14:45 30/09/2015

“Thiên thời, địa lợi, nhân hoà” cho nhà đầu tư vào Việt Nam

Duy Cường

Kinh tế Việt Nam có những lúc thăng trầm, nhưng cơ hội đang quay trở lại

700 nhà đầu tư đến từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tham dự Diễn đàn Đầu tư toàn cầu tại Việt Nam, diễn ra sáng 30/9 tại Hà Nội.
700 nhà đầu tư đến từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tham dự Diễn đàn Đầu tư toàn cầu tại Việt Nam, diễn ra sáng 30/9 tại Hà Nội.
“Có thể nói đây là một thời điểm thiên thời - địa lợi - nhân hoà cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam”.

Quan điểm nhận được nhiều tràng pháo tay này được ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) - đưa ra tại Diễn đàn Đầu tư toàn cầu tại Việt Nam, với sự có mặt của 700 nhà đầu tư đến từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, diễn ra sáng 30/9 tại Hà Nội.

“10 năm trước các nhà đầu tư mong muốn nhiều điều để có thể đầu tư vào Việt Nam thì nay đã có đủ cả. Với ngành non trẻ nhất là ngành tài chính, hôm nay Thủ tướng cũng đã cam kết sẽ xây dựng và hoàn thiện những chính sách cho ngành phát triển. Kinh tế phát triển ổn định, rủi ro thấp, khủng hoảng sẽ không tác động nhiều đến kinh tế Việt Nam”, ông Hưng nói.

Khó khăn thành cơ hội

Phát biểu trước cộng đồng nhà đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhìn nhận, các chỉ số vĩ mô của Việt Nam hiện đều tốt. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh phải kìm chế lạm phát những năm qua vẫn trên 5%, và tăng dần qua các năm.

“Nếu không có gì đặc biệt, thì GDP năm nay chắc chắn sẽ vượt 6,5%”, ông Vinh nói.

Cũng theo người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2015, Việt Nam phải hoàn thành mục tiêu kinh tế 5 năm giai đoạn 2011-2015 trong khó khăn, trong đó vấn đề khủng hoảng Nga - Ukraine hay khủng hoảng nợ công châu Âu ảnh hưởng đến nhu cầu xuất khẩu. Hay những khó khăn khi giá dầu giảm. Rồi bất lợi với chính sách tỷ giá và sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc. Nhưng Việt Nam đã có những chính sách hợp lý để biến khó khăn thành cơ hội, theo Bộ trưởng Vinh.

Cùng có góc nhìn tích cực, ông Tony Shale, Tổng giám đốc Phụ trách châu Á của Euromoney Institutional Investor, nói Việt Nam đã liên tục duy trì tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đi xuống, và quan trọng là đang trở thành một thị trường hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài - một điểm đến của các tập đoàn lớn trên thế giới.

Việc nới tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài (room), tăng tốc quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cũng cho thấy cam kết mở cửa và hội nhập sâu rộng của Việt Nam, đại diện Euromoney nhìn nhận.

Mở rộng hơn nữa

Là người có mặt ở Việt Nam từ năm 1992, ông Peter R. Ryder, Tổng giám đốc Indochina Capital cho biết, ông ngạc nhiên với sự phát triển của Việt Nam trong 23 năm có mặt tại đây.

Ông dùng từ “phi thường” để nói về tốc độ tăng trưởng và thành quả Việt Nam đạt được trước cộng đồng nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đánh giá về thị trường bất động sản, ông cho rằng từ 2013 thị trường này đã hồi phục dần dần và 2014 hồi phục mạnh hơn. “Tuy nhiên, Việt Nam đang trải qua giai đoạn mà Singapore đã từng trải qua, nên chúng ta phải nhìn vào dài hạn, chứ không nên nhìn ngắn hạn”, ông nói.

Cũng liên quan tới bất động sản, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh: chính sách mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài mua nhà ở Việt Nam vẫn chưa đủ, và tiến tới Việt Nam còn cho phép mua bán tự do hơn nữa.

“Mọi người đều có thể mua bán bất động sản, không phân biệt nhà đầu tư nào. Xu hướng là Việt Nam sẽ mở rộng thị trường bất động sản”, Bộ trưởng Vinh chia sẻ quan điểm.

Còn theo ông Jonathan Choi, chủ tịch tập đoàn Sunwah, kinh tế Việt Nam có những lúc thăng trầm, nhưng cơ hội đang quay trở lại.

“Dòng vốn FDI và các nhà đầu tư nước ngoài đang quay trở lại Việt Nam. Điều quan trọng là gần đây Việt Nam có mối quan hệ khá tốt với các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản… Có nhiều cơ hội để Việt Nam mở rộng đầu tư với chính sách kinh tế theo hướng thị trường”, ông nói.

Ở góc nhìn về thị trường tài chính, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SSI nói: “Trước kia, chúng ta phải dựa nhiều vào nguồn vốn ODA, nhưng tôi muốn lượng vốn này ít đi để có thể chấp nhận tìm nguồn vốn mới, qua đó góp phần giảm hệ số ICOR trong đầu tư”.