09:24 16/05/2007

Thomson đã mua lại Reuters

Kiều Oanh

Hôm 15/5, hãng truyền thông Reuters đã đồng ý để tập đoàn dữ liệu Thomson mua lại với giá 17 tỷ USD

Nhiều nhà báo của Reuters không vui trước vụ sáp nhập này.
Nhiều nhà báo của Reuters không vui trước vụ sáp nhập này.
Hôm 15/5, hãng truyền thông Reuters đã đồng ý để tập đoàn dữ liệu Thomson mua lại với giá 17 tỷ USD.

Công ty ra đời từ vụ sáp nhập này sẽ có tên là Thomson-Reuters, có doanh thu hàng năm vào khoảng 12 tỷ USD, 49.000 nhân viên và sẽ được niêm yết trên thị trường chứng khoán London, Toronto và New York.

Giám đốc điều hành của Reuters Tom Glocer sẽ tiếp tục lãnh đạo công ty mới còn Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Thomson Richard Harington sẽ nghỉ hưu.

Thỏa thuận này sẽ tạo ra tập đoàn dữ liệu và thông tin tài chính lớn nhất thế giới. Các chuyên gia nhận định, việc chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn và bổ sung sức mạnh cho nhau giúp Thomson và Reuters cạnh tranh mạnh mẽ hơn với đối thủ chính của họ là hãng tin Bloomberg của Mỹ.

Theo các con số thống kê được đưa ra tháng 4 vừa qua, Bloomberg chiếm thị phần 33% trên thị trường đầu cuối cung cấp thông tin và dữ liệu về chứng khoán, tiền tệ, trái phiếu cho các ngân hàng, nhà buôn và môi giới. Trong khi đó, Reuters và Thomson lần lượt chiếm các thị phần là 23% và 11% trên thị trường này.

Ngoài ra, Thomson và Reuters kỳ vọng, vụ sáp nhập này sẽ giúp họ tiết kiệm khoảng 500 triệu USD mỗi năm.

Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện những lo ngại rằng vụ sáp nhập này sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đối với danh tiếng của Reuters trong lĩnh vực cung cấp thông tin.

Robert Peston, một biên tập viên mảng tin kinh tế của BBC nhận định: “Trong hơn 150 năm qua, Reuters đã là một trong những hãng thông tấn độc lập lớn nhất. Nhưng giờ đây, điều đó không còn nữa.”

Theo Peston, sự độc lập của Reuters được đảm bảo bằng quy định trong đó không một cá nhân cổ đông nào có thể sở hữu từ 15% cổ phần trở lên của công ty. Tuy nhiên, quy định này đã không còn hiệu lực sau vụ sáp nhập này vì gia đình Thomson sẽ sở hữu tới 53% cổ phần của công ty mới. Chính vì vậy mà nhiều nhà báo trong Reuters tỏ ra không vui trước vụ sáp nhập này.

Peston nói thêm: “Đã có những lo ngại rằng sau vụ sáp nhập này, hoạt động thông tấn của Reuters sẽ dần mất đi vị trí quan trọng như hiện có khi mà chiến lược của công ty mới sẽ là cung cấp các thông tin mật và công cụ cho khách hàng là người hoạt động trên thị trường tài chính toàn cầu.”

(Theo BBC)