04:07 15/10/2010

Thời điểm có hiệu lực của Thông tư 19 đã hợp lý?

Minh Đức

Thông tư 19 sửa đổi một số điều của Thông tư 13 do Ngân hàng Nhà nước ban hành đã hợp lý về thời điểm có hiệu lực hay chưa?

Bản Thông tư 19 công bố trên cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước, cùng ngày ký ban hành (27/9/2010).
Bản Thông tư 19 công bố trên cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước, cùng ngày ký ban hành (27/9/2010).
Thông tư 19 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư 13 do Ngân hàng Nhà nước ban hành đã hợp lý về thời điểm có hiệu lực hay chưa?

Theo tin của báo Pháp luật Tp.HCM, ngày 12/10, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Hồng Sơn có văn bản gửi Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đề nghị hai cơ quan này xem xét tính hợp pháp của hai thông tư vừa ban hành.

Đó là Thông tư số 116/2010/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 137/2009/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 33/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu do Bộ Tài chính ban hành; và Thông tư số 19/2010/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2010/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước ban hành, quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Đề nghị trên tập trung ở việc xem xét quy định về thời điểm có hiệu lực của hai thông tư này.

Nguyên do là theo khoản 1, Điều 78 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, “thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật được quy định trong văn bản nhưng không sớm hơn bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành”.

Trong hai thông tư trên, Thông tư 19 của Ngân hàng Nhà nước thu hút sự chú ý của thị trường thời gian qua. Thông tư này được ban hành vào ngày 27/9/2010 và có quy định hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/2010, tức chưa đảm bảo thời hạn tối thiểu 45 ngày như quy định trên của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nhưng cũng tại Điều 78 (đoạn 2, khoản 1) của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định: “Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật quy định các biện pháp thi hành trong tình trạng khẩn cấp, văn bản được ban hành để kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai, dịch bệnh thì có thể có hiệu lực kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành nhưng phải được đăng ngay trên trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành và phải được đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng; đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi chung là Công báo) chậm nhất sau hai ngày làm việc, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành”.

Một yếu tố được xét đến là Thông tư 19 được ban hành khi đối tượng điều chỉnh của nó - Thông tư 13 - chỉ còn 3 ngày nữa là có hiệu lực thi hành (từ 1/10/2010). Vậy có thể xem đây là văn bản được ban hành “trong tình trạng khẩn cấp” hay không?

Cũng tại đoạn 2, khoản 1, Điều 78, có quy định phải đăng Công báo chậm nhất sau hai ngày làm việc, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành.

Thông tư 19 được công bố trên trang thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước ngay sau khi ban hành, cùng trong ngày 27/9/2010. Thế nhưng, tra cứu Công báo các số 568, 569, 570, 571 và 572 trong các ngày làm việc 28, 29 và 30/9 sau đó không thấy Thông tư số 19/2010/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.

Ở vướng mắc này, câu hỏi đặt ra là trường hợp Thông tư 19 liệu có chiếu theo quy định tại khoản 2 Điều 78 của Luật không? Bởi ở khoản 2 Điều 78 quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng Công báo; văn bản quy phạm pháp luật không đăng Công báo thì không có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước và các trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều này”.

Có thể đó là những điểm cần xác định, mà theo đó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật có đề nghị xem xét tính hợp pháp của Thông tư 19, cũng như cần sự giải thích cụ thể của Ngân hàng Nhà nước.