số tăng gấp đôi so với tuần lễ trước đó. Trong đó, siêu thị Chợ Lớn là nơi có nhiều khách tham quan và doanh thu cao nhất hệ thống, chiếm 25 – 30%. Dù không có được thông tin từ hệ thống Nguyễn Kim, Ideas nhưng qua quan sát, lượng khách đến những hệ thống trên cũng đông hơn và mua nhiều hàng hơn.

“Giá đừng mưa sẽ bán được nhiều hàng hơn”, ông Lê Quang Vu, phó tổng giám đốc hệ thống bán lẻ điện thoại di động và máy tính Viễn Thông A nhận xét. Theo ông Vu, bốn ngày lễ, doanh số tăng 30%, đặc biệt, những điểm bán lẻ của Viễn Thông A tại Big C và Co.opmart có doanh số tăng gấp đôi so với những ngày bình thường. “Sức mua tăng mạnh nhất là từ ngày 29/4 – 2/5, riêng ngày hôm qua sức mua đã trở lại với nhịp bình thường”, ông Vu cho biết thêm. Theo bà Mai Thị Trinh, phòng tiếp thị của Thế Giới Di Động, trong bốn ngày lễ, doanh số bán hàng tăng vọt: 150%.

Siêu thị nhiều khách đến

Khá nhiều người đã tranh thủ ngày nghỉ để đi mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại như thú vui thay vì đi du lịch. Phương (Quận.11, Tp.HCM) nói: “Nghe nói nhiều người đi chơi xa nên sợ kẹt xe, bị chặt chém. Nên tôi ở nhà mua sắm. Đợt này nhiều nơi giảm giá…”.

Bà Bùi Thị Hạnh Thu, Phó tổng giám đốc hệ thống Co.opmart cho biết: “Trong những ngày lễ, doanh thu của hệ thống Co.opmart tăng khoảng 30% so với cùng kỳ. Hoá đơn mua sắm của khách hàng đạt bình quân khoảng 300.000 – 400.000đồng. Khách hàng đi siêu thị chủ yếu mua hàng hoá theo nhu cầu của gia đình như thực phẩm, đồ dùng gia dụng, sau đó mới mua những món hàng thiết yếu cho nhu cầu cá nhân như giày dép, áo mưa, dầu gội…”.

Tương tự như vậy, trong khi các shop thời trang đóng cửa hoặc vắng khách thì trung tâm thương mại Zen Plaza có doanh thu trong các ngày nghỉ lễ tăng đến 19,5% so cùng kỳ. Bà Triệu Hương Giang, Phó tổng giám đốc Zen Plaza cho biết: “Nếu so với mọi năm trước luôn trên 30%, mức tăng doanh thu dịp nghỉ lễ năm nay thấp hơn. Nhưng trong bối cảnh sức mua chung thị trường thấp, đây là tín hiệu đáng mừng”.

Giải thích hiện tượng sức mua tăng bất ngờ tại các siêu thị lớn, trung tâm thương mại, ông Thạch phân tích: “Dựa theo tâm lý mua sắm của người tiêu dùng mà chúng tôi tổ chức chương trình bán hàng giảm giá trong những ngày lễ. Đây là dịp mua sắm và cũng là điểm đến cho những ai không có điều kiện đi du lịch”.

Mùa nghỉ lễ bình yên

Bốn ngày nghỉ lễ tại Tp.HCM diễn ra trong không khí êm ả, bình yên, đường phố ít xe lưu thông. Các nhà hàng quán ăn, tụ điểm văn hoá giải trí, các khu du lịch Đầm Sen, Suối Tiên, Thảo Cầm Viên… đông khách hơn ngày thường, nhưng không có tình trạng quá tải.

Giá cả hàng hoá và dịch vụ tương đối ổn định. Nguồn cung thực phẩm tươi sống, rau củ quả ổn định nên giá thịt, cá, tôm, trái cây… vẫn không tăng.

Điểm khác biệt, dễ nhận thấy nhất trong dịp nghỉ lễ này so với năm ngoái, là khá nhiều cửa hàng trên đường phố và sạp chợ đóng cửa nghỉ bán cả hai ngày 30/4 và 1/5. Không ít cửa hàng đóng cửa, cho nhân viên nghỉ hết ngày chủ nhật. Bà Nguyễn Thị Lan, tiểu thương chợ Bến Thành cho biết: “Ngoại trừ khu bán thực phẩm nhộn nhịp khách mua vào buổi sáng, còn lại các khu quần áo, vải sợi, giày dép khá yên ắng do nhiều sạp nghỉ bán, khách đi chợ mua sắm cũng không tăng nhiều nên những sạp nào có mở cửa cũng chẳng có cơ hội tăng doanh thu”.

Đến sáng ngày 2/5, nhiều cửa hàng nhỏ đã mở cửa kinh doanh lại, nhưng do mưa và khách đi du lịch chưa về nên nhịp điệu mua sắm trên đường phố và các chợ vẫn khá lặng lẽ…

* Đi du lịch bị chặt chém


Thành phố vừa trải qua đợt nắng nóng, nên du lịch biển được nhiều người chọn và các điểm du lịch ngắn ngày như Nha Trang, Phan Thiết, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Giờ đều quá tải.

Giá thuê phòng khách sạn tại Vũng Tàu đã tăng 50% so với ngày thường nếu đặt trước. Với khách vãng lai, các khách sạn ở khu vực bãi Trước, bãi Sau biển Vũng Tàu giá gấp từ 3 - 5 lần so với ngày thường. Phòng máy lạnh khách sạn bình dân có nơi giá thuê lên đến 1 triệu đồng/phòng/ngày, gấp năm lần so với ngày thường.

Nhiều nhóm đi xe máy đến Vũng Tàu vào sáng sớm 30/4 đã chuyển hướng đi sang khu vực Long Hải, Lộc An, Hồ Cốc lại rơi vào tình trạng bi đát hơn, vì toàn bộ khu vực đều quá tải và giá cả bị nâng vô tội vạ. Khu vực sát bãi biển Long Hải, giá thuê phòng quạt dùng toalét chung cũng đã lên tới 350.000 đồng/phòng, phòng máy lạnh bình dân 900.000 đồng/phòng. Tại Lộc An, nhà dân được bày biện lại thành phòng cho thuê với giá lên tới 400.000 đồng/phòng. Giá cao nhưng nhiều du khách đã “lỡ” đi, không thể ngủ ngoài trời.

Từ một tháng trước, tất cả các khu du lịch ven biển Phan Thiết; các khách sạn, nhà nghỉ trung tâm thành phố đã thông báo hết chỗ. Nhưng theo các hãng lữ hành, họ để dành phòng để “chém” khách vãng lai. Các khách sạn, nhà nghỉ nội thành Phan Thiết phổ biến tăng hơn 100%, có nơi tăng 200%. Nha Trang cũng xuất hiện tình trạng làm giá tương tự…

Gia Vinh - Minh Thành (SGTT)