09:40 24/11/2016

Logistics Việt Nam và cơ chế một cửa quốc gia

Nhật Bình - Hồng Vân

“Hiện tại, ngành hải quan đang phối hợp với các bộ, ngành để triển khai mở rộng cơ chế một cửa quốc gia cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”

Ông Âu Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan
Ông Âu Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan
“Hiện tại, ngành hải quan đang phối hợp với các bộ, ngành để triển khai mở rộng cơ chế một cửa quốc gia cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”, ông Âu Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết bên lề Diễn đàn Logistics Việt Nam 2016, diễn ra tại Tp.HCM ngày 24/11.

Ông Tuấn giải thích chi tiết:

- Nghĩa là các bộ, ngành có liên quan đến thủ tục cấp phép cho hàng hóa theo phương tiện hoặc liên quan đến kiểm tra chuyên ngành thì được tham gia vào cơ chế một cửa này, và cơ chế này cho phép hải quan có thể ngồi tại nhà gửi tất cả các thông tin đến hệ thống và hệ thống các bộ, ngành sẽ xử lý và trả lại kết quả cho người khai, thay vì phải đến tận các cơ quan quản lý Nhà nước để nộp. 

Đồng thời, kết quả sẽ có trên hệ thống để các cơ quan khác có thể tra. 

Ví dụ, giấy phép hải quan không cần nộp bản chính, chỉ cần điền số giấy phép vào thôi thì hải quan có thể tra trên hệ thống một cửa xem có đúng số giấy phép này được cấp cho lô hàng này không, nếu đúng thì thông quan ngay, và như vậy sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian.

Hỗ trợ, nhưng vẫn phải kiểm soát

Năm nay, Diễn đàn Logistics Việt Nam do Bộ Công Thương và các cơ quan phối hợp tổ chức lần thứ 4 tại Tp.HCM. Là một thành viên tham dự diễn đàn, ông có nhận xét gì về các phản hồi của doanh nghiệp logistics tại đây? 

Theo tôi, diễn đàn là một cơ hội rất tốt cho phía các cơ quan Chính phủ gặp gỡ và trao đổi với các doanh nghiệp logistics xuất nhập khẩu nói chung. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp logistics phản ánh lại những vướng mắc, khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện, bao gồm cả vấn đề liên quan đến chính sách, sửa đổi văn bản. 

Về phía hải quan, thông qua diễn đàn này, chúng tôi cũng đã thu nhận được rất nhiều thông tin hữu ích để có thể cải thiện được hoạt động của mình, nâng cao năng lực hoạt động, rút ngắn thời gian thông quan. 

Thời gian vừa qua, chúng tôi cũng nhận được rất nhiều phản ánh của doanh nghiệp liên quan đến vướng mắc khi thực hiện những văn bản mới thông qua những diễn đàn cũng như các cuộc đối thoại, nhờ đó phía hải quan cũng kịp thời ban hành những văn bản để điều chỉnh phù hợp. 

Trường hợp khi nhận các phản hồi vướng mắc liên quan đến các bộ, ngành khác, phía hải quan cũng đã tổng hợp và phối hợp với các bộ, ngành, kiến nghị việc sửa đổi, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động logistics. 

Tuy nhiên, sự phối hợp và hỗ trợ này vẫn trên tinh thần hải quan có thể kiểm soát được, và trách nhiệm của các doanh nghiệp cũng phải cung cấp đầy đủ thông tin để cơ quan hải quan thực hiện tốt hoạt động kiểm soát của mình. 

Trên cơ sở đó, nếu doanh nghiệp tuân thủ tốt, cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan hải quan thì sẽ được tạo thuận lợi một cách tối đa, để dồn nguồn lực vào các đối tượng tập trung rủi ro cao hoặc có những vấn đề liên quan đến buôn lậu và gian lận thương mại.

Đơn giản hơn

Tại diễn đàn lần này, thông điệp được ngành hải quan nhấn mạnh là gì, thưa ông?

Chúng tôi muốn nhấn mạnh tới các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại theo các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, cũng như theo yêu cầu về đơn giản hóa các thủ tục để tạo thuận lợi cho ngành logistics.
 
Về khung pháp lý, có 3 nội dung được chú ý. 

Một là, rà soát và hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến logistics do hoạt động logistics liên quan rất nhiều các lĩnh vực khác như: cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, ví dụ hạ tầng cảng biển, hàng không, đường bộ, đường sắt... 

Hai là, liên quan đến các vấn đề về chính sách của các bộ, ngành, đặc biệt là liên quan đến thủ tục hải quan. 

Ba là, cơ chế phối hợp của các bộ, ngành.

Tại diễn đàn, chúng tôi đã kiến nghị các bộ, ngành để xem xét sửa văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động logistics. 

Đây cũng là tinh thần của Nghị quyết 19 của Chính phủ liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh nâng tầm cạnh tranh quốc gia.

Bên cạnh đó, những văn bản pháp luật liên quan đến hạ tầng giao thông hoặc các phương thức vận tải cũng được kiến nghị sửa theo hướng đơn giản hơn.