Thông qua Luật Phòng chống tác hại của rượu bia: Trước tiên là thôi xem bóng đá!
Phiên thảo luận về dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có khá nhiều tấm biển tranh luận phát huy tác dụng
Cần hết sức tỉnh táo để có cách đặt vấn đề đúng đắn, có hiệu quả, nếu thông qua luật thì việc đầu tiên là thôi xem bóng đá, dân cần sức khoẻ những cũng sẵn sàng thức đêm xem đá bóng, đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu.
Sáng 23/5 phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có khá nhiều tấm biển tranh luận phát huy tác dụng.
Báo cáo giải trình, tiếp thu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc về quy định nội dung tài trợ rượu, bia trong dự thảo luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tài trợ là những hình thức hỗ trợ bằng tiền mặt, sản phẩm hay một dịch vụ nào đó của doanh nghiệp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đồng thời là một hình thức quảng cáo, tiếp thị sản phẩm của các doanh nghiệp. Rượu, bia là mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng, nên cần có quy định để quản lý hoạt động tài trợ rượu, bia.
Do đó, dự thảo luật quy định quản lý việc tài trợ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu, bia tại điều 14 như sau: "Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu, bia thực hiện hoạt động tài trợ phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan đến việc tài trợ và không được tài trợ bằng sản phẩm rượu, bia".
Đại biểu Phạm Như Hiệp (Thừa Thiên - Huế) phân tích theo quy định này, việc tài trợ bằng sản phẩm rượu, bia cũng thuộc hành vi bị nghiêm cấm trong khi đó điều 5 dự thảo luật lại không có quy định nào về việc cấm tài trợ bằng sản phẩm rượu, bia.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng nên thay cấm bằng quy định tài trợ tuân thủ pháp luật đúng với đối tượng và sự kiện. Đối tượng nào, sự kiện nào thì cho tài trợ về sản phẩm còn sự kiện nào, đối tường nào thì không. Ví dụ một tổ chức đang tổng kết vấn đề gì đấy mà có doanh nghiệp bia, rượu họ tài trợ sản phẩm, nếu không cho tài trợ, người ta phải mua bia, rượu để uống. Nên quy định sự kiện nào thì nên cấm chứ không thể không cho với tất cả các sự kiện, đại biểu Phương nêu quan điếm.
Nếu chúng ta thông qua luật này thì việc đầu tiên là thôi xem bóng đá, vì Heniken là tài trợ cho bóng đá ngoại hạng Anh và bóng đá thế giới. Người dân rất cần sức khoẻ nhưng họ vẫn sẵn sàng thức đêm xem đá bóng và họ mong muốn có đá bóng, truyền hình trung ương bỏ cả triệu USD để đáp ứng người dân, sức khoẻ không chỉ thuần túy là sức khoẻ về thể trạng mà còn sức khoẻ về tinh thần, chất lượng sống, đại biểu Dương Trung Quốc nói khi dùng quyền tranh luận.
Tại phiên thảo luận, một số ý kiến khác cũng cho rằng cốt lõi là phải thay đổi văn hoá chứ không phải bóp nghẹt sản xuất một cách chính thống, vô hình chung sẽ khuyến khích cho hàng giả, hàng lậu.
Sử dụng biển tranh luận, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) tỏ rõ thái độ không đồng tình với khá nhiều đại biểu đã phát biểu, coi ngành sản xuất rượu, bia như một tội đồ, như thế là không công bằng. Hàng chục nghìn tỷ hằng năm, hàng trăm nghìn lao động đang kiếm sống hàng ngày, đóng góp cho ngân sách nhà nước, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nói đi cũng phải nói lại, vì sức khoẻ của người dân thì đúng rồi, nhưng cần có lộ trình và phù hợp với thực tiễn, ông Xuyền nói.
Ở góc nhìn khác, đại biểu Phạm Trọng Nhân lo lắng khi một trong những quy định bị đẩy ra khỏi dự luật mới nhất là cấm bán bia rượu từ 15 độ cồn trở lên trên Internet. Với tình trạng ngày càng phổ biến của internet và độ tuổi tiếp cận ngày càng trẻ hóa thì việc bỏ chế định trên có phải là "vẽ đường cho hươu chạy", đại biểu Nhân băn khoăn.
Ông Nhân cũng cho rằng báo cáo giải trình chỉ đề cập cân nhắc quy định cấm này vì không hợp thông lệ, tạo rào cản phát triển của các doanh nghiệp mà quên cân nhắc những nguy cơ tác hại đến trẻ em, một đối tượng yếu thế của xã hội.
Nếu cho rằng các điều khoản phải vừa vặn với nguồn lực hiện có nhằm bảo đảm tính khả thi thì việc cấm bán rượu, bia trên internet có đòi hỏi một nguồn lực quá sức chúng ta hay không? Vừa cho rằng nguồn lực hiện có chưa đảm bảo lại vừa cho phép bán rượu, bia trên internet trong khi biện pháp kiểm soát thì không cụ thể thì hiểu đây là sự mâu thuẫn, sự cài cắm hay thiếu sót đầy chủ ý về kỹ thuật lập pháp, ông Nhân đặt vấn đề.