06:57 30/10/2024

Thông điệp của Bắc Ninh

Song Hoàng

Hình ảnh những khu tái chế ngập ngụa nước thải, rác thải, khí thải gây ô nhiễm môi trường trầm trọng liên tục xuất hiện trên báo chí, mạng xã hội khiến Bắc Ninh “mất điểm” với các địa phương khác đồng thời làm tỉnh này “khó ăn khó nói” với các nhà đầu tư quốc tế về định hướng phát triển xanh, bền vững...

Một cơ sở sản xuất tại làng nghề tái chế giấy Phong Khê, thành phố Bắc Ninh tự nguyện dừng sản xuất
Một cơ sở sản xuất tại làng nghề tái chế giấy Phong Khê, thành phố Bắc Ninh tự nguyện dừng sản xuất

Làng Mẫn Xá (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) nổi tiếng với nghề tái chế nhôm. Với hơn 300 hộ sản xuất, làng nghề này có quy mô thuộc loại lớn nhất miền bắc, thậm chí lớn nhất Việt Nam.

Nghề tái chế, đúc nhôm giúp Mẫn Xá từ lâu trở thành "làng tỉ phú". Tuy nhiên, hệ quả đã và đang để cũng rất đắt với chính làng nghề này cũng như tỉnh Bắc Ninh.

Ngoài Mẫn Xá, Bắc Ninh có thêm các làng nghề rất nổi tiếng khác là giấy Phong Khê (TP Bắc Ninh) và làng nghề Phú Lâm (Tiên Du). 3 làng nghề này được xác định là điểm đen về ô nhiễm của Bắc Ninh.

Tại làng nghề Phong Khê, hơn 1 tháng cao điểm vừa qua, chính quyền các cấp, các đoàn liên nghành, tổ công tác liên tục thực hiện các đợt kiểm tra, xử lý, tuyên truyền với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường.

Nhiều hộ dân tại làng nghề cho biết đã cảm thấy “sốc nặng” khi lần đầu tiên các cơ quan chức năng kiểm tra và yêu cầu dừng hoạt động. Thậm chí nhiều người đã kéo lên ủy ban nhân dân phường, ủy ban thành phố tạo sức ép lên chính quyền.

Tuy nhiên, sau quá trình giải thích, vận động, đến nay có 70 cơ sở/hơn 100 hộ sản xuất giấy ở khu dân cư đã dừng và tự xin dừng hoạt động.

Có thể nhận thấy, đây là giai đoạn mà chính quyền tỉnh Bắc Ninh thực sự cương quyết muốn xóa bỏ, giải quyết dứt điểm 3 điểm đen ô nhiễm nặng nề là Phong Khê, Mẫn Xá, Phú Lâm.

Nói một cách khác, đã “hết thời” địa phương này chịu đánh đổi kinh tế lấy môi trường. Bắc Ninh đã và đang ở một “phong độ, đẳng cấp” phát triển khác, vì thế không thể tiếp tục để những điểm đen tồn tại.

Những năm gần đây, Bắc Ninh luôn là thương hiệu nổi bật trong thu hút đầu tư, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tỉnh này đã trở thành một ví dụ điển hình về sự phát triển mạnh mẽ, bền vững và hiệu quả trong thu hút đầu tư.

Số liệu thống kê cho thấy, tính từ đầu năm đến ngày 31/8, Bắc Ninh đã cấp mới đăng ký và điều chỉnh vốn đầu tư cho 318 dự án với tổng số vốn là 3,47 tỷ USD. So với cùng kỳ, vốn FDI vào Bắc Ninh tăng tới 194%. Trong đó, lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, chất bán dẫn… là lĩnh vực thu hút nhiều vốn đầu tư nhất.

Để tạo nên thương hiệu thu hút đầu tư theo hướng xanh, bền vững là cả một quá trình dài, đòi hỏi tư duy chiến lược mang tính đột phá và quan điểm nhất quán về thu hút đầu tư có chọn lọc. Bắc Ninh không áp dụng phương châm thu hút đầu tư bằng mọi giá, mà ưu tiên thu hút đầu tư các dự án thuộc các ngành công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường và ít thâm dụng lao động.

Do vậy, đến nay hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc tự động. Trong đó, tỷ lệ cơ sở sản xuất xây dựng mới đều đã áp dụng công nghệ tiên tiến, trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, nhiều khu công nghiệp đã tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả quỹ đất, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà máy của các nhà đầu tư quốc tế.

