Thiếu nỗ lực, doanh nghiệp sẽ đứng ngoài "cuộc chơi"
Nhìn chung thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp còn kéo dài, chưa cải cách nhiều
Chính sách hỗ trợ thì đã có, nhưng một phần vì thủ tục chưa linh hoạt phần vì nền tảng quản trị và nguồn lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa quá yếu nên nhiều khi đành đứng ngoài "cuộc chơi".
Doanh nhân Ngô Đa Thọ, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Masan Brewery Phú Yên, Chủ tịch Hội doanh nghiêp tỉnh Phú Yên tâm tư như thế khi trao đổi với VnEconomy.
Thưa ông, trong bối cảnh phát triển kinh tế năm nay được đánh giá rất lạc quan, kết quả sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Phú Yên có tốt hơn không?
Hội doanh nghiệp Phú Yên chúng tôi hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp, chủ yếu là nhỏ và vừa, một số doanh nghiệp vừa có doanh thu mỗi năm khoảng 1000- 2000 tỷ.
Kết quả hoạt động năm nay khá tốt, thể hiện ở con số ngân sách khá hơn, 400 doanh nghiệp thành lập mới, giải thể ngừng hoạt động giảm bớt, chỉ còn vài chục.
Kết quả này theo ông có tác động từ nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh trên bình diện cả nước không?
Cơ chế, chính sách đã có thay đổi theo hướng cởi trói, tháo gỡ cho doanh nghiệp tư nhân phát triển nhưng doanh nghiệp vừa và nhỏ nhiều khó khăn. Khó khăn nội tại là sức phát triển của họ, nền tảng quản trị và nguồn lực quá yếu, tự thân họ cũng chưa bắt kịp với xu thế đổi mới, chưa hội nhập được sâu rộng lắm nên họ chưa thấy tác động rõ nét.
Ví dụ như tiếp cận tín dụng, hiện nay quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của Phú Yên đã ra đời rồi nhưng các dự án của các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa đủ điều kiện để tiếp cận nên họ vẫn đứng ngoài cuộc chơi. Một phần do doanh nghiệp không chịu vươn lên để minh bạch hoá hoạt động sản xuất kinh doanh để tiếp cận nguồn lực. Phần khác là thủ tục hành chính, quy định của nhà nước cũng chưa linh hoạt lắm nên hai bên, giữa doanh nghiệp và nhà nước chưa gặp nhau.
Nhìn chung thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp còn kéo dài, chưa cải cách nhiều, một số chính sách chậm đi vào cuộc sống do ứng xử của đội ngũ thừa hành không chuyên nghiệp, gây chậm trễ khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chi phí không chính thức có phải là vấn đề của doanh nghiệp Phú Yên không? thưa ông?
Hàng năm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vẫn điều tra để đánh giá năng lực cạnh tranh các tỉnh thì ở Phú yên chỉ số này tôi thấy giảm, tất nhiên chưa triệt để hẳn nhưng xu thế là ngày càng giảm.
Doanh nghiệp của tôi cũng không bị vòi vĩnh gì khi đến các cơ quan công quyền.
Chính phủ khẳng định luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nhưng vẫn có nhận xét "trên trải thảm, dưới trải gai", ở Phú Yên thì lãnh đạo trải thảm hay trải gai cho doanh nghiêp, thưa ông?
Ban lãnh đạo mới của Phú Yên rất đổi mới quyết liệt trong phục vụ cộng đồng doanh nghiệp, họ tạo môi trường cởi mở và gần gũi và doanh nghiệp có thể gặp bất cứ lúc nào, gấp quá thì kể cả qua điện thoại cũng được.
Hội doanh nghiệp cũng tổ chức cà phê doanh nhân tháng 1 lần, đề đạt kiến nghị khó khăn thì lãnh đạo tỉnh cũng sẵn sàng tháo gỡ.
Vậy hiện nay doanh nghiệp Phú Yên có còn nhiều khó khăn không, nếu có thì khó khăn lớn nhất là gì?
Cấp phép chủ trương đầu tư chậm, giải phóng mặt bằng vướng rất nhiều. Theo quy định của Luật Đất đai hiện hành thì doanh nghiệp phải thương lượng với dân khi giải phóng mặt bằng khiến cho nhiều dự án không giải quyết được, thành ra thời gian kéo dài, mất cơ hội đầu tư.
Được biết doanh nghiệp của ông sản xuất bia với quy mô lớn, ông có "sợ" Luật Phòng chống tác hại của rượu bia (sắp có hiệu lực) không?
Chúng tôi cũng đã lường trước tác động của những quy định về quảng cáo, tiếp thị và thông qua Hiệp hội chuyên ngành có ý kiến về những vấn đề này.
Riêng việc cấm hoàn toàn rượu bia khi lái xe thì tôi tuyệt đối ủng hộ, uống bia, rượu phải có trách nhiệm và phải kiểm soát được. Hiệp hội Bia rượu nước giải khát cũng có chương trình hành động rõ ràng để tuyên truyền việc lạm dụng rượu bia.