10:56 07/03/2007

Thời hội nhập, tư duy “hạn điền” phải đổi mới

Hồ Khánh Thiện

Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc phải đổi mới tư duy "người cày có ruộng" và "hạn điền" thích hợp với hoàn cảnh mới

Diện tích được mở rộng, Hà Tây lên ngôi “vua” đậu tương đông ở phía Bắc.
Diện tích được mở rộng, Hà Tây lên ngôi “vua” đậu tương đông ở phía Bắc.
Hiện nay, cả nước đang có tới 70 triệu thửa ruộng manh mún, bình quân mỗi hộ nông dân chỉ có 0,7 ha đất canh tác.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Phó chủ tịch thường trực Hội các ngành sinh học Việt Nam và là Chủ nhiệm chương trình Tự nguyện đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào hộ nông dân, tỏ ra lo lắng cho thực trạng trên. Ông nói: "Chúng ta chủ trương đến năm 2020 sẽ trở thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại. Từ nay đến đó chỉ một khoảng thời gian rất ngắn, lao động trong nông nghiệp phải tụt xuống chỉ còn khoảng 23% (công nghiệp 47%, dịch vụ 30%), cơ cấu kinh tế chỉ còn 10% thuộc về nông nghiệp (trong khi công nghiệp 52%, dịch vụ 38%).

Làm thế nào để đạt được các chỉ tiêu này? Đây là một bài toán khó. Vì phải chuyển khoảng 50% lao động nông nghiệp hiện nay sang các ngành kinh tế khác và phải qui tụ ruộng đất lại để có thể cơ giới hoá các khâu canh tác và thu hoạch”.

Đổi mới cách nhìn "người cày có ruộng"

Không phải bây giờ, mà từ những năm 2000 do mở rộng sản xuất, bức xúc về thiếu nguyên liệu, nên Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đã cho cán bộ đi về các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hoá, Hoà Bình, Nam Định... thuê hàng chục ha đất trồng dưa chuột, ngô bao tử.

Học tập cách làm này, 2-3 năm gần đây ở Hà Tây xuất hiện ngày càng nhiều hộ nông dân thuê đất làm đậu tương đông. Hộ thuê ít 5-10 ha, nhiều 50-100 ha. Nhờ vậy diện tích đậu tương đông của Hà Tây tăng lên một cách nhanh chóng, từ 12.500 ha (năm 2000) lên 28.600 ha (2005) và 31.600 ha (2006).

Diện tích được mở rộng, hiệu quả kinh tế cao nên đậu tương đông trở thành cây trồng chính và Hà Tây được lên ngôi "vua" đậu tương đông ở các tỉnh phía Bắc.

Vụ đông năm 2005-2006 ông Nguyễn Hồng Tâm (Mỹ Đức) trồng tới gần 100 ha đậu tương. Hộ Nguyễn Duy Nam (Thanh Oai) trồng 50 ha, thu hoạch được 80 tấn, đạt doanh thu 400 triệu đồng. Sau khi trừ hết các khoản chi phí, ông Nam lãi 200 triệu đồng (trong vòng 3 tháng).

Đặc điểm cách thuê đất của Đồng Giao, cũng như ở Hà Tây là thuê theo thời vụ, với diện tích lớn liền vùng, liền khoảnh để cơ giới hoá từ khâu làm đất đến gieo hạt.

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, sau "cơn địa chấn" mất thị trường do Đông Âu sụp đổ, các làng nghề được hồi sinh trong thời kỳ đổi mới. Làng lụa Hà Đông "bật dậy" một cách mạnh mẽ. Hàng chục người bỏ ruộng mua máy dệt, dựng cửa hàng, bước vào thời kỳ đô thị hoá, đón khách du lịch trong nước, ngoài nước...

Trong khi đó ông Phạm Văn Yết lại bán đất mua máy cày. "Nhà tôi 5 đời làm ruộng. Cả đời tôi chỉ thích gom ruộng", "địa chủ" Yết dốc bầu tâm sự.

Hành trang ông mang vào sân chơi WTO với gần 12 ha ruộng cùng với một "hệ thống" máy móc cơ giới hoá, gồm 4 máy phay đất, 3 máy tuốt lúa, 1 máy cấy, 1 máy gặt. Và, một ước mơ táo bạo mở "Công ty làm ruộng". Ông là người được nhiều nhà quản lý nông nghiệp phong tặng danh hiệu "vua ruộng đệ nhất Bắc Kỳ", là chân dung "lão nông" thời hội nhập !