Với những thành quả về thu đầu tư xanh, sạch, bền vững trong suốt nhiều năm qua, rõ ràng, Bắc Ninh đã rất “sốt ruột” với tình trạng ô nhiệm nặng nề các làng nghề tái chế nhôm, chì hay giấy vụn.  

Hình ảnh những khu tái chế ngập ngụa nước thải, rác thải hôi thối, hay các xưởng sản xuất nằm ngoài các quy chuẩn, quy định liên tục xuất hiện trên báo chí, mạng xã hội khiến Bắc Ninh “mất điểm” với các địa phương khác, đồng thời làm tỉnh này “khó ăn khó nói” với các nhà đầu tư quốc tế, khi muốn thông báo chỉ rộng cửa với các dự án xanh, bền vững.

Vì vậy, việc kiên quyết xử lý dứt điểm các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường của Bắc Ninh trong thời gian qua là một thông điệp rõ ràng, Bắc Ninh thực sự đang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Và mọi thành phần kinh tế, dù là cơ sở sản xuất nhỏ lẻ hay doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đều sẽ được đối xử công bằng, không có ngoại lệ cũng như “vùng cấm” hay vùng không thể xử lý.

Ngày 23/10 vừa qua, ông Vương Quốc Tuấn Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh vừa chủ trì phiên họp để xử lý ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh), Cụm công nghiệp Phú Lâm (huyện Tiên Du) và xã Văn Môn (huyện Yên Phong).

Theo báo cáo, sau 1 tháng tập trung triển khai thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Văn bản số 1671-CV/TU ngày 23/9/2024; của Chủ tịch UBND tỉnh tại văn bản số 3688/UBND-NN.TN ngày 30/9/2024 về việc tiếp tục tăng cường xử lý, tiến tới xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê, cụm công nghiệp Phú Lâm, xã Văn Môn ghi nhận những kết quả bước đầu.  

Lãnh đạo UBND thành phố Bắc Ninh khẳng định sẽ kiên quyết xử lý, không khoan nhượng, dừng hoạt động, đóng cửa các cơ sở sản xuất giấy vi phạm, gây ô nhiễm môi trường ở trong khu dân cư tại phường Phong Khê; Kế hoạch chậm nhất đến 31/12/2024.

Để đạt hiệu quả, tiến độ thực hiện, thành phố Bắc Ninh đã thành phần Đoàn kiểm tra liên ngành, bổ sung thêm lực lượng các ngành chuyên môn của tỉnh; Tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất giấy ngoài khu công nghiệp, đồng thời với việc kiểm tra các cơ sở sản xuất lò hơi. Kế hoạch đến hết 30/9/2024, thành phố sẽ kiểm tra thêm 30 cơ sở, đến 30/10/2024, kiểm tra thêm 50 cơ sở; Đến 30/11/2024, kiểm tra xong toàn bộ các cơ sở sản xuất giấy ngoài KCN trên địa bàn.

Tại buổi làm việc, ông Tuấn đã phê bình chủ tịch UBND huyện Yên Phong trong việc chậm trễ triển khai thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh. Ông Tuấn đề nghị thường vụ huyện ủy chỉ đạo ngay UBND huyện Yên Phong xây dựng kế hoạch chi tiết để dừng hoạt động các cơ sở, hộ gia đình tái chế nhôm trong làng nghề Mẫn Xá không có giải pháp xử lý khí đảm bảo đạt quy chuẩn Việt Nam và không có hợp đồng với đơn vị có năng lực về xử lý xỉ thải theo quy định của pháp luật, trước ngày 31/12/2024.

Đối với cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá và các cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp Mẫn Xá, cần thành lập đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh do đại diện lãnh đạo công an tỉnh làm trưởng đoàn, tiến hành kiểm tra các nội dung về: môi trường, phòng cháy chữa cháy, quy hoạch, xây dựng… kiên quyết dừng hoạt động các cơ sở không đảm bảo các quy định của pháp luật; báo cáo kết quả với Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 30/11/2024.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và môi trường thường xuyên báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh những nội dung liên quan đến việc xử lý ô nhiễm môi trường tại Phong Khê, Phú Lâm và Văn Môn.

Thực hiện quan trắc mẫu nước tại sông Ngũ Huyện Khê (đoạn chảy qua cụm công nghiệp Phú Lâm và phường Phong Khê) một tuần 03 lần vào các khung giờ khác nhau, từ ngày 25/10/2024 đến hết 31/12/2024; thực hiện ghi kết quả và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh khi có yêu cầu.