22:57 21/11/2022

Thời gian thực hiện thủ tục đăng ký và cấp sổ đỏ đã giảm từ 5- 25 ngày

Nhĩ Anh

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên cả nước đã có 60/63 tỉnh, thành phố thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai. Điều này đã giúp đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa ngành Quản lý đất đai, thực hiện mạnh mẽ việc cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống văn phòng đăng ký đất đai năm 2022, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận cơ bản được bảo đảm đúng quy định. Thời gian thực hiện thủ tục đăng ký và cấp Giấy chứng nhận đã giảm từ 5- 25 ngày so với trước đây. Thời gian giải quyết hồ sơ giao dịch về đất đai đảm bảo đạt trên 97% (so với tổng kết năm 2021 là 95%).

Việc cung cấp thông tin cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu được tăng lên. Số thủ tục hành chính đã được lồng ghép hoặc liên thông chỉ còn 41 thủ tục (giảm 21 thủ tục so với địa phương chưa thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai).

Đồng thời, thời gian giải quyết thủ tục đã được rút ngắn từ 15- 45% so với trước đây. Số ngày giải quyết hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất là cá nhân, hộ gia đình từ 5 ngày xuống còn 3 ngày làm việc. Quy trình cung cấp dịch vụ được minh bạch và trách nhiệm hơn, từ đó cải thiện sự tham gia và phản hồi tích cực từ các bên liên quan.

 
Nghị quyết 18-NQ/TW đặt mục tiêu “Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông”, đồng thời định hướng định hướng tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực các tổ chức dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai...

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, trong quá trình tổ chức, hoạt động hiện nay của hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục để đáp ứng yêu cầu trong công cuộc chuyển đổi số Quốc gia nhằm thực hiện giải quyết tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, đáp ứng công tác quản lý vận hành và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.

Theo Cục Đăng ký đất đai, hiện Văn phòng và các chi nhánh chưa được giao đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong việc thực hiện tất cả các công việc mang tính dịch vụ công liên quan đến đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (công việc phục vụ cho quản lý Nhà nước hoặc cho nhu cầu của người sử dụng đất); gây khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng đến chất lượng công việc, kéo dài thời gian và tăng thêm chi chí thực hiện và làm cho tính chuyên nghiệp của hệ thống cơ quan đăng ký đất đai chưa được phát huy triệt để.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của hệ thống Văn phòng phần lớn các địa phương còn rất thiếu về số lượng và nhiều cán bộ chuyên môn còn yếu năng lực, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Ngoài ra, theo quy định hiện hành, các Chi nhánh Văn phòng không phải là một tổ chức pháp nhân độc lập mà là đơn vị trực thuộc Văn phòng hoạt động theo cơ chế phụ thuộc (chịu sự quản lý chung về nhân lực, tài chính, tài sản của Văn phòng). Tuy nhiên, Chi nhánh Văn phòng có một số thẩm quyền, nhiệm vụ và chịu trách nhiệm độc lập so với Văn phòng (thực hiện các thủ tục đăng ký đất đai, xác nhận thay đổi vào giấy chứng nhận, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai đối với các trường hợp của hộ gia đình, cá nhân) dẫn tới một số bất cập…

Do đó, Cục đăng ký đất đai cho rằng, đã đến lúc cần xem xét đánh giá cụ thể hoạt động của hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai nhằm khắc phục những tồn tại hiện nay của hệ thống này trên cả nước, phù hợp với xu thế quản lý đất đai của các nước tiên tiến trên thế giới, đáp ứng yêu cầu của hệ thống đăng ký đất đai hiện đại, hiệu quả.