10:41 08/05/2009

“Thở phào” với kết quả kiểm tra năng lực tài chính ngân hàng Mỹ?

Mai Phương

Chủ tịch FED nhận định, kết quả kiểm tra này sẽ giúp trấn an giới đầu tư về tính lành mạnh của hệ thống tài chính Mỹ

Bank of America là ngân hàng đứng đầu trong danh sách 10 ngân hàng phải tăng vốn, với 34,9 tỷ USD - Ảnh: Bloomberg.
Bank of America là ngân hàng đứng đầu trong danh sách 10 ngân hàng phải tăng vốn, với 34,9 tỷ USD - Ảnh: Bloomberg.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 7/5 đã công bố chính thức kết quả kiểm tra năng lực tài chính tại 19 ngân hàng lớn nhất nước này. Theo đó, 10 ngân hàng bị yêu cầu phải tăng vốn thêm tổng số tiền 74,6 tỷ USD.

Chủ tịch FED Ben Bernanke nhận định, kết quả kiểm tra này sẽ giúp trấn an giới đầu tư về tính lành mạnh của hệ thống tài chính Mỹ. “Kết quả công bố ngày hôm nay sẽ giúp giới đầu tư và dư luận nói chung cảm thấy thoải mái hơn. Các nhà chức trách nhận thấy rằng, gần như tất cả các ngân hàng được đánh giá đều có đủ vốn cấp 1 (Tier 1 capital) để hấp thụ những khoản thua lỗ lớn hơn như được dự báo trong kịch bản kinh tế tồi tệ nhất”, ông Bernanke khẳng định trong một bản tuyên bố.

Đây là cuộc kiểm tra năng lực tài chính đầu tiên mà Chính phủ Mỹ từng tổ chức nhằm vào 19 ngân hàng lớn nhất nước này. Kết quả của cuộc kiểm tra này đã mở ra lối thoát cho một số ngân hàng trong quan hệ căng thẳng giữa Phố Wall và Chính phủ Mỹ. Còn lại, những ngân hàng buộc phải tăng vốn sẽ có 6 tháng để bù đắp cho khoản vốn mà họ đang thiếu hụt.

Trong đó, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ Bank of America (BoA) phải huy động thêm 34,9 tỷ USD; Wells Fargo phải huy động thêm 13,7 tỷ USD; Citigroup cần thêm 5,5 tỷ USD; Morgan Stanley phải có thêm 1,8 tỷ USD; GMAC (bộ phận tài chính của hãng xe General Motors) cần thêm 11,5 tỷ USD; Fifth Third Bancorp cần 1,1 tỷ USD; KeyCorp cần 1,8 tỷ USD, PNC Financial Services Group cần 600 triệu USD; Regions Financial Corp cần 2,5 tỷ USD; và SunTrust Bank cần 2,2 tỷ USD.

Các nhà chức trách và các lãnh đạo nhà băng đều dự báo rằng, hầu hết các ngân hàng sẽ có đủ khả năng để bổ sung số vốn cần thiết thông qua các nguồn vốn tư nhân, bằng con đường bán lại tài sản hoặc chuyển đổi cổ phiếu ưu đãi sang cổ phiếu phổ thông. Tuy vậy, vẫn chưa thể loại trừ khả năng những ngân hàng này phải nhận thêm vốn từ Chính phủ Mỹ, qua đó cổ phần của Chính phủ trong những ngân hàng này tăng lên, dẫn tới những thay đổi lớn trong ban lãnh đạo.

Hiện Wells Fargo và Morgan Stanley đều đã công bố kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để huy động lượng vốn trên. Về phần mình, Banh of America cho hay, ngân hàng này không có ý định chuyển đổi cổ phiếu ưu đãi của Chính phủ đang nắm giữ tại đây sang cổ phiếu phổ thông. Nếu Bank of America làm vậy, cổ phần của Chính phủ liên bang trong ngân hàng này sẽ được tăng thêm.

Các ngân hàng không cần phải tăng vốn bao gồm Goldman Sachs Group Inc., JPMorgan Chase & Co., Bank of New York Mellon Corp., MetLife Inc., American Express, State Street Corp., BB&T Corp., US Bancorp và Capital One Financial Corp.

“Với sự minh bạch mà thông báo ngày hôm nay đem tới, chúng tôi hy vọng các ngân hàng sẽ trở lại với đúng chức năng của mình”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner phát biểu.

Kết quả kiểm tra cũng cho thấy, trong kịch bản kinh tế xấu nhất, thua lỗ tại 19 ngân hàng này có thể lên tới 599,2 tỷ USD trong vòng 2 năm tới, tương đương với 9,1% tổng các khoản cho vay của họ, một tỷ lệ cao nhất từ năm 1921 tới nay. Thua lỗ ở mảng cho vay địa ốc chiếm phần lớn trong số này, với 185,5 tỷ USD. Mảng giao dịch ở các ngân hàng trên là lĩnh vực chịu áp lực lớn thứ hai, với mức lỗ có thể lên tới 99,3 tỷ USD.

Kịch bản xấu nhất mà các nhà chức trách Mỹ đưa ra là tỷ lệ thất nghiệp tại nước này lên tới 10,3% vào năm tới, kinh tế tăng trưởng âm 3,3% và giá nhà sụt giảm thêm 22%. Tuy nhiên, các nhà chức trách cũng kết luận, ít có khả năng xảy ra kịch bản này. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong tháng 4 này là 8,5% và có thể đạt đỉnh ở 9% trong tháng 5.

Theo một cuộc điều tra do hãng tin Bloomberg tiến hành, đa phần các nhà dự báo đều tin rằng, GDP của Mỹ sẽ giảm 2,5% trong năm nay, tỷ lệ thất nghiệp bình quân 8,9% trong năm 2009 và 9,4% trong năm 2010.

Các nhà phân tích đều chung nhận định, viễn cảnh kinh tế Mỹ trong vòng khoảng một tháng trở lại đây đã sáng hơn nhiều. Nhiều chỉ số kinh tế mới công bố thời gian qua như chi tiêu của người tiêu dùng, niềm tin của người tiêu dùng, doanh số thị trường địa ốc và các điều kiện tín dụng đều cho thấy nền kinh tế nước này đang bình ổn trở lại và có thể phục hồi nhẹ vào đầu năm tới.

Cuộc kiểm tra này còn chứng minh một điều rằng các nhà chức trách Mỹ có thể đánh giá nhanh chóng những rủi ro trong hệ thống tài chính nước này, khi mà các nhà làm luật của chính quyền Tổng thống Obama đang cân nhắc một cuộc đại cải tổ quy chế quản lý hệ thống tài chính Mỹ trong năm nay, trong đó minh bạch là vấn đề mà ông Bernanke và các nhà chức trách khác luôn nhấn mạnh.

Cuộc kiểm tra này xuất phát từ lời kêu gọi mà ông Bernanke và cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson khi còn đương chức đưa ra hôm 17/9/2008. Trước đó hai ngày, ngân hàng đầu tư Lehman Brothers đã phá sản và các nhà chức trách Mỹ phải tiếp quản hãng bảo hiểm khổng lồ AIG. Theo các nhà chănhgfức trách, 19 ngân hàng được kiểm tra chiếm tới 2/3 tổng tài sản và hơn 1/2 tổng số tiền cho vay trong hệ thống tài chính Mỹ.

(Theo Bloomberg, New York Times)