Cuối năm 2006, ông Vương Quốc Thới - Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Tây Ninh cho biết: Hội vừa kết thúc cuộc điều tra sơ bộ tình trạng "người cày không ruộng". Ngoại trừ những trường hợp phải sang nhượng đất vì cuộc sống quá khó khăn để trở thành "nông dân không ruộng", thì Tây Ninh có đến hơn 2.300 hộ nông dân cho người khác thuê đất với diện tích hàng chục nghìn ha.

Hiện tượng này đã manh nha trong vài năm trở lại đây và càng biểu hiện rõ rệt khi Việt Nam vào WTO. Xin nêu một điển hình, xã Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu), gần 1/3 số hộ dân của xã (khoảng 500/1.600 hộ) cho người khác thuê đất trồng mía với diện tích hơn 700 ha, chiếm hơn 30% tổng diện tích đất nông nghiệp.

Sau khi cho thuê nhiều chủ đất lại đi làm thuê ngay trên mảnh ruộng của mình. Hỏi lý do, họ cho biết: do ruộng đất manh mún, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất..., cho thuê đất đi làm thuê có hiệu quả hơn.

Khó mấy cũng phải làm

Cho đến nay, có lẽ Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên trong cả nước ra nghị quyết về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong thời kỳ hội nhập. Nghị quyết bàn nhiều vấn đề nhưng tựu trung lại là: "Giảm huy động và đóng góp, tăng hỗ trợ và đầu tư, chấn hưng nông thôn toàn diện".

Vĩnh Phúc là quê hương của khoán hộ. Nhờ khoán hộ sức lao động trong nông nghiệp, nông dân được giải phóng và đã làm nên kỳ tích từ một nước thiếu lương thực, Việt Nam đứng thứ nhì thế giới về xuất khẩu gạo, với số lượng trên, dưới 5 triệu tấn/năm.

Ngày nay, Vĩnh Phúc có làm nên kỳ tích "hậu khoán 10" khi Việt Nam đã là thành viên WTO? Vốn là một tỉnh thuần nông, trong vòng 10 năm trở lại đây, nhất là giai đoạn 2001-2005 Vĩnh Phúc đã có bước phát triển nhanh về công nghiệp, do đó tạo được tốc độ tăng trưởng kinh tế 15,4%/năm và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.

Định hướng của tỉnh đến năm 2020 cơ cấu kinh tế sẽ là: công nghiệp, xây dựng 60%, dịch vụ 37%, nông nghiệp chỉ còn lại 3%. Đó là xu hướng tích cực, phù hợp với tiến trình phát triển của đất nước. Nếu trước đây, khi chia lại ruộng để khoán hộ, nông dân đòi hỏi phải có tốt-có xấu, có xa-có gần, có thấp-có cao, thì ngày nay tư tưởng manh mún, nhỏ hẹp ấy đã phải nhường cho một ước nguyện mới mang tính thời đại-cần những diện tích rộng lớn, liền vùng, liền khoảnh để sản xuất hàng hoá.

Ruộng đất 1 hộ không chỉ đơn giản dồn từ trên chục mảnh vào vài ba mảnh, mà chỉ còn 2 mảnh, 1 để cấy lúa và 1 để trồng các loại cây khác. Nhu cầu của người dân tự tích tụ ruộng đất, lãnh đạo tỉnh, huyện "mở đường" cho dân làm, lòng dân-ý Đảng gặp nhau, tạo nên sức mạnh đưa Bắc Ninh về đích sớm trong việc tích tụ ruộng đất ở khu vực đồng bằng sông Hồng.

"Nếu cứ để ruộng đất như hiện nay thì không bao giờ có sản xuất hàng hoá, mà không có vùng sản xuất hàng hoá thì không bao giờ có tiêu thụ theo hợp đồng. Tích tụ đất đai khó cũng phải làm. Sự phát triển buộc chúng ta phải làm như vậy!". Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Hữu Rong – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thái Bình.

Từ thực tế, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc phải đổi mới tư duy "người cày có ruộng" và "hạn điền" thích hợp với hoàn cảnh mới.